Diễn đàn cấp cao Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) được hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF).

P4G được coi là diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư, đóng vai trò kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị-xã hội để cùng thảo luận đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs).

Đến nay, Diễn đàn P4G có 12 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Chile, Mexico,  Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Columbia, Hà Lan, Bangladesh, Indonesia và Nam Phi cùng với sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế  và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khắp thế giới…

{keywords}
Hội nghị Thượng đỉnh P4G năm 2021 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.

Hội nghị Thượng đỉnh P4G năm 2021 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia. Cùng với Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ chủ trì ngày 22/4/2021, Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2021 sẽ tạo động lực quan trọng, thúc đẩy quyết tâm và cam kết của cộng đồng quốc tế chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Biến đổi khí hậu (COP 26) tổ chức vào tháng 11 tới.

Hàn Quốc rất coi trọng và đặt ưu tiên cao cho Hội nghị Thượng đỉnh P4G năm nay nhằm phát huy vai trò trong việc thúc đẩy giải quyết những thách thức toàn cầu nghiêm trọng, thúc đẩy hợp tác các nước phát triển và các nước đang phát triển trong tham gia hành động vì khí hậu thông qua đẩy mạnh hơn nữa hợp tác đối tác công - tư trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2021 cũng là hội nghị đa phương đầu tiên về lĩnh vực môi trường do Hàn Quốc chủ trì. Hội nghị năm nay nhận được sự hưởng ứng và tham dự của đông đảo lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia và doanh nghiệp.

Tới nay, lãnh đạo của hơn 40 nước và 21 tổ chức quốc tế đã khẳng định tham dự Hội nghị, trong đó có lãnh đạo 14 nước và 1 tổ chức quốc tế khẳng định tham dự Phiên Đối thoại Cấp cao gồm Hàn Quốc, Việt Nam, Đan Mạch, Hà Lan, Áo, Liên minh châu Âu, Thái Lan, Campuchia, Ethiopia, Kenya, Chile, Costa Rica, Peru, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ban Tổ chức cho biết lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đang cân nhắc tham dự và lãnh đạo nhiều nước khác như Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển… gửi thông điệp ghi hình.

Đại diện cấp Bộ trưởng và lãnh đạo của 21 tổ chức quốc tế tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị, gồm Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Canada, Bộ trưởng Môi trường và Phát triển bền vững Singapore; lãnh đạo của Liên Hợp Quốc, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Uỷ ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA)…

Với chủ đề “Phục hồi xanh bao trùm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon”, tại Phiên Đối thoại Cấp cao, lãnh đạo các nước sẽ tập trung trao đổi 3 nội dung ưu tiên, gồm phục hồi xanh từ COVID-19, nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đạt mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050, tăng cường hành động vì khí hậu và tạo thuận lợi cho hợp tác công-tư.

Các phiên thảo luận chuyên đề trao đổi các nội dung như mục tiêu trung hòa carbon, chiến lược xanh mới, lương thực và nông nghiệp, nước sạch, năng lượng sạch, công nghệ xanh, tài chính xanh, đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, đa dạng sinh học, kết nối kinh doanh.

Hằng Nga