Theo Washington Post, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về xung đột Ukraine và các giải pháp tiềm năng. Ông Trump được cho là đã thúc giục ông Putin không leo thang xung đột, nhắc nhở về sự hiện diện đáng kể của quân Mỹ tại châu Âu.

Washington chưa xác nhận thông tin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Còn Moscow mới nhất, đã phủ nhận thông tin trên.

Tuy nhiên, cuộc gọi giữa ông Trump và Putin có thể vẫn sẽ diễn ra.

Trước đó, trong bài phát biểu ăn mừng chiến thắng hôm 6/11, ông Trump tuyên bố sẽ dừng các cuộc chiến tranh, sẽ chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraina "trong vòng 24 giờ", thậm chí trước khi chính thức nhậm chức tổng thống (ngày 20/1/2025).

Vậy, cơ sở nào để tổng thống thứ 47 của Mỹ có thể chấm dứt xung đột tại Ukraine?

Cắt giảm tài trợ cho Ukraine?

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích quy mô hỗ trợ quân sự và tài chính của Mỹ dành cho Kiev.

Theo một bài phân tích của Jennifer Hansler trên trang CNN hôm 6/11, chiến thắng của ông Trump có thể đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ rút lại sự ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, qua đó có thể gây sức ép buộc Ukraine ký một thỏa thuận ngừng bắn với Nga. 

Dưới thời ông Biden, Mỹ đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ dưới dạng vũ khí và ngân sách cho Ukraine.

Theo tờ WSJ, nhiều đại diện EU ủng hộ hòa đàm, thúc giục ông Trump đàm phán lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Hồi cuối tháng 9, ông Donald Trump gợi ý rằng Ukraine nên "nhượng bộ một chút" cho Moscow và "bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ tốt hơn những gì hiện tại".

Quân bài kinh tế khiến Nga lo ngại?

Trên thực tế, việc giải quyết xung đột Nga-Ukraine mà đảm bảo điều kiện cả 2 bên đưa ra là rất khó. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia Shelby Magid chia sẻ trên Bloomberg, chiến thắng của ông Trump đã thay đổi thái độ của Ukraine đối với các cuộc đàm phán, Kiev đang "đi theo hướng chấp nhận rằng các cuộc đàm phán là hiện thực".

Còn với Nga, việc ông Trump thắng cử cũng có thể là một bước ngoặt. 

TrumpPutin EurasiaNet.gif
Ông Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: EurasiaNet

Ngay sau khi ông Trump trúng cử, hôm 8/11 trên hãng tin Tass, chuyên gia chính trị cấp cao Nga Alexander Dynkin, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Primakov, nhận định rằng điều kiện được Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu ra bên lễ Diễn đàn Valdai hôm 7/11 đã mở ra cơ hội kết thúc xung đột ở Ukraine.

Dù vậy, việc ông Trump trở thành tổng thống Mỹ cũng có thể mang lại rủi ro về mặt kinh tế đối với Nga. Đó là khả năng giá dầu tụt giảm, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới ngân sách cũng như sức mạnh kinh tế của Moscow. 

Một trong những cam kết chính sách của ông Trump thường nhắc tới là mục tiêu giảm chi phí năng lượng xuống một nửa trong vòng một năm sau khi nhậm chức bằng cách tăng tốc khai thác dầu khí, giảm rào cản về chính sách với việc xây dựng các nhà máy điện… để giảm lạm phát.

Nhiều nhà đầu tư nhìn nhận cam kết của ông Trump theo hướng giá dầu sẽ được kéo giảm một nửa, về mức 40 USD/thùng.

Thực tế, cũng có nhiều dự báo giá dầu sẽ giảm mạnh. Hôm 7/11 các chuyên gia Ngân hàng Citi dự báo, giá dầu về mức 60 USD/thùng “dưới thời Donald Trump”. Giá dầu sẽ giảm mạnh trong năm tới do khả năng thuế nhập khẩu cao hơn, nguồn cung dầu tăng cũng như tác động của chính quyền mới của Mỹ lên OPEC+.

Theo NYT, đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump đã chuẩn bị các sắc lệnh hành pháp và tuyên bố rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Trong nhiệm kỳ trước đó, ông Trump đã hủy bỏ rất nhiều cam kết về môi trường.

Trong phiên giao dịch 11/11, giá dầu WTI giảm mạnh gần 2,3% xuống còn 68,77 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng lao dốc hơn 2% xuống 72,4 USD/thùng.

Nếu giá dầu giảm xuống mức 40 USD/thùng, nền kinh tế Nga có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn như trong quá khứ.

Trong gần 2 thập kỷ qua, nước Nga từng lao đao ở vào những khoảng thời gian giá dầu giảm mạnh.

Tháng 7/2008, giá dầu ghi nhận đỉnh cao lịch sử gần 150 USD/thùng nhưng sụt giảm tới hơn 70% vào cuối năm, về dưới 40 USD/thùng. Dầu còn có đợt giảm sâu hơn hồi cuối 2015 và đầu 2016 khi xuống dưới 27 USD/thùng. Nhiều tuyên bố từ chính nước Nga khi đó thừa nhận sự khó khăn về tài chính mà nguyên nhân là từ cuộc đại chiến dầu khí.

Một điểm đáng chú ý là ở vào thời điểm cuối năm 2018 khi giá dầu rớt thảm có lúc xuống 45 USD/thùng, Saudi Arabia và Nga đã đạt được một thỏa thuận riêng cho việc gia tăng sản lượng dầu. Giá dầu giảm nhưng Nga cần bán thêm dầu. Nước Nga cần thu thêm tiền để bù đắp cho dự trữ ngoại hối vốn tụt giảm hồi những năm 2012-2015 khi phải bỏ tiền ra để chống lại cuộc khủng hoảng đến từ giá dầu giảm, đồng rubble mất giá và các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Hồi đầu năm 2020, nước Nga cũng gặp rất nhiều khó khăn khi giá dầu lao dốc còn sâu hơn.

Hiện tại, Nga cũng đối mặt với khá nhiều rủi ro khi chi tiêu cho quân sự lớn, dự trữ ngoại hối giảm, giá dầu có xu hướng đi xuống và nhiều khả năng sẽ còn giảm khi mà kinh tế Trung Quốc vẫn chưa hồi phục, tín hiệu còn rất xấu. Trong khi đó, kinh tế thế giới khi ông Trump là tổng thống Mỹ có thể sẽ khó khăn khi ông chủ Nhà Trắng tăng thuế nhập khẩu, bảo vệ nền kinh tế trong nước. Ông Trump cũng sẽ thúc đẩy khai thác dầu khí.

Với một kịch bản như vậy, và nếu giá dầu còn giảm sâu hơn nữa, việc duy trì sức khỏe tài chính quốc gia có lẽ là phương án mà ông Putin có thể phải tính trước. Một cuộc xung đột kéo dài trước tiên sẽ khiến Ukraine kiệt quệ khi viện trợ sụt giảm, nhưng Nga cũng đứng trước nguy cơ sa lầy vào khủng hoảng tài chính.

Hôm 7/11, theo hãng tin RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở thành phố Sochi của Nga cho biết, ông muốn “gửi lời chúc mừng ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ”. Ông Putin cho hay, ông Trump đã bày tỏ mong muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine, và những tuyên bố như vậy “ít nhất cũng đáng được chú ý”.