Bước qua bóng tối

Cách đây nhiều năm, Trần Út Em, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng từng nghe lời rủ rê của các đối tượng xấu mà sa ngã. Sau khi chấp hành xong án phạt, anh được địa phương quan tâm, động viên để làm lại cuộc đời. 

Ngôi nhà của Út Em nằm bên con mương với những hàng cây xanh mướt chạy dài. Dưới hiên nhà, tiếng con trẻ hát hò, cười vui rộn ràng vang khắp một khoảng trời. Thấy đoàn đến thăm, chị Lý Thị Mừng, vợ anh Út Em hồ hởi ra đón. 

Thiếu tá Thạch Quốc Thi, Trưởng công an xã Lịch Hội Thượng thông tin, hoàn cảnh sa ngã của anh Út Em khá đặc biệt. Thời điểm đó, anh trai của anh bị bệnh nặng, cần truyền máu. Kinh phí điều trị cho anh trai tốn kém, mỗi ngày khoảng 2 triệu đồng. Nhà cửa, đất đai thậm chí cả chiếc xe máy của anh Út Em cũng bán hết để chạy chữa cho anh trai.

Thượng tá Thạch Quốc Thi gặp gỡ anh Út Em để tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đàng, Nhà nước.

Trong cơn túng quẫn, không biết xoay sở đâu ra tiền để anh trai có cơ hội điều trị tiếp, anh Út Em bị một số kẻ xấu rủ rê đi trộm cắp tài sản. Ban đầu anh từ chối nhưng nhìn anh trai từng ngày héo mòn trên giường bệnh, anh đã để đôi tay “nhúng chàm”…

Tuy nhiên, ngay lần đầu tham gia thực hiện hành vi trộm cắp, Út Em và đồng bọn bị phát hiện. Anh sợ hãi bỏ chạy, còn đồng bọn quay lại chống trả và quyết tâm cướp tài sản.

Vụ án được công an triệt phá, bản thân Út Em nhận thức được hành vi của mình nên tự ra đầu thú. Khi tòa án xét xử, nhờ tự thú nên anh được khoan hồng, chỉ bị tuyên án 3 năm. 

Anh Út Em tâm sự, nỗi nhớ gia đình quay quắt cùng khao khát được tự do, được trở lại làm người lương thiện khiến anh càng thêm hối tiếc, thấm thía hậu quả từ hành vi bồng bột mình đã gây ra. Chính nỗi nhớ gia đình là động lực để anh yên tâm cải tạo. Thời gian trong trại giam, do chấp hành tốt nên anh được giảm án và ra trước thời hạn. 

Trở về địa phương, thời gian đầu anh không tránh khỏi sự mặc cảm. Anh thừa nhận, đó là quãng thời gian thực sự khó khăn với bản thân và gia đình mình. Thế nhưng, nhờ sự động viên chia sẻ của người thân, sự quan tâm của xóm giềng, đặc biệt là sự giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, anh gạt đi những lời thị phi, tu chí làm ăn, khôi phục kinh tế gia đình. 

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Công an xã Lịch Hội Thượng, anh Út Em được tạo điều kiện trong làm các thủ tục như cấp đổi giấy chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu và các hồ sơ khác phục vụ cho xin việc, làm ăn…

“Thời gian qua, Út Em chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tham gia vào các công tác thôn, xóm. Các trường hợp sau khi chấp hành án phạt trở về thường chịu sự kỳ thị của mọi người. Họ mặc cảm, có thể bỏ đi nơi khác sinh sống. Nếu địa phương không quan tâm giúp đỡ thì con đường làm lại cuộc đời của các đối tượng này rất gập ghềnh, có thể còn bị kẻ xấu lôi kéo, quay lại đường cũ. Vì vậy, chúng tôi hết sức quan tâm, thường xuống động viên, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức cho họ”, Thiếu tá Thạch Quốc Thi cho hay.

Hiện tại, hai vợ chồng Út Em đi làm thuê tại một đầm tôm, được chủ bao ăn ngày 3 bữa, tổng thu nhập một tháng khoảng 8 triệu đồng. Do chịu khó, chăm sóc tôm theo quy trình kỹ thuật nên đầm tôm vợ chồng anh trông có sản lượng lớn, tôm phát triển nhanh. Sau mỗi vụ thu hoạch, chủ đầm còn thưởng thêm cho 2 vợ chồng vài chục triệu đồng. 

Kinh tế gia đình anh hiện khá ổn định, các con có điều kiện ăn học. Hai vợ chồng anh tiết kiệm, gom góp được 200 triệu đồng xây ngôi nhà kiên cố tránh mưa nắng.

“Trải qua những năm tháng lầm lỡ, tôi thấm thía rất nhiều. Giờ chỉ mong có nhiều sức khỏe, nỗ lực làm ăn cho các con học hành đầy đủ. Dù nghèo tôi cũng động viên vợ không được để con thất học”, Út Em nói.

Tạo điểm tựa an sinh 

Năm 2012, do tuổi trẻ bồng bột khi xảy ra va chạm, xô xát, anh Huỳnh Văn Đức, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã phải trả giá bằng bản án 8 năm tù giam. Sau 6 năm 9 tháng, với tinh thần cải tạo tốt, chấp hành tốt các quy định, anh được trở về địa phương. 

Công an huyện Mỹ Xuyên cùng chính quyền, đoàn thể đến thăm hỏi gia đình anh Đức (áo kẻ).

Theo Trung tá Nguyễn Quốc Chí, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Mỹ Xuyên, Công an huyện rất quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng với những người vi phạm pháp luật. Thời gian qua, Công an huyện đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND huyện hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng chấp hành xong án phạt tù.

Thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời chia sẻ, động viên, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Các ngành chức năng cũng tăng cường tuyên truyền, vận động các công ty, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tiếp nhận những người từng có tiền án vào làm việc, giúp họ có công ăn việc làm ổn định, góp phần phòng ngừa tình trạng tái phạm tội.

Vì vậy, khi anh Đức trở về, thiếu vốn làm ăn, Công an huyện đã hướng dẫn anh viết đơn vay vốn lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện. Với số vốn 40 triệu đồng, anh đầu tư mua chiếc xe máy đi làm phụ hồ, một phần làm vốn cho vợ buôn cá trên chợ Mỹ Xuyên. Sau thời gian chịu khó làm ăn, hai vợ chồng anh đã trả hết số tiền vay. 

Từ những số tiền tích lũy được, thời gian tới anh Đức sẽ thực hiện những ý tưởng làm kinh tế, mở rộng buôn bán để nâng cao thu nhập cho gia đình. 

Sau tháng ngày lầm lỡ, anh Đức quay về nẻo thiện, sống an yên bên gia đình và trở thành công dân có ích. 

“Nhờ sự quan tâm của địa phương, tôi đã có nhiều thay đổi, gia đình khấm khá hơn. Tôi thấy bản thân mình phải cố gắng tu dưỡng, rèn luyện, trở thành người có ích cho cộng đồng”, anh Đức nói.

Anh Đức chia sẻ thêm, trong quá trình chấp hành án, từ tình yêu thương của gia đình, vợ con, anh dần nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống, nhận thấy ý nghĩa của tháng ngày bình yên. Vì vậy, ngày trở về với anh mang rất nhiều cảm xúc. Đó là ngày anh bước ra khỏi bóng tối về với nẻo thiện. 

Có thể thấy, với sự quan tâm, sẻ chia của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể tại các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng, những người từng lầm lỡ đã tìm được lối về để làm lại cuộc đời, lấy lại niềm tin vào cuộc sống, phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Đặc biệt, việc tạo điểm tựa an sinh, chăm lo đời sống cho những người lầm lỗi là chính sách đúng đắn, không chỉ tạo động lực để những trường hợp này vươn lên trong cuộc sống mà còn mang tính bền vững trong giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho người dân vào Đảng, Nhà nước. 

Võ Thu và nhóm PV, BTV