Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu của tỉnh về phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo bền vững.
HTX nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, xã Noong Luống, huyện Điện Biên được thành lập từ năm 2021. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là trồng rau màu. Hiện hợp tác xã có 34 thành viên với diện tích trên 3,4ha rau màu, trồng gồm các loại như: bí, cà chua, đỗ leo… sản lượng rau, củ thu hoạch hàng năm của hợp tác xã đạt 700 tấn, mang lại nguồn thu nhập 1 tỷ đồng/năm.
Không chỉ dừng lại ở hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX còn thực hiện tốt việc bao tiêu, tiêu thụ nông sản cho nông dân; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân với HTX.
Ông Phạm Xuân Phong, xã Noong Luống, huyện Điện Biên cho biết, tham gia vào HTX được các ban ngành quan tâm, hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV, thời gian cách li, để có sản phẩm an toàn chất lượng đến với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, xã Noong Luống cho hay: "Khi thành lập HTX, chúng tôi đã cung cấp tới 80% chi phí phân bón, thuốc BVTV, quản lý đầu ra của sản phẩm. HTX sẽ chia đều diện tích cho các xã viên, khi tham gia vào HTX thì các sản phẩm của xã viên làm ra sẽ được HTX đứng ra thu mua, giúp các thành viên yên tâm sản xuất, không lo sản phẩm phải bán trôi nổi trên thị trường".
Thống kê cho thấy, tỉnh Điện Biên hiện có gần 320 HTX với trên 9.800 thành viên, tổng số vốn điều lệ 886 tỷ đồng. Trong đó, các HTX hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản chiếm tỷ lệ lớn. Tổng số lao động thường xuyên trong các HTX là 9.500 người, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đạt 56 triệu đồng/năm.
Hiện nay, nhiều HTX của Điện Biên đã ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX chủ động liên kết với nông dân sản xuất, tạo sản phẩm và tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Thào A Giàng, Giám đốc HTX Dứa Mường Nhà cho biết: HTX hợp tác với khoảng 300 hộ dân ở 6 bản trồng dứa mật, trong đó trồng nhiều nhất tại bản Pu Lau với hơn 30ha. HTX tiến hành bao tiêu sản phẩm dứa Pu Lau cho dân bản. Từ việc chuyển đổi cơ cấu làm nương không hiệu quả sang trồng dứa đã mang lại thu nhập cao cho người dân, giúp xoá đói, giảm nghèo cho người dân Mường Nhà.
Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên, cho biết: Những năm qua, để thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về phát triển HTX; hỗ trợ, tạo điều kiện giúp thành viên, người dân vay vốn phát triển mô hình kinh tế tập thể… Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, đã có gần 30 HTX mới được thành lập.
Cũng theo ông Dương, cứ vào đầu năm, Liên minh HTX cử cán bộ đến địa bàn để tuyên truyền về việc lựa chọn các mô hình tốt để thành lập các tổ hợp tác, HTX. Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, triển khai Đề án xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị theo Nghị quyết của Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam; tư vấn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tiếp cận, áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
“Sau khi đã thành lập HTX, chúng tôi tiến hành mở các lớp tuyên truyền tập huấn cho các HTX trong toàn tỉnh về quản lý HTX, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành HTX. Chúng tôi cũng hỗ trợ các HTX trong tiếp cận nguồn vốn vay để các HTX có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất”, ông Dương nói.