Tỉnh Phú Thọ xác định bản làng là nơi đầu tiên thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), từ đó góp phần tạo thành quả chung cho cả cộng đồng.

Nhờ những hỗ trợ từ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhiều thôn, bản, xã vùng cao của tỉnh Phú Thọ đã từng bước thay da đổi thịt, hạ tầng nông thôn miền núi và trung du có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các xã vùng cao trong tỉnh được cải thiện; diện mạo nông thôn miền núi của tỉnh từng bước thay đổi, nhiều xã đã đạt tiêu chí xây dựng NTM.

Cơ cấu kinh tế khu vục miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ đã có những chuyển biến rõ nét nhờ chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã vùng đặc biệt khó khăn, chương trình sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình, các chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm.

Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư nâng cấp, trong đó cơ bản là điện, đường, trường, trạm và hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất.

Từ chỗ thiếu thốn trăm bề, sau 1/4 thế kỷ tái lập tỉnh Phú Thọ, đến nay 100% số xã đã có đường ôtô đến trung tâm, có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, 100% thôn bản có điện lưới với trên 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%... Đời sống của đồng bào vùng cao đang từng ngày khởi sắc.

Hơn 20 năm trước, Cỏi - một bản người Dao có khoảng 70 nóc nhà nằm dưới một thung lũng toàn đá cuội, biệt lập giữa rừng Xuân Sơn, Phú Thọ.

Bản Cỏi giờ đây đường ô tô đã vào tận nơi, không còn phải gửi lại ở xóm Lấp rồi đi bộ vào như trước. Đập vào mắt tôi là cái cổng ốp đá lớn, giăng ngang trên đó là tấm biển: “Bản văn hóa Cỏi- Xuân Sơn”.

Bản giờ đã có 91 hộ trong đó còn trên 10 hộ nghèo, có những nhà vẫn còn đứt bữa như vợ chồng ông Lý Văn Ơn hay anh Đặng Văn Cẩm. Trước đây, khi đoàn của Sở Văn hóa về khảo sát còn nức nở khen bản Cỏi giữ nếp nhà đất vách gỗ truyền thống, giữ phong tục tập quán của người Dao tiền, hễ một nhà có việc là cả xóm cùng tham gia. Khi dân làm nương rẫy chỉ đủ ăn thì thế nhưng mươi năm gần đây đi làm thợ xây, có tiền họ tự xây lấy nhà theo kiểu đổi công nên 60% hộ đã chuyển sang nhà mái bằng, nhà tầng, nhà gác.

Bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có 100% là người dân tộc Dao sinh sống. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, người dân trong bản đã tích cực góp công, góp sức thực hiện các tiêu chí, đem lại diện mạo ngày càng đổi thay trên mảnh đất quê hương.

 Xã xác định không có thôn, làng nông thôn mới thì sẽ không có xã nông thôn mới. Vì vậy, những năm qua, xã tập trung xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; thôn, làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều năm trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Cấp ủy, chính quyền xã đã phân công cán bộ, công chức, các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và trực tiếp xuống thôn “cầm tay chỉ việc”, cùng người dân thực hiện các tiêu chí.

Cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường vận động nhân dân phát huy nội lực, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 

Để thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, từ nguồn xi măng được hỗ trợ, nhân dân đã hiến đất, đóng góp vật liệu và hàng trăm ngày công để bê tông hóa trục đường nội thôn. 

Đến nay, đường vào bản đã được bê tông hóa, trên 70% đường ngõ xóm được cứng hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện. Người dân trong thôn cũng tích cực đóng góp kinh phí để mua sắm đầy đủ vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao cho cộng đồng dân cư.

 

Quá trình xây dựng nông thôn mới luôn đảm bảo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để mỗi người dân thể hiện được vai trò, quyền làm chủ của mình, được tham gia bàn bạc và quyết định, được giám sát, kiểm tra và thụ hưởng những thành quả từ xây dựng nông thôn mới. 

 Ban cán sự bản công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Trong đó, đảng viên phải là những người đi đầu thực hiện và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện, lấy đó làm gương cho nhân dân. Nhờ vậy, các tiêu chí khó đòi hỏi nguồn kinh phí lớn như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, điện, trường học… đều được người dân tích cực đóng góp, ủng hộ.

Các tuyến đường được trồng hoa hoặc cây xanh, các tuyến đường nội thôn có hệ thống điện chiếu sáng.

Đời sống văn hóa, thể thao của người dân từng bước được nâng cao. 

Các hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đường làng, ngõ xóm, cảnh quan nơi ở từng hộ xanh - sạch - đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường đảm bảo đúng quy định. Hàng ngày, trong bản đều có nhóm dọn dẹp, quét sạch rác ở đường đi. 

 

Mỗi nhà đều có một thùng chứa rác, hàng tuần sẽ có xe vào thu gom rác thải tập trung. 

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Ban cán sự của bản đã tập trung vận động nhân dân thực hiện xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, làm homestay… 

Một tiết mục văn nghệ của đồng bào dân tộc Dao Tiền giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước khi đến với bản Cỏi. 

Loa truyền thanh cung cấp tin tức thời sự, phổ biến kiến thức làm giàu, nâng cao đời sống được gắn ở các cụm dân cư trong bản.

Xã Xuân Sơn xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản không chỉ là thay đổi diện mạo nông thôn mà đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị văn hóa. 

Ông Đặng Văn Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn thông tin, trong xây dựng nông thôn mới, hiện nay xã Xuân Sơn còn vài tiêu chí chưa đạt. Thời gian tới, chính quyền các cấp cũng như người dân địa phương sẽ nỗ lực để hoàn thiện các tiêu chí này. Do điểm xuất phát thấp, có nhiều bất lợi trong phát triển kinh tế xã hội, là vùng sâu, vùng xa, vì vậy không thể nóng vội để công nhận thôn, bản nông thôn mới. Chúng tôi cố gắng xây dựng từng bước, vững từ nền móng để khi được công nhận nông thôn mới sẽ thực sự thay da đổi thịt".

Hồ Nhụy, Bạt Tuấn, và nhóm BTV