Từng là “vùng trũng” về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bốn làng Pông, Trớ, Hek, Kinh Pêng (gọi chung là 4 làng đồn) đang đổi thay từng ngày.

Giữa tháng 8, đoàn công tác của Tỉnh ủy Kon Tum và Tỉnh ủy Gia Lai đã đến thăm, làm việc với hệ thống chính trị 4 làng: Kinh Pêng, Trớ, Hek, Plei Pông. Tại đây, mọi người đã cùng nhau nhìn lại hành trình “thay da đổi thịt” của 4 làng Đồn sau hơn 7 năm triển khai Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đoàn công tác tận mắt chứng kiến những con đường thẳng tắp, điện thắp sáng trưng, những cánh đồng lúa xanh mướt vươn lên cùng màu xanh mơn mởn của cây mía, cây mì… thể hiện hình ảnh buôn làng khang trang, sạch đẹp, ấm no.

W-4langdon.png
Hành trình đổi thay bắt đầu khi Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn được triển khai

Chủ tịch UBND xã Chư A Thai Siu Tinh cho biết: Trước đây, tổng diện tích đất ở tại 4 làng Đồn chỉ có 3,62 ha. Không gian ở làng chưa được quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật chỉ là đường mòn đất nhỏ hẹp, nhà ở lụp xụp không đảm bảo, hạ tầng xã hội chưa có. Thời điểm cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%.

Hành trình đổi thay bắt đầu khi Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn được triển khai, đời sống đồng bào dân tộc Bahnar nơi đây ngày càng trở nên sung túc, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm.

Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn xã Chư A Thai được triển khai từ năm 2017 đến 2023 và được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2017 đến 2020; giai đoạn 2 từ năm 2021 đến 2023.

Trong giai đoạn 1, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí chỗ ở ổn định cho người dân. Bảo đảm mỗi hộ gia đình có diện tích đất ít nhất 600m2, gồm: 200m2 làm sân, 200m2 làm nhà và 200m2 làm vườn kết hợp chuồng trại chăn nuôi.

Tổng diện tích đất ở tại 4 làng Đồn sau quy hoạch tăng lên 47,15 ha; di dời, sắp xếp được 294 căn nhà; vận động các hộ làm được 120 nhà vệ sinh, 275 chuồng trại, 332 vườn rau và trồng 3.173 cây ăn quả; đầu tư 5,41 km đường dây điện; cải tạo, nâng cấp hệ thống nước tự chảy tại 4 làng (xây 18 bể chứa nước, mỗi bể có dung tích 2 m3); mỗi làng xây dựng 1 nhà rông có đầy đủ trang-thiết bị như: loa đài truyền thanh, sân chơi thể thao; đầu tư sửa chữa phòng học, nhà vệ sinh và mua sắm các dụng cụ khác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der-điểm trường Kinh Pêng...

Đặc biệt, 12 hộ gia đình với 60 nhân khẩu trước đây cư trú trên núi Cheng Leng thuộc xã Hbông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) phải chịu cảnh “4 không” (không điện, không trường, không trạm y tế và không nước sạch) cũng được di dời về định cư ở làng Hek. Hệ thống hạ tầng như: Đường giao thông, điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt, sản xuất được đầu tư mới và hoàn thiện. Đồng thời triển khai 4 mô hình sản xuất: Cánh đồng mía lớn rộng 87,1ha; trồng điều ghép diện tích 8,6ha; trồng mì 2ha và trồng lúa cạn 20ha với tổng kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng cho 110 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Ba Na. Qua đó làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 52% (năm 2017) xuống còn 29,7%; tăng thu nhập bình quân đầu người từ mức 5 triệu đồng (năm 2017) lên 13,5 triệu đồng/năm. 

Để thắp sáng 4 làng cách mạng thuộc xã Chư A Thai, Công ty Điện lực Gia Lai đã đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng mới hơn 0,22km đường dây 22kV, gần 7km đường dây hạ áp và 4 trạm biến áp với tổng dung lượng 400kVA, mang điện đến phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho 466 hộ gia đình của 4 làng Pông, Trớ, Hek và Kinh Pêng.

Trong giai đoạn 2, địa phương tiếp tục đầu tư làm mới 2 tuyến đường giao thông nông thôn; đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất tại cánh đồng mía Plei Pông; đầu tư tái định cư tại làng Kinh Pêng. Cùng với đó, địa phương chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mì, cây lúa cạn sang cây trồng khác cho thu nhập cao hơn như: mía, cây thuốc lá, khoai lang... gắn với sử dụng giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến và có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, hiệu quả khi đưa giống mì mới vào trồng cho thu nhập cao hơn 10-15 triệu đồng/ha so với giống mì truyền thống; diện tích chuyển đổi cây trồng khác (mía, khoai lang, thuốc lá) cho thu nhập cao hơn 25-30 triệu đồng/ha.

Sau khi việc triển khai Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn xã Chư A Thai kết thúc, người dân 4 làng vẫn đang tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ để xây dựng làng nông thôn mới theo kế hoạch của huyện Phú Thiện.

Đến nay, tổng diện tích đất tự nhiên của 4 làng lên tới 3.617 ha. 4 làng có 453 hộ với 1.998 khẩu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm. 4 làng Đồn hiện còn 101 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 22,29%). Đặc biệt, Kinh Pêng đã được công nhận làng nông thôn mới vào năm 2020; 3 làng còn lại đạt trung bình 13-14/19 tiêu chí.