Việc rút lui đồng loạt của các công tố viên liên bang trong vụ án chống Roger Stone, cựu cố vấn thân tín của lãnh đạo Nhà Trắng được đánh giá là phản ứng hy hữu, bất ngờ trước quyết định gây tranh cãi của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm giảm bản án đề xuất đối với bị cáo.

{keywords}
Roger Stone (trái) là nhà vận động hành lang chính trị, cố vấn thân tín lâu năm của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Time

Ông Stone, 68 tuổi là chiến lược gia chính trị có 40 năm kinh nghiệm làm việc cho các nghị sĩ Cộng hòa và từng giúp sức trong nhiều chiến dịch tranh cử của các cựu tổng thống. Ông bị các đặc vụ thuộc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ tại nhà riêng ngày 25/1/2019.

Công tố viên đặc biệt Mỹ thời điểm đó Robert Mueller đưa ra 7 tội danh chống ông Stone, bao gồm cả cản trở thủ tục tố tụng chính thức, tuyên bố sai sự thật và giả mạo giấy tờ. Ông Stone cũng bị cáo buộc đã tìm cách đánh cắp các thư điện tử từ trang WikiLeaks với mục đích gây bất lợi cho những đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Theo CNN, các công tố viên liên bang đã lần lượt đệ đơn xin rút khỏi vụ án Stone chiều 11/2, sau khi Văn phòng Công tố viên Mỹ ở Washington trình lên tòa bản án đề xuất mới, điều chỉnh giảm đáng kể so với mức án 7 - 9 năm tù giam do họ kiến nghị hồi đầu tuần này mà không có chữ ký của họ. Trước đó vài giờ, Tổng thống Trump cũng đăng đàn Twitter công khai chỉ trích bản án đề xuất ban đầu của 4 công tố viên liên bang.

Giới quan sát bình luận, diễn biến gây sốc đã làm lộ rõ căng thẳng giữa giới chức Bộ Tư pháp với bên công tố trong vụ việc. Trong dư luận cũng xuất hiện nhiều hoài nghi về tính độc lập của Bộ Tư pháp trước những áp lực chính trị trong vụ xử đồng minh thân cận ông chủ Nhà Trắng.

Tổng thống Trump đã lên tiếng phủ nhận dính líu đến việc sửa đổi bản án dành cho ông Stone. Song, các nghị sĩ đối lập thuộc đảng Dân chủ kêu gọi tổng thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc điều tra nghi vấn này.

Tuấn Anh