- Phương châm “Lãnh đạo tiên phong, trên dưới đồng lòng”, tận tụy với công việc và tự tin vào bản thân khi đưa ra các sáng kiến… là những bí quyết thành công được chia sẻ tại cuộc giao lưu điển hình tiên tiến ngành Thông tin và truyền thông giai đoạn 2011-2015 diễn ra chiều qua, 24/7.
Trong chương trình giao lưu, 7 cá nhân và 7 tập thể trong tổng số 20 điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành TT&TT giai đoạn 2011 - 2015 đã được lựa chọn để chia sẻ kinh nghiệm, cách thức tổ chức cũng như tham gia các phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động, công tác của đơn vị mình.
Lãnh đạo tiên phong
Thứ trưởng Bộ TT&TT, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng tặng hoa cho các tập thể tiên tiến trong buổi giao lưu. |
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng phong trào thi đua yêu nước của đơn vị mình, ông Đặng Thanh Sơn, PGĐ VNPT Hà Nội chia sẻ rằng, với đặc thù là đơn vị phục vụ những đối tượng khách hàng quan trọng với yêu cầu cao, VNPT Hà Nội đã quán triệt tinh thần xây dựng văn hóa VNPT với rất nhiều biện pháp, phong trào khác nhau, trong đó, vai trò đi đầu của các lãnh đạo đơn vị được đặt ở vị trí hàng đầu.
“Văn hóa của VNPT là ‘Lãnh đạo tiên phong, trên dưới đồng lòng, vì mái nhà chung VNPT’. Với chúng tôi, vai trò của các lãnh đạo trong phong trào thi đua rất quan trọng, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua, để các nhân viên phấn đầu hoàn thành khối lượng công việc rất lớn”, ông Sơn chia sẻ.
Cũng nhấn mạnh tới sự “đầu tầu” của lãnh đạo đơn vị, ông Bùi Xuân Thu, Tổng GĐ, Tổng Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) chia sẻ rằng, ngay từ thời các lãnh đạo tiền nhiệm, đã xây dựng nét văn hóa đặc trưng của PTI, đó là lãnh đạo ở trên phải lo cho nhân viên bên dưới, tạo niềm tin cho anh em, lãnh đạo là chỗ dựa tinh thần để anh em cống hiến hết mình.
Từ tinh thần nói trên, PTI đã hình thành cuốn sổ tay văn hóa của Tổng công ty, với nhiều nội dung như hội họp, giao tiếp ứng xử, vui chơi thế nào… Ngay trong hoạt động hàng tuần, từ tổng công ty xuống các đơn vị thành viên vào thứ 2, đều có chào cờ, hát Quốc ca và hát PTI ca để khơi dậy tình yêu Tổ quốc, tình yêu, sự gắn bó với doanh nghiệp”, ông Thu chia sẻ.
Đối xử công bằng
Đánh giá, đối xử một cách công bằng công sức của các thành viên trong đơn vị, từ lãnh đạo cho tới nhân viên cấp thấp nhất cũng là bí quyết góp phần tạo nên thành công của nhiều đơn vị.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc VNPT TP.HCM, trước năm 2010 phong trào thi đua của VNPT TP.HCM không đạt kết quả như mong muốn. Qua tìm hiểu, lãnh đạo VNPT TP.HCM thấy răng, cách tính toán công sức lao động cho nhân viên chưa tốt, nên chưa tạo được nhiệt tình và động lực cho họ.
Trước tình hình đó, từ cuối năm 2010, VNPT TP.HCM đã quyết định đưa vào sử dụng phương pháp thẻ cân bằng điểm (BSC) để tính toán, đo đếm khối lượng công việc của các nhân viên. “Lúc đầu triển khai cũng còn nhiều ý kiến, nhiều người lao động cũng tỏ ra lo lắng. Chỉ sau 1 năm thực hiện, đến cuối năm 2011, đánh giá lại năng suất tăng gần gấp đôi, phong trào thi đua, sự phấn khởi của người lao động thấy rõ” , ông Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Thu cũng cho biết, trong nhiều năm qua, PTI đã áp dụng các phương pháp đánh giá nhân viên BSC và KPE, thực hiện từ trên tổng công ty cho tới từng nhân viên. Điều này tạo được sự công bằng và động lực phấn đấu cho mọi nhân viên thuộc tổng công ty. Đây chính là bí quyết giúp PTI luôn ở trong top 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.
Tận tâm với công việc
Từ góc nhìn cá nhân, rất nhiều câu chuyện thú vị trong phong trào thi đua yêu nước của đại diện các gương mặt điển hình tiên tiến đã được chia sẻ.
Các gương mặt điển hình tiên tiến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm |
Nguyễn Thanh Vũ, Trưởng Phòng Kiểm tra - Xử lý, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực IV, Cục Tần số vô tuyến điện, công việc tìm kiếm nguồn và xử lý nguồn can nhiễu đòi hỏi ở các anh sự nỗ lực và tận tâm hết mình với công việc.
Anh Vũ kể rằng, có lần, đơn vị anh phát hiện nguồn can nhiễu tại một khu vực dân cư nhưng khi xe của đơn vị anh tới thì người dân phát hiện từ xa và tắt thiết bị gây nhiễu. Lần thứ 2, các anh đi bộ, mang theo máy móc nhưng khi gần tới nơi vẫn bị người dân phát hiện, tắt thiết bị gây nhiễu khiến các anh không thể tìm ra.
Chúng tôi phải chờ tới nửa đêm, đưa máy móc lên xuồng rồi đi dọc con kênh theo con đường dẫn vào khu vực dân cư thì mới phát hiện được nguồn can nhiễu đồng thời giải thích, thuyết phục người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng các thiết bị nhập ngoại gây can nhiễu.
Trong khi đó, anh Ngô Minh Liễn, Tổ trưởng Tổ Công trình Bưu điện CP16, Cục Bưu điện Trung ương cũng chia sẻ, với đặc thù công việc là phục vụ các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước, công việc của anh đòi hỏi sự tận tâm, tận tụy hết mình, bất kể thời gian.
Sáng tạo và tự tin
Ông Lê Văn Huyên, cá nhân điển hình tiên tiến đến từ Tổng Công ty MobiFone, đã có 11 sáng kiến được đưa vào áp dụng trên mạng MobiFone, được Tổng Công ty MobiFone và Tập đoàn VNPT công nhận, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư mạng MobiFone lên tới 25 tỷ đồng thì chia sẻ rằng, bí quyết thành công của mình chính là đam mê, nỗ lực và tự tin vào bản thân.
Theo ông Huyên, cần phải có đam mê mới có được các sáng kiến, cần phải có nỗ lực để hoàn thành và hiện thực hóa được sáng kiến của mình và cuối cùng, cần phải sự tự tin để giới thiệu những sáng kiến đó với lãnh đạo, đồng nghiệp và từ đó áp dụng vào thực tế. “Bản thân tôi ban đầu cũng không hề nghĩ sáng kiến của mình lại có thể có tác dụng lớn như vậy”, ông Huyên nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Long, Tổ trưởng Tổ Kinh doanh Phòng Bán hàng, Trung tâm Kinh doanh, VNPT Nghệ An vốn xuất thân từ “dân kỹ thuật” nên khi chuyển sang làm kinh doanh đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ vận dụng tốt chương trình Nụ cười VNPT, một phong trào thi đua hướng đến khách hàng với nội dung xuyên suốt là nâng cao chất lượng dịch vụ, coi công việc của khách hàng là của mình. Ông Long cũng đã chia sẻ tình huống thực tế, nhờ lần “xắn tay” sửa chữa thiết bị tổng đài cho khách hàng, đã giúp ông có được một khách hàng doanh nghiệp chuyển sang dùng các dịch vụ của VNPT.
Lê Văn