Để mua được hàng "sale", chị em công sở tranh thủ ứng lương, trốn làm và thậm chí cả vay mượn tiền. Thế nhưng sau cơn cuồng nhiệt, chen chúc mua sắm, kết cục hàng mua về nhiều khi lại không ưng ý, phải đẩy đi để mong gỡ gạc chút ít. Còn dân kinh doanh được dịp xả hết hàng tồn kho và trúng đậm nhờ Black Friday.
Mua sắm điên cuồng, dân buôn trúng đậm
Sau gần 2 tiếng đồng hồ đứng chọn và chờ thanh toán, chị Nguyễn Vân Giang, nhân viên một công ty trên đường Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) khoe: “Hai chiếc túi đều của hãng nổi tiếng, cái màu đỏ giá 6,7 triệu, cái màu đen giá 5,1 triệu cộng lại gần 12 triệu đồng. Nhưng hôm nay giảm giá 30% nên tôi chỉ phải trả chưa đến 8,5 triệu đồng”.
Chị Giang cho biết, chị cực mê hàng hiệu nước ngoài, nhất là túi xách và giày dép. Tuy nhiên, chị không thích order hàng giảm giá từ nước ngoài, chỉ thích mắt thấy tay sờ để xem chất liệu, kiểu dáng thế nào thì mới dám xuống tiền. Song, ở Việt Nam, cả năm chỉ dịp này hay Noel, Năm mới là “đại hạ giá” nên hôm qua, chị xin ứng tạm tháng lương để tranh thủ vơ cho thỏa thích.
Dân công sở 'thủng túi' vì săn hàng sale off Black Friday |
“Hàng hiệu mà giá giảm mạnh thì mắt trước mắt sau sẽ bị khuân sạch. Thế là hai bữa trưa cuối tuần phải trốn làm, trước giờ nghỉ gần 2 tiếng xin phép sếp ra ngoài có tý việc rồi ra đây săn hàng. Cũng may mua được đúng hai em túi xinh đẹp mà tôi thích”, chị Giang khoe.
Ghi nhận của PV. VietNamNet tại các cửa hàng thời trang trên phố chính như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Kim Mã,... và những trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội là cảnh cả một biển người chen chân nhau mua sắm. Nhiều nơi khách quá tải, nhân viên cửa hàng phải treo biển tạm đóng cửa hay biển hết hàng.
Anh Nguyễn Trọng Tuệ, quản lý một thương hiệu thời trang lớn ở Hà Nội, tiết lộ, lượng khách mua hàng trong ngày Black Friday khiến anh bất ngờ.
Nếu ngày này năm ngoái, thương hiệu thời trang do anh quản lý cũng chạy chương trình giảm giá tương tự, tức 2 ngày trước đó, giảm 10-30% giá sản phẩm cho khách. Duy chỉ ngày Black Friday, các mặt hàng giảm giá tới 50%, vậy mà lượng khách tới mua tăng có 300% so với ngày thường.
Năm nay, khách cứ ùn ùn kéo vào cửa hàng. Tính từ sáng sớm đến 11h30 trưa ngày Black Friday, tại một cửa hàng, nhân viên thu ngân thông báo với anh số hóa đơn đã chạm tới con số 1.000. Trong đó, hóa đơn thấp nhất giá trị trên dưới 500.000 đồng, hóa đơn cao nhất lên đến 8 triệu đồng.
“Nếu tính đến hết ngày Black Friday, doanh số bán hàng của toàn bộ hệ thống chắc phải tăng 600% so với ngày thường”, anh Tuệ hào hứng.
Dương Thị Thùy Linh, chủ một thương hiệu thời trang cho giới trẻ, cũng bật mí, nhờ Black Friday mà chị xả được hết số hàng là giày dép lẫn quần áo thời trang còn tồn từ đông năm ngoái. Còn những mẫu áo len, váy mới năm nay gần như cháy hàng.
Theo chị Linh, 3 cửa hàng khác cùng hệ thống của chị chưa thể thống kê được, còn cửa hàng ở Chùa Bộc chị quản lý trực tiếp thì ước tính, doanh số bán ra gần 800 triệu, gấp 10 lần so với ngày thường.
Tại các cửa hàng thời trang khác, doanh số bán hàng trong ngày Black Friday tăng 300-500% là chuyện thường.
Khách hàng chen chân nhau mua sắm hàng giảm giá khiến dân buôn được dịp thắng đậm |
"Thủng ví" lo đẩy hàng trả nợ
Là người phát cuồng vì hàng hiệu, dịp này, chị Vũ Thu Thủy ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) vơ vội chiếc thẻ ATM của em trai rồi phi vào trung tâm thương mại, sắm nào giày, nào túi xách, quần áo mà chị đã ngắm nghía cách đó cả tuần.
Chiều, xách túi nhỏ túi to nằm vật ra giường vì mệt, chị giật mình khi nhận tin nhắn của cậu em thông báo “35,5 triệu trong thẻ của em đã bay theo chị hôm nay. Đầu tuần chị thu xếp trả để em lo việc nhé”. Đọc xong, mặt chị méo xệch.
Thấy người đỡ mỏi, chị ngồi dở các món đồ ra ngắm. Nhìn gần 20 chiếc túi xách ở trong toàn đồ của Mango, Pedro, Charles & Keith,... mà chị toát hết mồ hôi, bởi, xem kỹ lại mới thấy nhiều món nhìn thì đẹp nhưng không dùng được.
“Tôi ngồi ngắm kỹ lại từng cái, xem cái nào dùng được, cái nào không hợp thì mai sẽ rao bán thanh lý, thu bớt tiền về”, chị Thủy nói. Chẳng hạn như đôi giầy màu đỏ cao 9 phân, giờ xỏ cả đôi thử đi lại chị thấy chỉ thời trang, chứ đi nhiều thì đau ngón chân do mũi giầy quá nhọn. Vậy mà lúc đó chị chỉ thử qua quýt rồi nhặt vội do cửa hàng đông quá, chỉ sợ người khác mua mất. Trong khi trước đó, chồng chị đã thống nhất cho chị “vung tay" trong khoảng trên dưới 10 triệu, không hơn. Vậy mà hôm nay, chị đã chi gấp gần 3 lần.
Tương tự, sau khi lượn một vòng các trung tâm thương mại để nhặt lia lịa những món đồ mình thích, về nhà, chị Hoàng Thị Ngọc ở Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) cũng hốt hoảng khi thấy tin nhắn ngân hàng gửi tới điện thoại chị thông báo trừ gần 18 triệu trong tài khoản, trong khi chị dự định chỉ mua trong vòng 5 triệu đồng.
"Lúc xem thì thấy cái nào cũng thích nên lỡ nhặt quá tay, thành ra thâm hụt nặng vào khoản tiền để trả nợ vay mua ô tô". Giờ chị Ngọc đang chật vật nhấc lên đặt xuống mấy món hàng hiệu, xem món nào không cần thiết thì đẩy bớt, hòng gỡ gạc lại tiền.
"Nhưng, bán lại thì mất giá, mà không bán thì lấy tiền đâu trả nợ bây giờ. Đúng là không có cái dại nào bằng cái dại này", chị Ngọc rầu rĩ.
Như Băng