Ngày 25-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: Ủy ban vừa thông qua “Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Hiện đề án đang được trình hội nghị Tỉnh ủy, nếu được phê duyệt sẽ triển khai lấy ý kiến chuyên gia, người dân trước khi thực hiện.
Kéo biển và sân bay lại gần hơn
Ông Định cũng cho hay Huế hiện là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, quy mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển, mật độ dân số cao (5.029 người/km2, trong khi quy định là 2.000 người/km2). Cạnh đó, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.
Theo đề án, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận). Sau khi mở rộng, diện tích của TP Huế mới sẽ khoảng 348,54 km2, gấp năm lần so với TP Huế hiện tại.
Ông Định thông tin thêm theo đề án, TP Huế hiện tại sẽ là phần lõi để mở rộng về hai hướng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) và biển Thuận An (huyện Phú Vang). Việc mở rộng theo hướng này sẽ giúp thuận tiện trong việc giao thông đi lại, tạo động lực để phát triển rõ nét về kinh tế của địa phương.
“Bên cạnh việc mở rộng TP để tăng diện tích, tạo các khu đô thị vệ tinh cho lõi TP hiện tại thì hướng chính để thúc đẩy cho thành phố phát triển mạnh hơn đó chính là kéo biển và sân bay lại gần nhau hơn. Sân bay Phú Bài và biển Thuận An là hai chân kiềng hết sức quan trọng trong việc tạo động lực để phát triển TP Huế” - ông Định nói.
Thời gian qua, để chuẩn bị cho việc mở rộng đô thị, TP Huế đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng về phía nam. Hiện TP cũng đang đầu tư xây dựng hai tuyến đường về hướng biển được triển khai bằng vốn ngân sách. Tuy nhiên, trong đó có một số mục tiêu chưa thực hiện được vì gặp phải những vướng mắc.
Theo ông Định, một trong những mục tiêu tỉnh đặt ra mà chưa triển khai được là đường về thị trấn Phú Bài, trục đường thứ hai là tuyến đường bắc qua sông Hương (qua cầu Nguyễn Hoàng và đường Nguyễn Hoàng) để kết nối ra phía bắc (thị xã Hương Trà). Vì hai tuyến đường này lúc trước đây được làm theo hình thức BT nhưng thời gian qua gặp vướng mắc nên đang tạm dừng lại. Sắp tới TP sẽ khởi động lại những dự án này.
Một góc của TP Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: PLO |
Đảm bảo tiêu chí xanh, sạch
Bên cạnh những thuận lợi để tạo động lực phát triển, thì việc mở rộng khu đô thị cũng đang đương đầu với một số thử thách trong thời gian tới.
Ông Phan Thiên Định cho biết: “Tỉnh đang có xu hướng mở rộng khu đô thị An Vân Dương về hướng thị xã Hương Thủy. Hiện nay khu vực này đang có quy hoạch về hệ thống thoát lũ. Nên bài toán phát triển mở rộng khu đô thị đi kèm với nhiều bài toán khác về việc quy hoạch hệ thống thủy lợi và thoát lũ liên quan. Làm sao để tránh khi phát triển đô thị sẽ tạo ra dòng chảy, tránh việc ngập lụt của cả thành phố sau này”.
Năm 2016, TP Huế được tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới công nhận là TP xanh quốc gia với cam kết đến năm 2020, TP sẽ giảm 20% mức phát thải khí nhà kính so với mức phát thải của năm 2011. Vậy khi mở rộng thành phố có ảnh hưởng về tiêu chí của TP xanh hay không?
Trả lời câu hỏi trên, ông Định cho rằng hiện nay trong phát triển đô thị có những vấn đề đặt ra là đáp ứng yêu cầu cây xanh cho đô thị, không phải mở rộng ra là sẽ bị bê tông hóa. Tất cả quy hoạch đô thị mới đều phải đi theo tiêu chí đó nên trong quá trình làm sẽ không gây ảnh hưởng đến tiêu chí TP xanh.
“Ngược lại sẽ có thêm nhiều cây xanh trong TP, công viên. Cụ thể hơn, dọc tuyến đường Thủy Dương về Thuận An hiện nay vẫn đang quy hoạch hai bên đường một vệt phân cách, mỗi bên khoảng 30 m để trồng cây xanh, sẽ có một khu rừng thu nhỏ kéo dài từ Huế về biển” - ông Định nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh thông tin thêm: Tiêu chí TP sạch theo định hướng lâu nay của tỉnh Thừa Thiên-Huế phải được thực hiện khi mở rộng khu đô thị. Vào cuối năm nay sẽ cố gắng vận hành nhà máy xử lý nước thải. Toàn bộ nước thải, kể cả nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình sẽ không còn chảy trực tiếp xuống sông mà sẽ chảy về nhà máy xử lý để nâng cao hẳn yếu tố sạch của các dòng sông lên.
“Việc mở rộng khu đô thị sẽ có nhiều bước cần phải làm, hiện nay đang trong giai đoạn sơ khởi, đưa ra để xác định hướng mở rộng như thế nào. Sau đó mới đi sâu vào những vấn đề cụ thể liên quan cần phải làm” - ông Định cho hay.
Phản ánh đầy đủ vị thế Huế Đóng góp ý kiến xây dựng đề án, các ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng: Từ yêu cầu phát triển khách quan của hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay, việc mở rộng không gian đô thị Huế là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên-Huế trong xu thế hội nhập; phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và của tỉnh. Đồng thời, theo các đại biểu, đây là định hướng hết sức cần thiết nhằm tạo ra những cơ hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Việc xây dựng đề án này sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như trong nâng cao bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị. |
Theo Báo điện tử PLTP HCM
Cuộc “di dân lịch sử” khỏi Kinh thành Huế sẽ bắt đầu từ tháng 11
Giai đoạn 1 của cuộc “di dân lịch sử” cần kinh phí đền bù giải tỏa 1.880 tỉ đồng và khoảng 1.000 tỉ đồng cho đầu tư cơ sở hạ tầng tái định cư.