1.jpg.jpg
Hàng năm, Điện lực Thái Nguyên dành 6-7% tổng chi phí hoạt động để đầu tư cho CNTT.

Vận dụng mọi nguồn vốn để đầu tư cho CNTT

Trước năm 2000, hệ thống CNTT của Điện lực Thái Nguyên mới lác đác có một số máy tính được phân bổ từ Công ty Điện lực 1, chủ yếu để chế bản điện tử và phục vụ công tác kỹ thuật. Đến năm 2000, Điện lực Thái Nguyên mới xây dựng khu nhà điều hành và đầu tư xây dựng mạng LAN. Với quy mô mạng LAN tại nhà điều hành là 114 nút mạng, khu nhà Chi nhánh điện Thành phố 12 nút mạng… thời điểm đó được đánh giá là một trong những mạng có chất lượng tốt nhất.

Để phục vụ công tác kinh doanh, năm 2001 Điện lực Thái Nguyên quyết định thành lập Phòng CNTT với 5 nhân sự để phụ trách mảng CNTT cho toàn đơn vị (trước đây chỉ là một tổ chuyên môn của Phòng Kỹ thuật).

Mạng lưới quản lý hoạt động kinh doanh của Điện lực Thái Nguyên bao gồm 10 chi nhánh điện thành viên, mỗi chi nhánh được thành lập một mạng LAN. Như vậy, để truyền số liệu, dữ liệu từ các chi nhánh về Điện lực Thái Nguyên, các đơn vị phải copy dữ liệu ra đĩa mềm. Sau đó, Điện lực Thái Nguyên áp dụng giải pháp dùng đường dial-up để truyền số liệu với tốc độ 56kb/s nhưng đường truyền này chỉ đáp ứng được số liệu nhỏ, khi số liệu lớn thì việc truyền mất rất nhiều thời gian và bị gián đoạn liên tục nên thông tin không kịp thời, không đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. Chính vì vậy, bài toán được đặt ra là làm sao phải tăng tốc độ truyền dữ liệu.

Năm 2001, Điện lực Thái Nguyên đã cho triển khai xây dựng mạng WAN nối Chi nhánh Thành phố tới nhà điều hành Điện lực Thái Nguyên bằng việc sử dụng 2 modem tốc độ cao và đường truyền trên cáp đồng đạt tốc độ 10Mb/s. Đến tháng 8/2009, Điện lực Thái Nguyên đã hoàn thành việc nối mạng WAN bằng đường cáp quang đạt tốc độ 1Gb/s.    

Song song với sự phát triển hệ thống mạng là hệ thống thiết bị máy tính, máy in, các phần mềm liên tục được đưa vào ứng dụng và cải tiến nâng cấp để đáp ứng kịp thời công việc. Cũng từ năm 2001, Điện lực Thái Nguyên đã triển khai Hệ chương trình CMIS (quản lý khách hàng), và đến năm 2004 là Hệ chương trình FMIS (phần mềm kế toán, vật tư, tài sản cố định). Kết quả là hầu hết mọi công tác nghiệp vụ chuyên môn của đơn vị đều thực hiện trên máy tính… Giai đoạn này, thiết bị CNTT đòi hỏi phải trang bị rất nhiều, nhưng nguồn vốn đầu tư lại có giới hạn. Để giải quyết khó khăn này, Điện lực Thái Nguyên phải vận dụng rất nhiều nguồn tài chính khác nhau để trang bị cho hệ thống CNTT như: vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chi phí công cụ dụng cụ, vốn sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên… Ước tính tỷ lệ đầu tư cho CNTT trên tổng chi phí hoạt động thường niên hàng năm của đơn vị chiếm từ 6-7%.

Hiệu quả từ ứng dụng CNTT 

Do đặc thù có các đơn vị trực thuộc trải dài trên địa bàn một tỉnh miền núi xa xôi, đường xá đi lại khó khăn nên khi chưa ứng dụng CNTT, công việc quản lí điều hành, SXKD của Điện lực Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn. Các công văn, giấy tờ của lãnh đạo đơn vị đều chuyển qua dịch vụ bưu chính. Nhiều khi công văn chuyển cho các đơn vị miền núi phải mất cả ngày mới tới nơi, vừa mất thời gian chờ đợi, vừa mất phí dịch vụ chuyển phát…

Anh Trần Hồ Nam, Trưởng phòng CNTT của Điện lực Thái Nguyên cho biết, từ khi ứng dụng CNTT vào SXKD, đơn vị đã giảm được đến 70% thời gian tác nghiệp và 70% chi phí tác nghiệp như chi phí in ấn, phát hành công văn tới các đơn vị, chi phí đi lại. Trong số 50 cuộc họp hằng năm của lãnh đạo với các đơn vị trực thuộc, có tới 30 cuộc họp được tổ chức qua mạng vừa tiết kiệm được nhiều chi phí đi lại và thời gian tổ chức. Website của đơn vị tại địa chỉ: http:dlthainguyen.pcl.com.vn vừa giới thiệu về doanh nghiệp, vừa giới thiệu rộng rãi về các sản phẩm, mở rộng kênh tiếp xúc với khách hàng, góp phần tăng doanh thu đặt hàng qua các phương tiện điện tử (website, email, điện thoại, fax) lên đến 50% tổng doanh thu hằng năm của đơn vị.

Đặc biệt, với việc kết hợp giải pháp VLAN với phần mềm PRTG Network Monitor vào quản lí hệ thống mạng LAN, Điện lực Thái Nguyên đã đạt hiệu quả rất cao. Với tổng số lượng máy tính truy cập đồng thời vào hệ thống mạng Điện lực là 342 máy, giải pháp kết hợp này đã khắc phục được các nhược điểm: máy chủ cấp địa chỉ bằng phương pháp phân nhỏ giải địa chỉ gây hiện tượng xung đột, nghẽn mạng cục bộ do tranh chấp địa chỉ; phân vùng quản lý các quyền truy cập bị hạn chế; không kiểm soát được tình trạng vận hành bình thường của các máy tính và hệ thống mạng; mất nhiều thời gian để khoanh vùng sự cố cho thiết bị, phần mềm, virus…

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 46 ra ngày 16/4/2010.