Có rất nhiều cách khuyến khích nguồi dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Tại các nước phát triển và đang phát triển đều áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt theo giá luỹ tiến bậc thang. Cụ thể, Nhật Bản, Mỹ (California), Hàn Quốc, Trung Quốc giá luỹ tiến từ 3-5 bậc, một số nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Indonesia, Lào đều tính giá điện luỹ tiến trong khoảng 3, 8 bậc thậm chí 10 bậc.

{keywords}
Ảnh minh họa

Hiện Việt Nam đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành chia theo 6 bậc. Theo đó, người dùng 0 - 50kWh trả mức giá thấp nhất là 1.678 đồng/kWh, người dùng chịu giá cao nhất khi sử dụng từ 401 số điện trở lên với mức giá 2.927 đồng/kWh.

Theo các chuyên gia ngành điện, dùng càng nhiều càng phải trả giá cao hơn thực chất là logic kinh tế đi từ đặc trưng của hệ thống điện. Phương thức đó là để giải bài toán về chi phí sản xuất điện, kể cả ở thời điểm bình thường và cả thời kỳ gia tăng phụ tải cao điểm; phải huy động các nguồn điện có giá thành khác nhau đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Đây chính là do Quy luật khan hiếm nguồn lực chi phối, bởi điện là loại tài nguyên được chuyển hóa từ nhiều loại tài nguyên không tái tạo sang, mà các loại tài nguyên này không phải là vô tận, thậm chí có loại đang cạn kiệt dần (dầu, than, khí đốt tự nhiên,... ) dẫn đến điện không phải là nguồn tài nguyên vô tận mà sử dụng lãng phí.

Thống kê của Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN cho hay, hiện nay tỉ lệ khách hàng tiêu thụ điện sinh hoạt dưới 200kWh (3 bậc thang đầu tiên hiện đang được áp dụng) vẫn chiếm tỉ lệ cao, lên tới 68%. Do đó, nêu duy trì phương án điện một giá bằng với mức bán lẻ điện bình quân như phương án đề xuất trên là 1.897 đồng/kWh sẽ khiến những khách hàng sử dụng bậc thang cao lựa chọn một bậc để giảm tiền điện phải chi trả hằng tháng. Thực tế, trong bảng giá 6 bậc thang được phê duyệt hiện nay thì từ bậc 3 trở lên giá bán lẻ điện sinh hoạt đã ở mức trên 2.000 - 2.900 đồng/kWh.

Ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng nếu duy trì phương án điện một giá có thể khiến những người dùng nhiều điện lựa chọn, không đảm bảo mục tiêu tiết kiệm điện. Vì vậy, ông đề nghị với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh như hiện nay thì điện một giá phải ở mức trên 2.000 - 2.200 đồng/kWh để khuyến khích tiêu dùng điện hợp lý, ngành điện có nguồn cho tái đầu tư.

"Đưa ra mức giá nào thì cũng phải đảm bảo cả người dân và Nhà nước cùng hưởng lợi, ngành điện không được lỗ. Nếu mức giá thấp quá thì ngành điện không đảm bảo chi phí sản xuất kinh doanh, trong khi người sử dụng nhiều điện (nhà giàu) lại được lợi và không đảm bảo được mục tiêu sử dụng tiết kiệm năng lượng" - ông Ngãi nhấn mạnh.

Minh Đức