- Tối 27/8, tin vui từ SVĐ Bung Karno (Indonesia), VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo đã mang về tấm HCV thứ 2 cho đoàn TTVN. Đó thực sự là vàng 10 của cô gái có biệt danh là “bò vàng”.

Tin có HCV

Cuối cùng thì sau nhiều ngày chờ đợi, đoàn TTVN đã có tấm HCV thứ 2 ở môn điền kinh. Bùi Thu Thảo đã mang về tấm HCV quý giá ở nội dung nhảy xa với thành tích 6,55 mét. Một cú nhảy được giới chuyên môn phải thốt lên “đó là sự thần kỳ”.

{keywords}
Bùi Thị Thu Thảo mang về chiếc HCV quý giá cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Asiad 2018

 Chiến thắng của Thu Thảo đầy xứng đáng khi cô vượt xa các đối thủ mạnh người Iran và Trung Quốc. Điều đáng nói, Thảo rất tự tin đổi màu huy chương sau khi giành HCB ở kỳ Asiad 2014.

Thu Thảo hạnh phúc chia sẻ sau khi giành chiến thắng: “Tôi đã rất tự tin bước vào ngày thi đấu hôm nay. Trước khi thi đấu, tôi đã post một tấm ảnh cầm cờ Việt Nam ăn mừng chiến thắng, và tôi đã làm hết sức có thể để biến giấc mơ thành hiện thực. Tôi xin cảm ơn các thầy, cảm ơn gia đình, bạn bè, người hâm mộ đã luôn động viên, ủng hộ tôi”.

Chia sẻ với VietNamNet, trưởng bộ môn điền kinh Dương Đức Thuỷ khẳng định Thảo đã giành tấm HCV còn quý hơn vàng. Thành tích này có thể không bất ngờ, nhưng qúa xứng đáng và tuyệt vời.

Chiến thắng của Bùi Thị Thu Thảo càng trở nên ý nghĩa khi cô sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, từng phải làm đủ thứ việc để giúp bố mẹ, từ làm đồng, đóng gạch tới phu hồ.

Cô gái "chân ngắn" giành HCV ở môn... nhảy xa

Trước đến với nhảy xa, Thảo đã thử sức mình từ đá cầu, bơi, nhảy cao, chạy ngắn, 7 môn phối hợp. Điều đặc biệt là Bùi Thị Thu Thảo có đôi chân khá ngắn, nhưng sức bật của cô lại hơn hẳn người bình thường, và đó là một tố chất rất đặc biệt làm nên thành công.

{keywords}
Niềm vui của Bùi Thị Thu Thảo sau khi giành chiến thắng

 Chỉ cao 1m65, với đôi chân không đạt “chuẩn”, nhưng Bùi Thị Thu Thảo vẫn dấn thân vào điền kinh, ở môn nhảy xa. Quyết định ấy với Thảo thật đúng đắn, khi cô từng bước khẳng định mình.

Trước đó, sau gần 8 năm luyện tập vô cùng quyết tâm và bền bỉ, lưng vốn thành tích của Thu Thảo chỉ có duy nhất một tấm HCĐ giành được tại SEA Games 27 năm 2013. Vì thế, ở giải điền kinh 2014, khi Thảo “bay” tới mức 6m46 khiến lãnh đạo ngành thể thao đã phải họp khẩn, và quyết định đặc cách Thảo vào thành phần các VĐV dự Asiad, dù danh sách đã chốt lại từ lâu trước đó.

Tại Incheon tháng 9 năm đó, với cú nhảy 6m44 Thảo đã xuất sắc về nhì, và suýt chút nữa đã có thể bước lên ngôi cao nhất, nếu như đối thủ người Indonesia, Maria Londa, không có cú nhảy cuối xuất thần đạt 6m55.

Trong năm 2017, Thảo còn giành tấm HCV lịch sử tại giải vô địch châu Á. Và đến tháng 8 năm đó, Thảo đoạt tấm HCV SEA Games, rồi một tháng sau, cô gái có biệt danh Thảo “bò vàng” còn mang về 1 tấm HCB tại Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á.

Thông số cao nhất 6m68 của Thảo thậm chí còn vượt qua mức HCV Asian Games 2014 tới… 13 cm. Thảo đã khép lại năm 2017 ở vị trí số 1 châu Á cùng 25 thế giới theo xếp hạng quốc tế, điều mà chưa VĐV điền kinh Việt Nam nào có được.

“Cư dân” Nhổn (Trung tâm HLTTQG Hà Nội) luôn phải dành sự thán phục khi dù những ngày rét đậm mưa phùn, vẫn thấy Thu Thảo xin thầy tập thêm giờ. Thảo thừa nhận mình không phải là một VĐV có lợi thế về thể hình, nhưng chắc chắn ý chí không kém ai.

Vốn sinh ra ở một gia đình nghèo khó, bố mắc bệnh nặng, bản thân Thảo từng phải đi làm phu hồ, đóng gạch, cô gái quê Ba Vì càng quyết tâm phấn đấu để giành thành tích, có tiền thưởng nuôi gia đình.

Câu chuyện giành HCV Asiad của Bùi Thị Thu Thảo, giống như chuyện cổ tích vậy!.

Bằng Lăng (từ Indonesia)