Tranh cãi về việc dựa vào điện gió, mặt trời

Là người ủng hộ phát triển năng lượng tái tạo, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, quan điểm, giá năng lượng tái tạo vừa qua cao hơn giá nhiệt điện than, vì nếu tính cả chi phí về ô nhiễm, biến đổi khí hậu thì giá nhiệt điện than tương đương năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, ông Lâm cho rằng: Hàng năm, giá nhiệt điện than đều tăng từ 2-5% do giá than mỗi năm đều tăng. Trong khi đó, công nghệ năng lượng tái tạo giúp giá giảm dần, giá điện từ năng lượng tái tạo hiện nay so với 5 năm trước đã giảm quá nửa.

“Cho nên, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặt ra trong quy hoạch điện 8 phải tính đủ các yếu tố để so sánh giá. Nếu tính cả ô nhiễm và phát thải carbon thì giá nhiệt điện than không phải là ưu điểm nữa”, ông Lâm không quên nhắc đến chủ trương đánh thuế carbon, được Nghị viện châu Âu đề xuất và cảnh báo hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ bị thua thiệt nếu việc đánh thuế carbon này được thực thi.

{keywords}
3 năm qua, công suất lắp đặt điện mặt trời, điện gió của Việt Nam tăng mạnh. Năm 2021 sẽ được bổ sung khoảng 3000MW điện gió. 
{keywords}
Công suất lắp đặt năng lượng tái tạo của Việt Nam ngang tầm các nước phát triển (số liệu được Bộ Công Thương dẫn tại Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điện 8 ngày 8/10)

Trong khi đó, chuyên gia năng lượng Nguyễn Tài Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1, cho rằng: "Chúng ta cần xã hội nhận thức lại về các nguồn năng lượng hiện tại, tránh tư tưởng cực đoan. Ví dụ, không ít người cho rằng chỉ có điện mặt trời, điện gió mới tốt, mới văn minh. Đó là quan điểm cực đoan vì nguồn năng lượng nào cũng có hai mặt.

“Nhà máy nhiệt điện than là nguồn phát điện rất ổn định với chi phí thấp. Mọi người thường nghĩ trở ngại chính là yếu tố phát thải carbon, song thực tế, tỷ lệ nhiệt điện than trong hệ thống của Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thận trọng do phụ thuộc vào nguồn cung cấp than ngắn hạn (kinh nghiệm từ một số nhà máy nhiệt điện than của châu Âu và Trung Quốc phải đóng cửa do thiếu than). Nhiệt điện khí có ưu điểm là nguồn phát điện ổn định, nhưng cũng phụ thuộc vào nguồn cung ngắn hạn từ bên ngoài”, ông Nguyễn Tài Sơn chia sẻ.

Đối với năng lượng gió và mặt trời, ông Nguyễn Tài Sơn đánh giá các nguồn này “có chí phí tương đối đắt”, vì phải đầu tư cho nhà máy và hệ thống tích trữ năng lượng, đồng thời chí phí cho môi trường cũng rất lớn.

“Tôi cho rằng, hiện nay năng lượng gió và mặt trời ở Việt Nam chưa phải là một nguồn điện hoàn chỉnh”, ông Sơn lưu ý. “Có nghĩa là, chúng ta vẫn cần phải khai thác nguồn điện khác vào những thời điểm không thể phát năng lượng gió và mặt trời. Kinh nghiệm của các nước đã xảy ra khủng hoảng cho thấy, tỷ lệ của các nguồn năng lượng tái tạo chỉ nên dưới 10% trong giai đoạn hiện nay”. 

“Vì vậy, chúng ta không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn điện “đỏng đảnh” gió và mặt trời”, ông Sơn góp ý. “Trong bối cảnh này, cần tính đến việc xây dựng các hệ thống tích trữ năng lượng, nhà máy thủy điện tích năng, mở rộng các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, việc sử dụng giải pháp nào cũng phải cân nhắc rất kỹ về chi phí đầu tư cũng như tác động môi trường”.

{keywords}
Điện gió, điện mặt trời đóng góp gần 12% sản lượng điện toàn hệ thống trong 9 tháng năm 2021. Nguồn số liệu: EVN

Làm gì cũng cần tính đến giá điện

Trên thực tế, nếu không phải đối diện nỗi lo về “giá” thì dự thảo quy hoạch điện 8 sẽ không phải gây tranh cãi nhiều đến vậy. Chấp nhận mức giá điện đắt đỏ hơn hiện nay, Bộ Công Thương hoàn toàn có thể đưa tỷ lệ năng lượng tái tạo lên cao hơn nữa, thay vì chỉ giới hạn ở mức dưới 20% công suất phát như tại dự thảo quy hoạch 8.

Dù ủng hộ tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, song TS. Ngô Đức Lâm cũng nhìn nhận do điện mặt trời chỉ phát được vào ban ngày, còn điện gió phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên buộc trong hệ thống điện phải “sinh ra” các nhà máy điện linh hoạt, thủy điện tích năng, lưu trữ năng lượng. Điều này khiến giá thành điện lên cao.

“Hệ thống truyền tải chỉ tải điện mặt trời ban ngày, không tải ban đêm nên giá thành rất cao. Chiếc xe 20 tấn chở 20 tấn hàng thì giá thành rẻ. Xe 20 tấn lại chỉ chở 5-10 tấn, vẫn phải có lái xe, vẫn cung đường ấy thì giá thành rất cao. Đó là nhược điểm của năng lượng tái tạo hiện tại”, ông Lâm phân tích cặn kẽ.

Cho nên, ông Ngô Đức Lâm cho rằng vẫn phát triển năng lượng tái tạo, nhưng chỉ phát triển trong khả năng chấp nhận được. Thế nào là “chấp nhận được” thì cần có bài toán tính toán tối ưu cho cả hệ thống.

Để khắc phục sự thiếu ổn định của năng lượng tái tạo, ông Lâm khuyến nghị đưa thủy điện, nhiệt điện khí vào vì điện khí “ưu điểm hơn nhiệt điện than rất nhiều”.

Dữ liệu do Bộ Công Thương tổng hợp cho thấy, hầu hết các nước vẫn phụ thuộc vào các nguồn truyền thống như nhiệt điện than, khí, thủy điện. Trên thế giới, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong công suất lắp đặt (29%), nhiệt điện khí 25%, thủy điện 19%, điện gió và mặt trời 20%, điện hạt nhân 5%, khác 2%.

{keywords}
Công suất lắp đặt điện than của Việt Nam tương đương trung bình thế giới (số liệu Bộ Công Thương)

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, nhấn mạnh xu hướng của thế giới là tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo. Nhưng, dù muốn hay không, điện than vẫn sẽ đóng vai trò chạy nền quan trọng, thế giới cũng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn điện than trong một sớm một chiều.

Bởi vậy, theo ông Sơn, để chuyển dịch năng lượng từ sử dụng các năng lượng sơ cấp (than, dầu) sang các dạng năng lượng sạch hơn, Việt Nam phải nghiên cứu trong lộ trình của mình, thay đổi thế nào, quá trình chuyển đổi ra sao, tỷ lệ các nguồn trong từng thời kỳ, hay “cứ nhắm mắt thực hiện theo Net zero - phát thải bằng 0”.

“Tôi cho rằng, cần phải tỉnh táo và cân nhắc trên các nghiên cứu khoa học”, ông Sơn nói.

Hiện nay, điện mặt trời, điện gió vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp ở hầu khắp các quốc gia, kể cả các quốc gia giàu có.

Nước Đức lâu nay được coi là “tấm gương sáng” về phát triển năng lượng tái tạo khi có sản lượng điện gió mặt trời rất lớn (khoảng trên 40% lượng điện tiêu thụ ở Đức là từ điện gió, mặt trời) nhưng giá điện cũng thuộc hàng cao nhất thế giới (khoảng 7.000 đồng/số điện). Đức cũng như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) còn có lợi thế lưới điện kết nối trong khối để điều tiết cân đối cung cầu.

Được coi là một trong những nước dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo, nhưng nếu không kể thủy điện thì điện gió và mặt trời ở Canada cũng chỉ chiếm khoảng 6%. Nguồn điện của nước này chủ yếu dựa vào thủy điện (60%) và điện hạt nhân (15%).

Những quốc gia giàu có như Nhật Bản, điện than vẫn chiếm khoảng 31,6% và chỉ có 10% nguồn điện sản xuất từ gió và mặt trời. Hàn Quốc cũng có sản lượng năng lượng từ gió mặt trời rất thấp.

Trung Quốc gần đây tuyên bố hạn chế điện than, nhưng thực tế nhiệt điện than của nước này vẫn đóng góp tới gần 70% sản lượng điện, còn điện gió, điện mặt trời chỉ chiếm 10%.

Như vậy, so với các nước trên thế giới và trong khu vực, điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam cao ngang ngửa. Năm 2021, khoảng 2.500-3.000MW điện gió sẽ được bổ sung vào hệ thống điện, đưa tỷ lệ điện gió trong hệ thống lên cao hơn nhiều so với cuối 2020. 

Lương Bằng

 

Chính sách với ngành điện gió: Trông người lại ngẫm đến ta

Chính sách với ngành điện gió: Trông người lại ngẫm đến ta

Ngành điện gió thế giới bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19, Chính phủ các nước đã và đang có các giải pháp để hỗ trợ vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, các dự án điện gió tại Việt Nam lại rơi vào ngõ cụt.