Heather Plett là diễn giả được nhiều người biết tới với các nghiên cứu được đăng tải trên một số ấn phẩm danh giá như Harvard Business Review cũng như được trích dẫn trong các cuốn sách, chương trình giảng dạy. Hội thảo của bà thu hút đông đảo người tham gia từ khắp các châu lục. Nữ diễn giả người Canada từng nắm giữ một số chức vụ quan trọng trong các tổ chức công và phi lợi nhuận quốc tế.
Nếu chỉ đọc những dòng tiểu sử ngắn gọn về Plett, bạn có thể nghĩ rằng bà là người có cuộc sống suôn sẻ, thuận lợi với những thành công đáng ngưỡng mộ.
Nhưng thực tế mọi chuyện không dễ dàng như vậy.
Ôm giữ không gian là gì?
Năm 2020, Plett cho ra mắt cuốn sách mang tên Ôm giữ không gian - Nghệ thuật yêu thương không phán xét chia sẻ về khái niệm “ôm giữ không gian” từ chính những trải nghiệm vượt qua mất mát, kiệt quệ sức lực và tinh thần của bà.
Tác phẩm ngay lập tức tạo tiếng vang, giành được giải thưởng sách Nautilus của Canada dành cho những cuốn sách thúc đẩy phát triển tinh thần, thay đổi xã hội. Mới đây, sách được Phương Nam Book phát hành với phần chuyển ngữ mềm mại, linh hoạt, thể hiện sự thấu cảm của dịch giả Ngô Thanh Huyền.
Trên thế giới, thuật ngữ “ôm giữ không gian” đã được biết tới từ lâu nhưng ở Việt Nam, đây vẫn là một khái niệm khá mới mẻ.
“Ôm giữ không gian nghĩa là chúng ta sẵn lòng đồng hành cùng ai đó hoặc một nhóm người nào đó xuyên suốt hành trình đi qua ngưỡng chuyển giao của họ. Chúng ta làm điều này mà không khiến họ cảm thấy mình không xứng đáng, không cố gắng sửa chữa họ, cũng như không cố tác động tới kết quả của việc chuyển hóa. Thay vào đó, chúng ta đến bên họ với trái tim rộng mở, trao đi sự hỗ trợ vô điều kiện và buông bỏ sự phán xét cùng nhu cầu kiểm soát của chính mình”, Plett viết.
Bạn có thể hiểu tóm lược rằng: Đó là nghệ thuật lắng nghe, hỗ trợ ai đó với tình yêu thương mà không phán xét.
Để lý giải kiến thức chuyên môn sâu sắc, tác giả lấy ví dụ từ những điều gần gũi trong cuộc sống như chiếc bát, vỏ trứng, con sâu trong kén nở thành bướm.
Việc tạo ra không gian bao bọc cho ai đó cũng giống như vỏ trứng cần đủ cứng để che chở phôi thai nhưng cũng đủ mềm cho gà con có thể mổ vỡ và chui ra ngoài thế giới rộng lớn khi thời điểm thích hợp đã tới.
Những người ôm giữ không gian sẽ đóng vai trò như chiếc bát, vỏ kén của sâu bướm - một nơi an toàn bao bọc cho người đang tổn thương.
Trong khi đó, những người cần giúp đỡ giống như viên đá thạch anh. Các góc cạnh sắc nhọn có thể gây tổn hại đến người xung quanh nhưng bản thân viên đá lại rất dễ vỡ.
Cuốn sách viết từ 10 năm cô đơn cùng cực
“Bằng lòng trắc ẩn và thấu hiểu sâu sắc, Heather Plett đã xoa dịu tổn thương của riêng mình thông qua những chia sẻ đầy dũng cảm và chân thành. Quyển sách là món quà tuyệt diệu cho một thế giới hỗn loạn và đích xác là điều chúng ta cần ngay lúc này”, Tiến sĩ Robin Youngson, tác giả cuốn Time to Care: How to Love Your Patients and Your Job, viết.
“Cuốn sách giàu lòng nhân ái này có khả năng thay đổi mãi mãi cách chúng ta thể hiện với nhau. Bạn hãy đọc, cảm nhận và thực hành”, nhà làm phim tài liệu Alana Sheeren nhận xét.
Rất nhiều mỹ từ được dành cho tác phẩm của Plett. Điều đó không có gì lạ khi câu chuyện chính là đúc kết từ trải nghiệm của tác giả với liên tiếp những biến cố trong đời. Bạn có thể đọc một lèo hết cả cuốn sách nhưng sau đó lại muốn lật giở từng chương để nghiền ngẫm suy ngẫm của tác giả.
Mất cha đột ngột sau tai nạn, chứng kiến mẹ ra đi trong bất lực, chăm sóc cho chồng trầm cảm với hai lần tự tử, mất một đứa con do thai lưu… là những điều Plett phải trải qua, chưa kể tới khó khăn tài chính, công việc.
Trong hành trình ấy, Plett nhiều lúc phải bước đi đơn độc. “Tôi đã trải qua hành trình 10 năm bước qua ngưỡng chuyển giao trong nỗi cô đơn cùng cực. Tôi khao khát một ai đó có thể chia sẻ những điều tôi đang chịu đựng để bước tiếp, ai đó giúp tôi tìm ra tia sáng của cuộc hành trình. Nhưng hầu như mỗi khi cố gắng chia sẻ với bạn bè, người thân về chuyện ấy, tôi đều vấp phải sự ngờ vực và thậm chí là ngó lơ hoàn toàn… Trong phần lớn thời gian, chính tôi cũng cảm thấy không thể hiểu được mình”, tác giả tâm sự.
Nhưng tới một ngày, sau khi kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm, Plett đã nhận ra rằng bà đã quá mải mê ôm giữ không gian cho người khác, tập trung vào nhu cầu của họ mà bỏ quên chính mình.
Quá trình để hiểu rõ nhu cầu của bản thân với Plett không hề dễ dàng. “Có những ngày tôi nằm bẹp trên sàn vì những điều chưa được chữa lành”, bà nhớ lại.
Từng chút một, niềm vui quay trở lại với Plett khi vẫn còn những người sẵn sàng “ôm giữ không gian” cho bà. Anh chị em ruột thịt là chỗ dựa cho Plett khi cần tiếng cười, sự an ủi. Ba cô con gái tha thứ cho Plett những khi bà lạc lối hay các cộng sự luôn hỗ trợ, những người bạn cổ vũ động viên, cho bà một nơi an trú, chuẩn bị trà bánh để bà có thể tập trung ngồi viết sách.
Để từ đó, nữ nhà văn có thể như con sâu bướm từ bỏ ẩn núp tổ kén tối tăm, khép kín trở thành một chú bướm cất cánh bay đi.