- Diễn đàn Cấp cao CNTT và Truyền thông châu Á - châu Đại Dương 2014 (ASOCIO ICT Summit 2014) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28 đến 31/10/2014. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất, quan trọng nhất về CNTT của khu vực, với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các Hiệp hội, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu châu Á.
Tổng thư ký ASOCIO (ngoài cùng bên trái), ông Trương Gia Bình tại họp báo công bố sự kiện. Ảnh: T.C |
Theo Tổ chức công nghiệp Điện toán châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO), mục đích của Diễn đàn là chia sẻ tầm nhìn, các xu thế phát triển của CNTT và ứng dụng CNTT trên thế giới, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương về CNTT giữa các nền kinh tế, các doanh nghiệp trong khu vực.
Đây là lần thứ hai sau 11 năm Việt Nam được trao quyền đăng cai sự kiện quan trọng này. Dự kiến sẽ có trên 700 đại biểu tham dự Diễn đàn, trong đó có trên 250 đại biểu quốc tế là lãnh đạo các hiệp hội, các các tập đoàn CNTT hàng đầu của gần 30 nước. Các hoạt động chính của Diễn đàn bao gồm các hội nghị, hội thảo chuyên sâu, triển lãm, các hoạt động kết nối kinh doanh,… Cuộc họp Đại hội đồng ASOCIO và Ngày CNTT Nhật Bản 2014 cũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong dịp này.
Chia sẻ tại cuộc họp báo công bố sự kiện sáng 8/5, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm VN (VINASA), đơn vị chủ trì tổ chức ASOCIO Summit 2014 cho biết, VINASA đã đề xuất và đưa vào lịch trình Hội thảo nhiều nội dung mà VN đặc biệt quan tâm như ứng dụng CNTT trong tái cấu trúc nông nghiệp, phát triển nông thôn. Đây sẽ là những nội dung "đinh" của Diễn đàn năm nay và sẽ được dành thời lượng đáng kể để thảo luận, giúp VN học hỏi kinh nghiệm thế giới.
Về phần mình, Tổng thư ký ASOCIO, ông David Chang nhấn mạnh rằng việc ASOCIO tin tưởng giao quyền đăng cai tổ chức cho VINASA là vì năng lực và uy tín của ngành CNTT Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây. "Thông qua sự kiện thường niên quan trọng nhất khu vực này, chúng tôi muốn tạo cơ hội và ủng hộ cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của CNTT Việt Nam. Việt Nam đã có nền tảng khá tốt, chúng tôi tin tưởng nếu có tầm nhìn đúng và chính sách, chiến lược phù hợp thì Việt Nam sẽ mau chóng tiến kịp các nước có nền CNTT phát triển trên thế giới", ông Chang bày tỏ.
Lần đầu tiên VN tổ chức ASOCIO ICT Summit là vào năm 2003. |
Lần đầu tiên VN được tổ chức ASOCIO ICT Summit là vào năm 2003. Thành công của sự kiện đã gây bất ngờ và tạo nên một tiếng vang lớn trong cộng đồng CNTT quốc tế, bởi khi đó Việt Nam đang là một cái tên chưa được biết đến trên bản đồ công nghệ thế giới.
ASOCIO ICT Summit 2003 với chủ đề “Cơ hội số cho mọi người” cũng đã tạo nên một hiệu ứng phát triển mạnh mẽ cho ngành CNTT Việt Nam. Thủ tướng khi ấy là ông Phan Văn Khải cũng đã tham dự Diễn đàn và công bố chương trình máy tính nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên Việt Nam. Trung ương Đoàn đã phối hợp cùng hãng Intel và các công ty máy tính Việt Nam triển khai chương trình máy tính Thánh Gióng, cùng với lực lượng thanh niên tình nguyện phổ biến tin học về nông thôn đã tạo cơ hội tiếp cận CNTT cho hàng triệu thanh thiếu niên.
Ngành công nghiệp phần cứng và phần mềm Việt Nam sau đó đã bước vào chu kỳ bùng nổ phát triển, đạt mức tăng trường cao 30 – 40%/năm liên tục nhiều năm sau đó. Trong 11 năm qua, Việt Nam liên tục thăng tiến trên các bảng xếp hạng về CNTT, đặc biệt đã trở thành một quốc gia có tên tuổi trong việc gia công, xuất khẩu phần mềm. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh liên tục giữ vị trí cao trong danh sách các thành phố hấp dẫn về gia công – xuất khẩu phần mềm. Năm 2012 Việt Nam vượt qua Ấn Độ trở thành đối tác gia công phần mềm lớn thứ 2 của Nhật Bản. Sự phát triển của Chính phủ điện tử tại Việt Nam cũng được Liên Hiệp Quốc xếp hạng 4 tại khu vực Đông Nam Á và hạng 83/150 thế giới.
ASOCIO là hiệp hội quốc tế lớn nhất về CNTT của châu Á – châu Đại dương, với 22 hiệp hội thành viên chính thức, đại diện cho 22 nền kinh tế trong khu vực, bao gồm: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Đài Loan, Hongkong, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (đại diện là VINASA), v.v… và 5 hiệp hội thành viên quan sát viên là: Mỹ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Canada.
Trọng Cầm