Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc cho rằng điện ảnh quốc gia tỷ dân hiện chỉ tóm gọn trong hai chữ "xấu hổ".
Chiến lang 2 đang tạo nên cơn sốt tại Trung Quốc với doanh thu chạm mốc gần 5 tỷ NDT (gần 750 triệu USD). Đây là con số kỷ lục trong lịch sử phòng vé Trung Quốc, giúp quốc gia này lần đầu tiên có phim lọt top 100 phim ăn khách nhất thế giới từ trước đến nay.
Tân Hoa Xã bình luận: "Chiến lang 2 không phải hoàn hảo nhưng có tư tưởng trong tác phẩm, có tính nghệ thuật và được người xem đón nhận. Phim không chỉ thắng về doanh thu mà còn nhận được sự tôn trọng từ thị trường".
Tuy nhiên, có một vấn đề là Chiến lang 2 được tung hô vì không biết bao năm rồi điện ảnh Trung Quốc chưa có một siêu phẩm xứng tầm để khen ngợi. Không quá lời khi nói Chiến lang 2 như chiếc chiếu manh trong "cơn bĩ cực ăn mày" của nền công nghiệp chiếu bóng Trung Quốc.
Khi cảnh sốc lên hương
Điện ảnh Trung Quốc là vương quốc của chiêu trò. Để tạo ra hiệu ứng, các nhà làm phim tìm đủ mọi phương án. Trong các phim của họ thường là tài tử điển trai, giai nhân xinh đẹp đóng chính. Dù phim nội dung chính chuyên đến đâu cũng cần gài vài tình tiết "nóng" đốt mắt khán giả.
Tôi không phải Phan Kim Liên từng khiến người xem tưởng rằng Phạm Băng Băng có cảnh phòng the nude 100% trên màn ảnh khi xem trailer. Nhưng hóa ra, đó chỉ là cảnh lướt qua vài giây. Phùng Tiểu Cương đưa tình tiết đó vào trailer tạo ra sự tranh cãi, sự tò mò lôi kéo khán giả đến rạp.
Trong Hoàng Phi Hồng 2014, Angelababy mặc áo yếm buông lơi lưng trần ở phòng tắm được tạo poster riêng trong chuyến quảng bá phim. "Chẳng nhà làm phim nào dại dột tạo ra phim gán mác 18+ để hạn chế khán giả đến xem. Nhưng họ cần những hình ảnh khoe thân chớp nhoáng tưởng như 18+ để kích thích sự hiếu kỳ", một nhà phê bình bày tỏ ý kiến.
Không sai khi nói rằng cảnh nóng khoe thân hay các chiêu trò "hạ lưu" đang khéo léo trở thành nghệ thuật trên màn ảnh.
Ăn cắp cũng là nghệ thuật
Tam sinh tam thế thập lý đào hoa bản điện ảnh ra mắt không thành công dù có sự góp mặt của Dương Dương, Lưu Diệc Phi. Ngoài những chê bai về kỹ xảo, diễn xuất, phim còn bị tẩy chay tại Trung Quốc vì nghi án "đạo văn".
Tác giả tiểu thuyết gốc - Đường Thất Công Tử - là một trong những tay viết 8X giàu có bậc nhất Trung Quốc. Nhưng Tam sinh tam thế lại là sản phẩm bị cáo buộc ăn cắp Hoa đào nợ của Đạo Phong Quát Quá. Tác phẩm này được xuất bản vào năm 2007.
Tranh cãi nảy lửa nhưng Tam sinh tam thế vẫn được mua bản quyền làm phim truyền hình, điện ảnh. Đường Thất nói dù có điểm giống nhau về bối cảnh, cách xưng hô nhưng hai tác phẩm khác hẳn về tình tiết.
"Đây gọi là sao chép cũng cần phải có nghệ thuật", tờ Nhân Dân nhật báo trích dẫn bình luận.
Tờ QQ cho biết rất khó thống kê về sản phẩm đạo văn của điện ảnh nước này. Lạc lối ở Hong Kong (Triệu Vy), The Autobots, Mỹ nhân ngư bị phê bình vì na ná phim Hollywood hay truyện tranh Nhật Bản. The Autobots còn sao chép trắng trợn gần trọn nội dung phim Vương quốc xe hơi do Pixar thực hiện.
Đâu đó thấy poster phim Viên đạn biến mất của Tạ Đình Phong và Lưu Thanh Vân y chang poster Sherlock Holmes. Khán giả cũng hết bất ngờ nếu thấy Phong Thanh do Chương Tử Di đóng chính giống hệt hình ảnh ở Talk to Her.
"Thế nên, chúng ta càng không lạ khi đọc những câu chuyện về đề tài ăn cắp tác phẩm lan tràn hiện nay", tờ Sina nhận định.
Lịch sử cũng chỉ là tấm thảm lau chân
Chủ nghĩa anh hùng cá nhân, đề cao nhân vật chính luôn khiến phim Trung Quốc trở nên xa rời thực tế. Hồi năm 2016, nhiều nhà phê bình bức xúc với thông điệp trong Diệp Vấn 3. Họ cho rằng phim xây dựng hình tượng nhất đại tông sư như thánh thần.
Diệp Vấn có câu nói nổi tiếng trong phim: "Thế giới này không thuộc về những người có tiền, cũng không dành cho kẻ có quyền. Thế giới này thuộc về những người có tâm". Chân Tử Đan khắc họa Diệp Vấn tài giỏi, trượng nghĩa và yêu thương gia đình là những điều khán giả cảm nhận sau khi xem phim.
Diệp Vấn có thể nắm tay vợ đi khắp các bệnh viện khi cô bị bệnh. Đến cuối cùng, người phụ nữ trong lòng võ sư Vịnh Xuân Quyền chỉ là người vợ tảo tần Trương Vĩnh Thành. Tuy nhiên, những ghi chép cho thấy Diệp Vấn không phải là người đàn ông của gia đình, chung thủy đến cùng.
Theo Baidu, Trương Vĩnh Thành và Diệp Vấn có 4 người con. Thời điểm bà đến Hong Kong vào năm 1950, hai người đã rơi vào cảnh phân ly. 10 năm sau, bà qua đời tại Phật Sơn.
Có thể nói, vợ chồng Diệp Vấn không một lần gặp mặt trong giai đoạn 1950-1960. Từ năm 1950, "nhất đại tông sư" sống chung với một người phụ nữ Thượng Hải cho đến khi qua đời.
Phim Trung Quốc yêu thích chủ đề cổ trang, lịch sử nhưng tính chân thực trong các tác phẩm không cao. Tư mỹ nhân với hình tượng Khuất Nguyên thư sinh, điển trai của Mã Khả từng gây ra nhiều tranh cãi.
Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Khuất Nguyên thời trẻ được miêu tả là "nghe nhiều biết rộng". Ở tuổi xế chiều, họa sĩ thời Minh tên Trần Hồng Thụ viết "ông bi phẫn ưu thương, lẻ loi buồn bực sầu não mà qua đời".
Khi lên phim, để gây sự chú ý, ê-kíp mời diễn viên trẻ thế hệ thần tượng, đóng cảnh tình cảm như ngôn tình. Chủ tịch Hiệp hội Văn nghệ Trung Quốc Lý Chuẩn nói "chưa bao giờ tưởng tượng về một Khuất Nguyên với hình tượng lịch sử trở thành chàng trai ẻo lả trong phim cho giới trẻ xem".
"Trung thành lịch sử thì làm sao có khán giả", đó là ý kiến một nhà làm phim. Đến Trương Nghệ Mưu khi làm Trường Thành cũng phải "sáng tạo" tình tiết để hút khán giả. Người xem la ó khi công cuộc bảo vệ Vạn Lý Trường Thành lại do một nhóm lính đánh thuê phương Tây làm chủ. Những tướng soái Trung Quốc chết như rạ trong phim.
“Tôi đã bật cười khi thấy Lưu Đức Hoa nói bằng tiếng Anh trong phim. Đây là phim hài sao?”, một khán giả chia sẻ trên Douban.
Khán giả đã dần quen với việc trang phục thời phong kiến lại thoáng không kém hiện đại. Tình tiết trong phim xào nấu chỉ để tìm kiếm khán giả. Cục trưởng Cục Xuất bản truyền thanh Trung Quốc ái ngại nếu không rà soát chặt về nội dung sẽ có ngày "gian thần Tần Cối trở thành công thần trên màn ảnh".
Hai chữ 'xấu hổ' bao phủ Trung Quốc
Quá nhiều chiêu trò nhưng thành công của điện ảnh Trung Quốc lại hiếm hoi. Thống kê từ doanh thu phòng vé ở lĩnh vực điện ảnh cho thấy năm 2016, quốc gia này thu về khoảng 44 tỷ NDT, con số khiêm tốn so với kỳ vọng 60 tỷ NDT.
Mảng truyền hình, tỷ lệ người xem giảm trông thấy so với các năm trước đó. Những phim dài tập ra mắt đạt trên 1,5% lượng người xem đã được đánh giá là thành công.
"Nếu để bình luận về phim ảnh Trung Quốc một cách đơn giản nhất, đó là hai chữ xấu hổ. Nhiều người làm phim cảm thấy xấu hổ, cơ quan văn hóa đứng ngồi không yên", Nhân Dân nhật báo chỉ trích.
Nhà phê bình phim Hàn Hạo Nguyệt lắc đầu: "Có khó không để nhận ra chúng ta đang chưa ở giai đoạn nát nhất, mà là ngày càng nát. Các tác phẩm sau tệ hơn tác phẩm trước".
Nhận xét này không hề mang tính suy diễn. Đơn giản như vào năm 2016, dân mạng và giới phê bình buông lời chê bai siêu phẩm Trường Thành của Trương Nghệ Mưu là "rác thải phim ảnh". Nào ngờ, sau đó, Người lái đò lại thế chỗ, được đánh giá "nhân tài mới vượt qua Trường Thành".
Đại thoại Tây du 3, Tước tích, Diệp Vấn 3, Macau Phong vân 3 lọt Top phim ăn khách nhưng bị chê bai không có giá trị nội dung. Người xem cảm thấy khó khăn khi phải lựa chọn đủ 10 phim hay trong năm. Nhưng họ dễ dàng liệt kê hàng loạt phim bị đánh giá thảm họa.
Ngô Kinh cũng từng tán đồng về sự xuống dốc của điện ảnh Trung Hoa. Anh tự thấy Chiến lang 2 chỉ như que diêm được châm lửa giữa rừng củi "khát phim chất lượng".
"Phim xứng đáng gọi là phim ảnh tại Trung Quốc vẫn còn nhưng lại hiếm hoi như đãi cát tìm vàng. Chúng tôi đều hy vọng sau này sẽ không lặp lại lời phê bình đáng tiếc như thế này", Hàn Hạo Nguyệt trăn trở.
Theo Zing