"Diễn viên giỏi là phải đóng vai phản diện, chính diện, thiện-ác đóng được hết, nhưng giao vai phản diện tôi không đóng".

Tôi không đóng vai ác 

Là một nghệ sĩ đa tài, tham gia vào nhiều lĩnh vực như văn chương, điện ảnh, biểu diễn ảo thuật, nhưng Mạc Can nói ông không thích được gọi là nhà văn hay diễn viên mà chỉ thích được gọi là "hề" để mang lại tiếng cười. 

Trong cuộc đời mình, ông yêu thích công việc gì?

- Tôi nhiều nghề lắm, nghề nào mình giúp vui được người ta thì mình lấy chuyện đó làm vui. Như diễn ảo thuật cho con nít coi, con nít cười khoái, thích, thì mình cũng thích. Viết văn cũng vậy, mình viết không phải để sách bán nhiều bán ít mà người ta thích sách ông Can viết. Độc giả, khán giả người ta nuôi mình thì mình phải tử tế với người ta, đừng làm gì lộn xộn.

{keywords}

Với điện ảnh thì sao?

- Đóng phim thì không đóng vai ác. Nói thật ra, nghề nghiệp nào cũng có nhiều phía. Diễn viên giỏi là phải đóng vai phản diện, chính diện, thiện - ác đóng được hết, nhưng giao vai phản diện tôi không đóng. Thực tế là người dân không thích. 

Hồi xưa, tuồng hát cải lương ở chợ quê, người nào hát vai nịnh thần thì dù sáng mai trở lại bình thường rồi, nhưng ra chợ,người ta vẫn không bán đồ cho ăn (cười). "Thằng này nom thấy ghét rồi". Người ta không phân biệt được nhân vật và nghệ sĩ. Bây giờ vẫn còn chuyện đó.

Thực tế, đóng vai ác khó nổi tiếng lắm. Người ta ghét nhưng người ta không hiểu được rằng nhân vật trong nghệ thuật thì khác. Người nào đóng vai phản diện hay, xuất sắc thì là nghệ thuật của người ta, lẽ ra mình phải khen người ta. (cười).

Trong các bộ phim, chú thích phim nào và nhân vật nào?

- Phim Đất phương Nam, tôi vào vai bác Ba Phi. Ba Phi là một nhân vật có thật, tên là Nguyễn Long Phi - người miền Tây, ổng cao lớn chứ không lùn xủn như tôi, nhưng ông Đạo diễn chọn tôi vì tính tôi tếu tếu. Vai ngắn thôi nhưng khi mình xuống dưới miền Tây người ta kêu mình là bác Ba Phi, đó là cái hãnh diện chứ hả? 

Có quãng thời gian nào trong đời chú muốn được trở lại nhất?

- Không có thời gian nào hết. Thời gian nào cũng đẹp. Nhiều người nói thời thanh niên, thời thơ ấu là đẹp nhất, với tôi không phải vậy. Thơ ấu hay lúc già tôi đều thích. 

Chú từng nói chú là một "ông già hạnh phúc".

- Cái đó phải tùy người, tùy hoàn cảnh. Hạnh phúc là gì? Cái gì gọi là hạnh phúc? Ví dụ như có tiền bạc, có nhà cửa hay vợ đẹp con ngoan là hạnh phúc? Tôi không quan trọng những thứ đó. Quý bạn là nhất. Có bạn bè ngồi nói chuyện với nhau là tốt nhất. Không cần ngồi trong máy lạnh, ngồi quán cóc chơi thôi. Hạnh phúc là do tự thân mình cảm thấy, nghèo nghèo cũng được rồi.

{keywords}

Ông thích ngồi chơi với ai nhất?

- Bạn bè ở đây. Mấy anh nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ... đủ hết.

Hiện nay thu nhập của ông ra sao?

- Tùy mình. Thí dụ, tôi không hút thuốc, lâu lâu làm 1-2 điếu, không có cũng được. Không đủ tiền ăn phở thì ăn bánh mì, không đủ tiền ăn bánh mì thì ăn bắp, ăn xôi...

Sức khỏe của ông hiện nay ra sao?

- 27 tuổi cũng yếu rồi. Trông không phải 27 hả? Là 72 (cười). Về viết cho vui, nhưng phải đúng sự thật, đừng có viết quá. Khen quá cũng không được - người ta không tin - mỗi người có cái tốt cái xấu chứ có ai tốt hẳn đâu; chê quá thì cũng không phải. 

Tôi là thằng tép riu 

{keywords}
Vai ông già mù với chú chó của Mạc Can trong bộ phim "Kẻ trộm chó" sắp ra mắt

Trong bộ phim "Kẻ trộm chó" sắp ra mắt (10/2017), ông đóng vai ông già mù cùng với một chú chó. Cảm giác của chú với người bạn bốn chân như thế nào ạ?

- Nói thật, tôi không thích chó mèo lắm. Tôi còn không thích tôi nói gì. Chính bản thân mình còn không thích mình.

Ông có hay nhớ đến ai đó, một người nào đó?

- Tôi hay nhớ đến một người, nhưng người đó tôi không quen. Một hôm ở miền Tây - chỗ huyện Thủ Thừa giáp Đồng Tháp Mười, tôi nhìn ra bờ sông bao la, lúc đó trời mưa lất phất, thấy có một người con gái đi tới bờ sông chỗ chiếc xuồng đi qua bên kia sông. Tôi nhớ cô đó mà không biết cô ấy là ai, nhớ trong đầu chứ không đưa vào tác phẩm, tới giờ chưa quên được...

Bối cảnh đó làm cho mình cảm xúc. Mưa rơi rơi, dòng sông, con người nhỏ bé bơ vơ giữa một không gian lớn quá, con người không phản kháng được, thậm chí con người sống như là vô lý, không có lý do để sống... Nói thế thôi chứ tôi không biết cô đó tên tuổi ra sao, đẹp xấu thế nào, con cái nhà ai, nhưng hoàn cảnh làm cho mình nhớ tới bây giờ chưa phai.

Ông vừa ra mắt cuốn sách 'Có mẹ trong đời' vào mùa Vu Lan năm nay, còn cha chú thì sao? Mối quan hệ của ông với cha như thế nào?

- Ba tôi cũng giống như tôi, cũng lang thang lếch thếch, miền Nam người ta gọi là "cái chân đi". Mỗi lần ông muốn đi đâu là bỏ hết đồ nghề vác lên vai đi. 

Nhiều năm tôi không gặp cha, cuối cùng tới ngày ông sắp qua đời mới kêu Can lại, nói "Can ơi, ba không có để ý gì tới con hết trơn, để cho con sống giống như cây cỏ tự mọc, tự sống lấy, không dạy con học, không chăm sóc, không hướng dẫn con... Tại sao lúc con lớn tuổi rồi con lại làm được nhiều thứ quá vậy." Tức là khen, vừa khen vừa hối hận.

Hôm vừa rồi ở Đường sách, độc giả hỏi ông Đỗ Trung Quân về cha, mấy ông hối hận vì không được chăm sóc cha, còn tôi thì ngược lại, cha hối hận vì không chăm sóc tôi (cười).

Ông gần gũi với mẹ hơn?

- Hình ảnh của bà in đậm hơn. Cha thì ít gặp mà.

Ông có mơ ước hay một điều gì đó muốn làm không?

- Không. Đừng hy vọng gì khác. Cứ mang trong lòng hy vọng thì dễ tuyệt vọng lắm, cứ sống phơi phới không cần hy vọng mơ ước gì cả. Khi muốn gì đó mà không được thì người ta buồn. Nên không muốn gì hết, vậy là vui rồi. 

{keywords}

Hồi trẻ ông không thích ai sao?

- Dù có thích cũng không được. Hồi còn trẻ đi lòng vòng viết văn, có những người con gái đẹp thích mình. Có một cô thích tôi nhưng tôi không dám thích cô ấy, vì cô ấy hơn mình quá nhiều. Cô ấy đẹp hơn tôi, gia cảnh khá giả hơn tôi. Tôi là thằng tép riu sống bằng nghề viết văn lặt vặt thôi. Sau đó cũng thấy tiếc, tiếc vì người ta tới với mình nhưng mình không dám. Giờ quên rồi...

Vân Sam