Amazon Web Services (AWS), nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây chiếm thị phần lớn nhất hiện nay, báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021 đạt 13,5 tỷ USD - vượt hơn dự đoán 13,1 tỷ USD của các nhà phân tích. Tăng trưởng doanh thu quý này đạt 32% so với quý trước, và tăng 30% so với cùng kỳ.

Theo Research And Markets, quy mô thị trường điện toán đám mây toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 371,4 tỷ USD vào năm 2020 lên 832,1 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 17,5%.

{keywords}
Làm việc từ xa, học tập online... tạo nhu cầu lớn trong sử dụng dịch vụ đám mây. (Ảnh: Hải Đăng)

Nguyên nhân khiến dịch vụ đám mây phát triển là do các doanh nghiệp gia tăng chuyển đổi số trong giai đoạn dịch Covid-19. Học hành, hội họp, làm việc đều được đưa lên trực tuyến, tạo áp lực cho các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm, dịch vụ, dữ liệu của họ lên mây để khách hàng truy cập từ xa.

Các ngành công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, viễn thông, truyền thông, giải trí là những lĩnh vực nhận tác động tích cực từ đại dịch. Nhóm doanh nghiệp ở các lĩnh vực này sử dụng điện toán đám mây và chuyển đổi số nhanh nhất.

Tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, ở một số lĩnh vực, mức độ chuyển đổi số chỉ riêng năm 2020 có thể tương đương với bước tiến 10 năm. Điều này do áp lực chuyển đổi lên online trong bối cảnh người dân phải ở nhà nhiều hơn.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông), cho rằng cú hích Covid-19 thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây, nhờ đó tốc độ tăng trưởng của thị trường đạt tới 40% trong năm 2020.

Bà Hồng Trần, CEO TechX - một công ty tư vấn dịch vụ đám mây - cho rằng ngành tài chính - ngân hàng - fintech đang dẫn dắt cuộc chơi chuyển đổi lên mây tại Việt Nam. Nhóm doanh nghiệp lớn trong ngành này sẽ tạo nên trào lưu để các công ty trong nước đi theo.

Chỉ mới thành lập năm ngoái nhưng TechX đã có hơn 100 khách hàng, tư vấn thành công cho các công ty như FE Credit, TNEX, VIB, Sovico, HD bank... chuyển đổi nhiều dịch vụ lên mây. Công ty này dự kiến mở rộng đến 5.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ khác trong năm tài chính 2021, trong bối cảnh chuyển đổi số và dịch vụ đám mây được truyền thông mạnh mẽ tại Việt Nam.

Không chỉ mảng tài chính, nhiều doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam ở các lĩnh vực khác cũng trở thành những điển hình chuyển đổi lên đám mây. Ông Conor McNamara, Giám đốc khu vực ASEAN của AWS, dẫn một số ví dụ như Điện Quang, VTV Go, Fastgo, CircleK đang ứng dụng tốt công cụ này cho dịch vụ hàng ngày của họ. Đó là chưa kể những startup tiên phong trước đó như MoMo, Grab.

4 động lực khiến doanh nghiệp chuyển đổi lên mây trong mùa dịch

Trong vòng 12 tháng qua, tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề kinh doanh phải chuyển đổi. Ông Conor cho biết, có 4 xu hướng chính trong cách các doanh nghiệp Đông Nam Á chuyển đổi lên điện toán đám mây.

Thứ nhất, một số ngành nghề mới nổi lên, như mảng hội họp qua truyền hình hoặc y tế từ xa. Chẳng hạn tại Việt Nam, TranS - một công ty cung cấp dịch vụ họp trực tuyến - đã tận dụng nền tảng đám mây để mở rộng quy mô từ 1.000 người dùng lên đến 450.000 ngàn người ở giai đoạn đầu của Covid-19. Hoặc một số doanh nghiệp khác như Dr. Anywhere (Singapore, Việt Nam), Dr. Raksa (Thái Lan) và HaloDoc (Indonesia) ở mảng y tế cũng số hoá nhiều dịch vụ trong giai đoạn dịch bệnh.

Một số khách hàng mảng bán lẻ dùng đám mây để thay đổi mô hình kinh doanh, thích ứng với nhu cầu mới của khách hàng. Chẳng hạn, StoreHub - một nền tảng cung cấp máy POS ở Malaysia - đã ngay lập tức xây dựng một ứng dụng giao hàng khi nhận thấy nhu cầu mua mang đi tăng cao. Họ chỉ mất 3 ngày để xây ứng dụng, đưa lên đám mây, và có được 105 nhà hàng trên nền tảng trong tuần đầu ra mắt.

Thứ ba, đám mây được sử dụng để giảm tải công việc. Như một công ty bảo hiểm ở Singapore đã xây dựng tổng đài ảo chỉ trong 24 giờ, dựa trên công cụ sẵn có của nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Tổng đài này giúp giảm tải công việc cho 60 nhân viên trực tổng đài của công ty.

Cuối cùng, các công ty cũng tận dụng điện toán đám mây để tiết kiệm chi phí. Như Simak Online, một nền tảng quản lý giáo dục trực tuyến ở Indonesia. Mùa dịch, khách hàng của công ty này gia tăng 67% thời lượng sử dụng, và công ty này đáp ứng nhu cầu ngay lập tức bằng việc thuê thêm hạ tầng đám mây. Việc này giúp Simak Online chỉ bỏ ra 1/10 chi phí so với việc đầu tư hạ tầng vật lý.

Ngoài 4 xu hướng trên, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các công ty vừa và nhỏ cũng chuyển đổi lên mây toàn bộ hoặc một phần. Riêng những doanh nghiệp ở mảng tài chính, fintech, viễn thông, công nghệ vẫn đang là động lực phát triển chính của điện toán đám mây.

Hải Đăng

Những công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số: AI, IoT, Big Data, Đám mây, Blockchain

Những công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số: AI, IoT, Big Data, Đám mây, Blockchain

Những công nghệ số tiêu biểu thúc đẩy chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, hay chuỗi khối đã được làm rõ khái niệm trong "Cẩm nang Chuyển đổi số" được phát hành mới đây.