Theo tờ The Sun, đây là nhận định của ông Minna Alander, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Phần Lan.
"Không phải tất cả các đồng minh NATO đều có năng lực cần thiết, và có thể hoạt động trong môi trường cũng như khí hậu Bắc Cực", ông Alander nói.
Ông Oscar Rosengren tại công ty tình báo tư nhân Grey Dynamics ở Anh cũng nhấn mạnh tới những điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực, nơi nhiệt độ đóng băng.
"Binh lính thông thường không được đào tạo đầy đủ. Sự cẩu thả như vậy sẽ dẫn đến hậu quả chết người", ông Rosengren cho hay.
Trên thực tế, những lo ngại trên không ngăn được NATO tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở các quốc gia phía bắc như Phần Lan, và đe dọa biên giới Bắc Cực của Nga.
Trong một động thái nhằm chuẩn bị cho kịch bản đối đầu quân sự với Nga, vào tháng 12/2024, Na Uy thông báo sẽ thành lập một trung tâm tác chiến đổ bộ mới của NATO để huấn luyện cho thủy quân lục chiến Mỹ, Anh, và Hà Lan.
Theo hãng tin RT, Bộ Quốc phòng Na Uy cho biết trung tâm mới sẽ được thành lập tại Sorreisa ở khu vực Bắc Cực, phía bắc Na Uy và cách cảng chiến lược Murmansk của Nga khoảng vài trăm km. Murmansk là căn cứ quân sự và hải quân quan trọng của Nga. Cơ sở mới sẽ là nơi hoạt động của hàng trăm binh sĩ, và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2026.
Trước đó, vào tháng 9/2024, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã cảnh báo Moscow sẽ ngăn chặn tham vọng bành trướng của NATO trong khu vực.
"Chúng tôi nhận thấy NATO đang đẩy mạnh tập trận liên quan đến các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra ở Bắc Cực. Nga đang chuẩn bị đầy đủ để bảo vệ các lợi ích về mặt quân sự, chính trị, và kỹ thuật quân sự", ông Lavrov nói.
Bắc Cực trở thành điểm nóng địa chính trị trong những năm gần đây, khi cả NATO và Nga đều đẩy mạnh hoạt động quân sự tại khu vực này. Lý do là Bắc Cực có nhiều nguồn tài nguyên chưa được khai thác, và nắm giữ vị trí chiến lược.