Biến đổi khí hậu, Ðiện Biên thường xuyên bị lũ bất thường, lũ ống, lũ quét xảy ở vùng núi cao. Trong khi đó tình trạng nước về hạ lưu ngày càng ít nên một số kênh mương ở các huyện: Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông và ngay cả một số xã khu vực lòng chảo Mường Thanh thường xuyên thiếu nước nghiêm trọng.

Không những thế, do có độ dốc lớn, đất nương trồng lúa hoặc trồng cây sắn, ngô thường bị rửa trôi chất đất, dẫn tới bạc màu khiến cây trồng cho năng suất thấp. Chính vì thế, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Điện Biên thường phá rừng để có đất làm nương luân canh, làm đất rừng ngày càng bị thu hẹp.

Bởi vậy, từ năm 2017, UBND tỉnh Ðiện Biên đã ban hành Quyết định 610/QÐ-UBND xác định lộ trình, diện tích cần chuyển đổi cây trồng từ đất nương, đất ruộng một vụ và đất trồng cây màu hằng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị cao.

Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, tỉnh xác định chuyển đổi hơn 2.461 ha đất nương, đất ruộng một vụ, đất cây màu sang trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả và cây thức ăn gia súc phù hợp với điều kiện khí hậu theo mô hình trang trại, sử dụng giống có năng suất cao như: bơ, xoài, mít, ổi, vú sữa, thanh long… 

{keywords}
Từ năm 2017, UBND tỉnh Ðiện Biên đã ban hành Quyết định 610/QÐ-UBND xác định lộ trình, diện tích cần chuyển đổi cây trồng từ đất nương, đất ruộng một vụ và đất trồng cây màu hằng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị cao.

Ðược Phòng NN và PTNT huyện hướng dẫn, từ năm 2017 có 19 gia đình ở bản Bó đăng ký chuyển đổi hơn 5 ha đất lúa sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu. Từ đó, mô hình này cho bà con mức thu nhập ổn định từ 25 đến 30 triệu đồng/hộ/năm. Nếu so với trồng lúa thì cao hơn gần bốn lần thu nhập.

Gần đây nông dân các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên như  Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống, Thanh Xương, Pom Lót, Noong Hẹt… cũng bắt đầu chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang rau màu, các loại cây ăn quả cho nguồn thu cao hơn trồng lúa và góp phần cải tạo dinh dưỡng cho đất.

Ông Nguyễn Quang Bắc, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Mấy năm nay người dân trong xã đã chủ động chuyển đổi gần chục héc-ta đất thiếu nước sang trồng rau cung cấp cho thị trường TP Ðiện Biên Phủ và các xã lân cận. Trồng rau mang lại cho người dân thu nhập cao hơn từ 15 đến 20 triệu đồng/năm/hộ. Toàn xã hiện có hơn 10 ha rau màu song thời gian tới, UBND xã Pom Lót tiếp tục khuyến khích các hộ dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, đến nay đời sống người dân xã Tỏa Tình đã từng bước xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Hiện nay xã xác định vận động, tuyên truyền nông dân giảm dần những diện tích trồng ngô, lúa và cây sắn trên nương kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây cà phê. Xã Tỏa Tình chủ trương mở rộng tối đa diện tích trồng cà phê và cây Sơn tra ở những nơi phù hợp.

Hiện nay, Tỏa Tình có trên 140ha cây Sơn tra được hơn 200 hộ trồng tập trung tại 7/7 bản; có hộ trồng lên tới trên 1.000 cây. Ở độ cao trung bình trên 1.500m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm trong lành, nên Sơn tra ở đây có nhiều lợi thế phát triển, cho sản lượng cao và hương vị thơm, ngọt đặc biệt. Trung bình mỗi cây cho thu hoạch khoảng 1 tạ quả.

Ðánh giá hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất nương, đất lúa một vụ, Giám đốc Sở NN và PTNT Ðiện Biên Bùi Minh Hải cho biết: Với sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, năm qua, người dân trong tỉnh đã chuyển đổi 635,99 ha đất nương, đất trồng lúa một vụ và đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả (cây cà-phê) sang trồng các loại cây ăn quả. Trong đó, có hơn 353 ha đất được chuyển sang trồng cây ăn quả; 215 ha chuyển sang trồng cây thức ăn gia súc; 66,54 ha chuyển sang trồng dong riềng, cây dược liệu.

Theo ông Bùi Minh Hải, từ khi chuyển đổi đất kém hiệu quả sang cây trồng khác, nông dân được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, được hỗ trợ cây giống chất lượng tốt và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên bà con rất phấn khởi, tin tưởng, nhờ đó diện tích chuyển đổi mỗi năm đều tăng.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác tham gia cung ứng vật tư đầu vào, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích liên kết giữa nông dân với nhà khoa học để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quốc Tiến
Ảnh: Văn Dương