{keywords}
 

Martin Cooper là một kỹ sư người Mỹ, nổi tiếng vì đã phát minh ra chiếc điện thoại di động cầm tay đầu tiên vào năm 1973 khi đang làm việc tại Motorola. Bên cạnh danh xưng "cha đẻ của điện thoại di động", Cooper còn là người đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc gọi từ một chiếc điện thoại di động trước công chúng.

Những nội dung tiếp theo mà bạn sắp đọc được là một số đoạn trích từ Chương 13 - "How the Cell Phone Changes Lives" của cuốn sách "Cutting the Cord" do Martin Cooper soạn thảo và vừa được ra mắt thời gian qua.

Vào năm 2001, gần 45% dân số Mỹ sở hữu một chiếc điện thoại di động. Số người sở hữu điện thoại đã tăng gấp đôi so với 4 năm trước đó, và gấp bốn so với 6 năm trước đó nữa. Vào ngày 11/9 năm đó, những kẻ khủng bố đã cướp máy bay và tấn công New York, Washington, và Pennsylvania. Trên ít nhất một trong những chiếc máy bay bị cướp, hành khách đã sử dụng điện thoại di động để liên lạc với gia đình lúc này đang ở dưới mặt đất. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, các cột tín hiệu vẫn chưa được lắp đặt, hoặc những cột đã có sẵn thì không đủ khả năng để xử lý số lượng cuộc gọi tăng đột biến như vậy. Nhiều đội phản ứng nhanh và các viên chức chính phủ không thể liên lạc được, kể cả khi sử dụng điện thoại bàn.

Trong ngày kinh hoàng đó, máy nhắn tin qua sóng vô tuyến - gọi ngắn gọn là máy nhắn tin - trở thành con đường để truyền tải thông tin về cuộc tấn công. Dù cho số lượng điện thoại nhiều gấp 3 lần số lượng máy nhắn tin, thiết bị nhỏ nhắn này vẫn được sử dụng rộng rãi để liên hệ và cảnh báo mọi người, bao gồm cả những viên chức hàng đầu của chính phủ Mỹ.

Trong số nhân viên Nhà Trắng đi cùng Tổng thống George W. Bush, "máy nhắn tin của từng người một bắt đầu tắt ngúm" khi thông tin về vụ tấn công lan rộng. Không có chiếc điện thoại nào trên chuyên cơ Air Force One, vốn chở tổng thống bay quanh nước Mỹ trong lúc nội các cố gắng tìm cách đưa ra hành động đúng đắn. Phụ trách báo chí Nhà Trắng có một chiếc máy nhắn tin hai chiều, không phải điện thoại di động, chỉ có thể gửi và nhận một vài tin soạn sẵn. Đoàn tuỳ tùng của tổng thống chỉ có thể cập nhật thông tin về vụ tấn công thông qua tín hiệu TV địa phương khi máy bay bay ngang qua những nơi đó. Bên trong Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới, máy nhắn tin là nguồn tin chủ đạo đối với những người đang tìm cách thoát ra ngoài. Những hàng dài người bắt đầu hình thành tại các trạm điện thoại quanh Manhattan.

Những máy nhắn tin đó là hậu duệ của những thiết bị đầu tiên được Motorola giới thiệu tại Mỹ 30 năm trước đó. Mọi người muốn và cần giữ liên lạc với nhau - một cách tiện lợi, với mức giá dễ chịu, tức thời, và trong những tình huống quan trọng phải đủ nhanh. Vào cuối những năm 1960, khi máy nhắn tin mang lại cho chúng ta những ý tưởng sơ khởi về khả năng kết nối tức thời, và điện thoại di động vẫn là một giấc mơ viển vông, tôi đã đưa ra một dự báo nghe có vẻ đậm chất khoa học viễn tưởng. Tôi nói với bất kỳ ai nghe mình, rằng một ngày nào đó, mọi người sẽ được cấp một số điện thoại khi vừa sinh ra. Nếu ai đó gọi và bạn không trả lời, có nghĩa bạn đã chết rồi. Vào ngày 11/9, chúng ta đã được trải nghiệm mặt tối của dự báo này - nếu bạn cố liên hệ với ai đó và không thể thực hiện được, bạn hẳn lo sợ rằng họ không còn trên cõi đời này nữa.

Tôi tin rằng, thậm chí lúc này mới chỉ đầu những năm 1970 thôi, mọi người - đúng, mọi người - sẽ muốn và cần một chiếc điện thoại di động. Những người khác tại Motorola đã tán đồng với dự đoán này bởi lĩnh vực vô tuyến hai chiều mà chúng tôi đang làm đã cho thấy ngay từ đầu rằng rất nhiều doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt hơn nhiều lần khi mọi người được kết nối với nhau. Các nhà cung cấp ở Mount Sinai, công nhân viên sân bay, và cảnh sát Chicago đã cho chúng tôi thấy kết nối với nhau sẽ tạo điều kiện để các tổ chức hoạt động như thế nào. Chúng tôi nhớ rằng các bác sỹ từ chối chuyển máy nhắn tin của họ cho chúng tôi để sửa. Những thiết bị nhỏ gọn như máy nhắn tin và điện thoại di động, qua những tình huống sử dụng bình thường và những thảm kịch như ngày 11/9, đã trở thành những người bạn đồng hành mọi lúc, mọi nơi, gắn bó chặt chẽ với con người.

Những trải nghiệm đó cho thấy một nguyên tắc của công nghệ, vốn đã định hình nên tầm nhìn của tôi trong hàng thập kỷ. Bằng chứng về tính hữu dụng của một sản xuất sẽ xuất hiện khi người dùng trở nên quá lệ thuộc vào nó và gắn bó với nó đến nỗi họ sẽ không từ bỏ nó, dù cho bị hư hại hay gặp những tác động tiêu cực. Điện thoại di động đã chứng minh được điều đó rất nhiều lần. Trong một phán quyết của Toà án Tối cao vào năm 2014, thẩm phán John Robert đã viết rằng điện thoại di động "hiện nay quá phổ biến và là một phần không thể thay thế trong đời sống thường ngày, đến mức những vị khách từ Sao Hỏa có thể kết luận rằng chúng là một tính năng quan trọng của giải phẫu học con người".

Điều khiến tôi ngạc nhiên là tốc độ và mức độ phổ biến của điện thoại. Tôi không hề hình dung ra được rằng số người dùng điện thoại di động trên thế giới còn nhiều hơn cả số người sử dụng toilet xả nước nữa.

Chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao tác động của công nghệ trong ngắn hạn nhưng lại đánh giá quá thấp tác động dài hạn của nó. Đây được gọi là Luật Amara, đặt theo tên Roy Amara, một nhà khoa học Stanford, đứng đầu Viện Các chuyên gia cố vấn Tương lai trong 20 năm. Điện thoại di động là một ví dụ điển hình. Theo tài liệu của Motorola về chiếc DynaTAC sản xuất cho giới truyền thông vào tháng 4/1973, chúng tôi viết rằng "điện thoại di động được thiết kế để sử dụng ‘trên đường đi', khi một người cách xa văn phòng hay nhà ở, nơi điện thoại truyền thống không có sẵn". Chúng tôi tin rằng phần lớn thời gian, hầu hết mọi người đều "đang trên đường đi". Và ngày nay điều đó thậm chí còn đúng hơn lúc trước.

Sau khi điện thoại di động trở thành một lĩnh vực kinh doanh, đốm lửa mà tôi và nhóm của mình thắp lên không thể thổi bùng thành ngọn lửa lớn trong mắt bộ phận tài chính ở Motorola. Khi chúng tôi chuẩn bị ngân sách phát triển điện thoại di động, Jim Caile, quản lý mảng marketing, cho tôi xem một dự báo về doanh số điện thoại di động. Chúng tôi đồng ý rằng những chiếc điện thoại đầu tiên sẽ được tung ra thị trường vào khoảng giữa đến cuối những năm 1970. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm xuất xưởng dự báo lại khiến tôi hoàn toàn không chấp nhận được.

Tôi biết sẽ tốn bao nhiêu chi phí cho việc chế tạo và những tài năng khác cần thiết để phát triển một chiếc điện thoại di động có khả năng đưa vào sản xuất đại trà. Tôi đã làm đủ lâu, và nhiều lần ước tính hụt những chi phí đó, để có thể khá tự tin vào ước tính lần này. Và tôi cũng biết rằng chúng tôi sẽ không bao giờ thuyết phục được lãnh đạo tin vào kế hoạch nếu bán được quá ít điện thoại di động, không đủ để hoàn vốn đầu tư. Mặt khác, những người phản đối, đặc biệt là các quản lý về mảng tài chính, sẽ cười chúng tôi một trận ra trò nếu chúng tôi tỏ ra lạc quan như những gì mình muốn.

Tôi nhìn vào bảng dự báo lần nữa. "Tăng gấp đôi mọi dự báo về doanh số đi" - tôi nói Caile. "Và chờ xem liệu chúng ta có thể thuyết phục được ai không". Ông ấy đã làm điều đó một cách nghiêm túc, và phía quản lý chấp thuận.

Phó chủ tịch Motorola, John F. Mitchell, và chiếc điện thoại vô tuyến cầm tay DynaTAC năm 1973

Chúng tôi không cách quá xa mục tiêu trong bản dự báo doanh số, nhưng đó là bởi hầu hết những chiếc điện thoại di động đời đầu là điện thoại dùng trên xe hơi. Điện thoại di động còn quá đắt đỏ, và không có đủ các cột sóng để tạo ra hệ thống liên lạc ổn định. Đến năm 1990, hiệu suất và kích cỡ điện thoại di động trở nên thực tế hơn, và doanh số tăng lên nhanh chóng. Đến năm 2000, tìm mua một chiếc điện thoại dùng trên xe hơi trở nên rất khó khăn, điện thoại di động đã chiếm lĩnh thị trường. Trong thập niên 2000, sự sụt giảm của số lượng người đăng ký dùng điện thoại bàn bắt đầu diễn ra. Mọi người không hề tin tôi khi tôi đưa ra dự đoán vào những năm 1970 rằng điện thoại bàn có dây, trong một tương lai xa xăm, sẽ trở nên thừa thãi.

Ấy thế nhưng không ai trong số chúng tôi tại Motorola lúc bấy giờ hình dung ra những tính năng như camera trên điện thoại cả. Xét cho cùng, chưa hề có camera kỹ thuật số vào những năm 1973, do đó nó thậm chí chẳng hiện diện trong danh sách những công nghệ khả thi của chúng tôi. Trong thập niên 1960, Motorola trở thành công ty hàng đầu ngành transistor và đã tích hợp chúng vào các thiết bị điện tử tiêu dùng, bao gồm chiếc DynaTAC, do đó chúng tôi đã có ý tưởng rằng để cải thiện hiệu suất, điện thoại di động sẽ cần thêm nhiều transistor hơn nữa. Nhưng chúng tôi chắc chắn không hình dung điện thoại di động sẽ trở thành smartphone, một chiếc máy vi tính đúng nghĩa. Máy tính cá nhân vẫn đang được phát triển vào thời điểm đó, và internet cũng mới chỉ phổ biến mà thôi.

Nhìn chung, mọi dự báo về ứng dụng và độ phổ biến của điện thoại di động đều đã sai.

Năm 1984, tạp chí Fortune dự báo sẽ có 1 triệu người dùng điện thoại đi động tại Mỹ tính đến năm 1989. Con số thực tế là 3,5 triệu. Năm 1994, các nhà tư vấn ước tính đến năm 2004, sẽ có từ 60 - 90 triệu người dùng điện thoại di động toàn cầu. Con số thực tế vào năm 2004 là 182 triệu.

(Theo VnReview, TechRadar) 

 

Điện thoại di động 80 năm trước trông thế nào?

Điện thoại di động 80 năm trước trông thế nào?

Một bộ phim từ những năm 1940 cho thấy cách vận hành, sử dụng điện thoại di động khác xa hiện nay.