Tiềm năng thị trường trong nước

Theo Bộ trưởng, bài học từ tiêu thụ nông sản thời gian qua cho thấy có lúc chúng ta mải "chinh phục" thị trường nước ngoài mà “bỏ quên” thị trường nội địa.

Khi Bộ Công Thương có chủ trương “xoay trục’ trong việc tiêu thụ nông sản tới vụ của các địa phương bằng việc nâng năng lực tiêu thụ nội địa thông qua chính quyền địa phương, quản lý thị trường, thì năng lực tiêu thụ qua các chợ truyền thống, thông qua các siêu thị trên phạm vi toàn quốc là rất tốt, nâng năng lực tiêu thụ nội địa gấp hai lần so với mọi năm.

Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa, đảm bảo hàng hóa cho tiêu dùng của người dân, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nội địa các sản phẩm nông sản đã đến mùa thu hoạch.

{keywords}
Đẩy mạnh tiêu thị trong nước 

Trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, Bộ Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Đồng thời tiếp tục bám sát, hướng dẫn địa phương để có phương án hỗ trợ kịp thời, hạn chế tồn ứ nông sản, đảm bảo lưu thông thông suốt, nông sản không bị ách tắc do khâu lưu thông.

Theo đó, Bộ tiếp tục tiếp nhận thông tin và phối hợp với các địa phương, các đơn vị chức năng có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp… trong việc vận chuyển lưu thông hàng hoá (đặc biệt là nông sản) tại các địa bàn bị phong toả và có dịch. Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết và tổ chức hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch. Tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến với các sàn giao dịch ở nước ngoài để tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, nông dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 393,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,27%.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 1.670,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,1% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm ước tính đạt 196,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng mức và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tận dụng thế mạnh

Để thúc đẩy thị trường nội địa phát triển và tận dụng thế mạnh của thị trường 100 triệu dân, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Đề án đã đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ chính cần thực hiện: thông tin truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Mục tiêu tổng quát trong giai đoạn năm 2021 đến năm 2025 của Đề án là phát triển thị trường trong nước nhằm mục đích góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung lực đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi:  “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào chương trình hành động hàng năm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.

Theo Đề án, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động theo các nội dung của Đề án.

Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách thực hiện các chương trình triển khai các giải pháp thuộc Đề án. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hội, hiệp hội ngành hàng, ngành nghề, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam, tổ chức xúc tiến thương mại và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án này.

Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Đề án này; có sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh, mục tiêu nhiệm vụ trong trường hợp cần thiết.

Bài và ảnh: Khánh Hòa