Nhóm giảng viên xin nghỉ cho hay mâu thuẫn ở khoa Hàn Quốc học âm ỉ đã nhiều năm nay. Các giảng viên muốn giải quyết các mâu thuẫn nội bộ trong khoa, mong một cuộc đối thoại và đã nhiều lần gặp nhưng không đi đến kết quả.
Bất đắc dĩ các giảng viên đã 2 lần gửi đơn kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ và Bộ GD-ĐT. Ở lần kiến nghị thứ nhất (15/10/2020) nhóm giảng viên phản ánh 3 vấn đề, trong đó có việc “bổ nhiệm thần tốc” chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện và các quy định pháp luật hiện hành đối trưởng khoa.
Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã có công văn gửi hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM ngày 19/10/2020 để xém xét, gửi kết luận về Thanh tra Chính phủ.
“Sau 51 ngày làm việc, sự phản ánh của chúng tôi không được nhà trường giải quyết thỏa đáng, một số nội dung được kết luận phiến diện, một số nội dung gây tổn hại danh dự cho giảng viên, điều này gây bức xúc đến mức tập thể làm đơn nghỉ việc”- đơn kiến nghị lần 2 của nhóm giảng viên nêu.
Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM kết luận gì?
Ngày 28/12/2020, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã có kết luận do bà Ngô Thị Phương Lan, hiệu trưởng ký về các nội dung kiến nghị, phản ánh đối với bà Nguyễn Thị Phương Mai, trưởng khoa Hàn Quốc học.
Theo kết luận này, việc phản ánh thứ nhất, nhà trường bổ nhiệm bà Mai không đúng quy định dựa vào những tiêu chuẩn, điều kiện là sai.
“Việc bổ nhiệm bà Mai giữ chức phó trưởng khoa Hàn Quốc học, sau đó là trưởng khoa đã được thực hiện đúng quy trình gồm các bước như tập thể khoa Chi ủy khoa đề nghị giới thiệu bằng văn bản, lấy ý kiến tín nhiệm công khai minh bạch, kết quả giới thiệu nhân sự được thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ trường và báo cáo ĐH Quốc gia TP.HCM.
Một chương trình của khoa Hàn Quốc học (Ảnh: Fb Khoa Hàn quốc học) |
Việc bà Mai có chồng người Hàn Quốc và có 2 con quốc tịch Việt Nam – Hàn Quốc là không trái quy định pháp luật. Các quy định về bổ nhiệm viên chức không cấm việc bổ nhiệm viên chức quản lý đối với công dân Việt Nam có 2 quốc tịch. Do vậy nhà trường không làm trái pháp luật khi bổ nhiệm bà Mai, người có 2 quốc tịch.
Việc bà Mai có 4 người con, thì Nghị định 176/2013 đã bỏ quy định về xử lý kỷ luật đối với viên chức sinh con thứ 3 trở lên. Bà Mai không vi phạm những điều viên chức không được làm, do vậy nhà trường không làm trái luật khi bổ nhiệm bà Mai”- kết luận nêu.
Đối với phản ánh thứ hai xoay quanh việc bà Phương Mai thiếu dân chủ trong quản lý điều hành, yếu năng lực quản lý, lãnh đạo, nhóm giảng viên nêu tới 23 vấn đề. Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM kết luận trong nội dung phản ánh này, có 5/23 vấn đề phản ánh đúng; 7/23 vấn đề phản ánh đúng một phần; 11/23 vấn đề phản ánh sai.
Một số ví dụ: Việc thiếu dân chủ trong quản lý điều hành, gồm đi trễ 15 phút coi như vắng, quy định này do trưởng khoa đưa ra để chấn chỉnh lại tình hình giảng viên trong khoa thường xuyên đi họp trễ, vắng họp. Quy định nội bộ của khoa không cần ban giám hiệu phê duyệt. Vì vậy, nội dung phản ánh là sai.
Việc vắng họp 30% xem như không hoàn thành nhiệm vụ, theo nhà trường, quy định đưa ra là không hợp lý khi xét ở tính cân đối 3 nhiệm vụ của giảng viên do vậy phản ánh có cơ sở.
Về việc nhiều lần họp kín với từng cá nhân giảng viên đã có ý kiến trái chiều, theo kết luận bà Mai không sai khi mời họp riêng với từng cá nhân hoặc từng nhóm và nội dung các buổi họp cũng liên quan đến các công việc của khoa, do vậy nội dung này không có cơ sở.
Tuy nhiên, trong một số buổi họp trưởng khoa dùng những câu từ khiến người tiếp nhận có cảm giác bị đe dọa là có cơ sở, do vậy nội dung phản ánh này đúng một phần.
Trong cuộc họp về đánh giá viên chức, trưởng khoa Hàn Quốc học có nói câu đại ý “làm tới giảng viên mà không hiểu những điều tôi nói sao”, việc phát ngôn này thể hiện sự thiếu tôn trọng giảng viên là phản ánh đúng…
Ngoài ra, việc phản ánh trưởng khoa không công khai minh bạch về thông tin, nhân sự các đề án nghiên cứu, theo kết luận là không đúng sự thật.
Bà Mai- chủ nhiệm đề tài có lý do hợp lý để thay đổi thành viên tổ nghiên cứu, nhưng thời điểm gửi mail thông báo 2 ngày sau cuộc họp xét lại kết quả thi đua khen thưởng khiến 1 giảng viên nghĩ có tư thù cá nhân là có cơ sở. Nhà trường kết luận phản ánh này đúng một phần.
Nhà trường cũng kết luận phản ánh nội dung trưởng khoa “yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo” là có cơ sở như triển khai viết đề án chương trình chất lượng cao còn nhiều hạn chế, chậm, không liên tục và có việc triển khai quá gấp.
“Những hạn chế trong việc triển khai đề án Chất lương cao của khoa Hàn Quốc học trước thuộc về trách nhiệm của phó trưởng khoa phụ trách đào tạo, người được trưởng khoa phân công phụ trách chung và triển khai đề án. Tuy nhiên, bà Phương Mai với tư cách là trưởng khoa cũng phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu”.
Cũng theo kết luận, trưởng khoa Hàn Quốc học không tuân thủ đúng quy định khi mời giảng viên thỉnh giảng. Trưởng khoa chưa có động thái tích cực khi xử lý trường hợp này để tiếp thu phản ánh của sinh viên do vậy phản ánh của nhóm giảng viên đươc xác định đúng một phần…
Việc bà Phương Mai phân công 5 giảng viên viết chương trình kiểm định AUN được xác định không sai quy định, tuy nhiên đánh giá của Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng là không hợp lý và không đảm bảo chuyên môn.
“Công tác của khoa từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2020 rất trì trệ, đòi hỏi trưởng khoa phải có những giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, việc chọn nhân sự viết các tiêu chuẩn AUN như nói ở trên, việc giao ông Lân làm tổ phó kiêm cán bộ chuyên trách đảm bảo chất lượng cho thấy trưởng khoa không xem trọng công tác đảm bảo chất lượng của Khoa”. Nhà trường kết luận nội dung phản ánh này đúng.
Ngoài ra, việc trưởng khoa bao che cho sai phạm của Phó khoa phụ trách đào tạo trong việc sử dụng sai con dấu của Khoa để đưa sinh viên đi nước ngoài, nhưng trong kết quả bình chọn thi đua khen thưởng giảng viên này vẫn được xếp loại lao động tiên tiến được kết luận phản ánh sai...
Về nội dung phản ánh thứ ba: Có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, không minh bạch trong việc quản lý tài chính của khoa, gồm huy động nguồn tài trợ để đầu tư cơ sở vật chất nhưng không công khai tài chính được kết luận là phán ánh đúng 1 phần.
Việc nhóm giảng viên cho rằng trưởng khoa tự ý cho phép công ty của một giảng viên Hàn Quốc gần gũi thân thiết với mình chiếm dụng, sử dụng Văn phòng Khoa vào mục đích cá nhân là phản ánh không đúng sự thật.
Nhà trường kết luận, nội dung phản ánh thứ 3 có 1 nội dung phản ánh đúng 1 phần, 1 nội dung phản ánh sai.
Về phản ánh thứ 4, kiến nghị và bổ sung theo kết luận, 1 nội dung phản ánh sai, 1 nội dung phản ánh đúng 1 phần…
Cả trưởng khoa và 11 giảng viên đều bị phê bình
Theo quyết định, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng, trong các phản ánh của giảng viên, có nội dung đúng toàn bộ hoặc đúng một phần, tuy nhiên những nội dung này chủ yếu liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của cá nhân bà Nguyễn Thị Phương Mai, không liên quan đến trách nhiệm của những người khác. Do đó, không có cơ sở để thực hiện kiến nghị bãi nhiệm tư cách trưởng khoa đối với bà Mai theo quy định pháp luật.
Trong việc thực hiện chức trách của trưởng khoa, bà Mai có những hạn chế nhất định trong việc quản lý chuyên môn, quản lý hành chính của khoa, cách ứng xử thiếu linh hoạt trong một số trường hợp dẫn đến bức xúc của nhiều giảng viên. Tuy nhiên, bà Mai không có vi phạm nghiêm trọng tới mức phải bãi nhiệm. Do vậy, không thực hiện kiến nghị này của giảng viên.
Theo nhà trường, việc bà Phương Mai để xảy ra tình trạng trên không chỉ xuất phát từ nguyên nhân chủ quan mà còn do nhiều nguyên nhân khách quan khác. Bên cạnh đó, trong thời gian làm trưởng khoa, bà Phương Mai đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Khoa Hàn Quốc học.
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.CHM đã ra văn bản phê bình bà Phương Mai và yêu cầu bà Phương Mai có biện pháp hiệu quả khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý chuyên môn, quản lý hành chính của khoa.
Ngoài ra, 11 giảng viên gửi đơn kiến nghị cũng bị hiệu trưởng phê bình vì gửi đơn vượt cấp, thể hiện sự thiếu tôn trọng tổ chức và ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.
“Đáng nói ở đây có một số nội dung các giảng viên đã phản ánh sai sự thật khách quan. Đề nghị các giảng viên nghiêm túc rút kinh nghiệm” – bản kết luận nêu.
ĐH Quốc gia TP.HCM đang xác minh sự việc
Cho rằng vì không đồng tình với kết luận của Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, một số giảng viên khoa Hàn Quốc học đã đồng loạt xin nghỉ và tiếp tục gửi kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ.
VietNamNet nhiều lần liên hệ với bà Nguyễn Thị Phương Mai, tuy nhiên bà Mai từ chối nghe điện thoại cũng như không phản hồi tin nhắn.
Lãnh đạo của ĐH Quốc gia TP.HCM (cơ quan chủ quản của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho hay đang xác minh sự việc và sẽ có thông tin sau.
Lê Huyền
Hiệu trưởng lên tiếng vụ 11 giảng viên Hàn Quốc học đồng loạt nghỉ việc
11 giảng viên khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cùng lúc xin nghỉ việc.
Vụ 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học nghỉ việc: 'Không bộp chộp mà dứt áo ra đi'
Trong 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học nộp đơn xin nghỉ, người có thời gian làm việc ít nhất 5 năm, nhiều nhất là 23 năm, nhiều người có học vị tiến sĩ. Họ cho biết không phải vì lý do nhỏ mà “bộp chộp” dứt áo ra đi.