Hà Nội công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên năm 2024
Những giờ qua, trên mạng xã hội, nhiều bậc cha mẹ đã chia sẻ kết quả điểm số của con em mình sau kỳ thi vừa qua. Có những phụ huynh vui mừng, phấn khởi, thậm chí vỡ òa vì con đạt được kết quả cao, nhưng cũng có những phụ huynh thất vọng vì con không đạt được điểm số như kỳ vọng.
Chị Thanh Hằng, một phụ huynh ở quận Cầu Giấy, chia sẻ, khá buồn bã khi biết điểm của con: "Con học khá môn Toán, nhưng kết quả thi lại thấp hơn so năng lực. Sau khi, khi ngồi đối chiếu đáp án, tôi thấy con sai khá nhiều. Có thể cũng vì tâm lý lo lắng, con đã chọn sai đáp án".
Chị M.A, một phụ huynh khác, cũng tỏ ra thất vọng hơn: “Con gái tôi thi được tổng điểm xét tuyển là 32 điểm. Với tổng điểm này, khả năng rất cao, con sẽ không đạt được nguyện vọng vào trường THPT mong muốn. Từ khi biết điểm đến nay, cả nhà tôi đều buồn. Nhưng tôi hiểu, con là người buồn nhất và rất áp lực thời điểm này. Chúng tôi vẫn cố nói với con để hiểu rằng dù sao đây cũng chỉ là một kỳ thi và con vẫn còn nhiều cơ hội phía trước”.
Không ít bậc phụ huynh cũng đồng tình rằng điểm thi vào lớp 10 không quyết định tất cả. Kỳ thi vào 10 đã kết thúc, nhưng hành trình học tập của các con vẫn còn ở phía trước.
“Kết quả thi chỉ là "một lát cắt ngang" trên hành trình học tập của học sinh. Việc đỗ - trượt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kiến thức, kỹ năng, tâm lý, sự chuẩn bị... của học sinh vào thời điểm thi và ngay cả việc lựa chọn các nguyện vọng của con và gia đình” - Thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân, Giám đốc học thuật Trường Hanoi Adelaide School (Hà Nội), nói.
Ông Lân cho rằng, kỳ thi vào lớp 10 là một kỳ thi đúng nghĩa, đã hoàn thành nhiệm vụ phân loại học sinh, giúp các trường tuyển chọn được những học sinh có năng lực phù hợp. ‘Vấp ngã’ có thể sẽ giúp con rút ra kinh nghiệm, có thêm động lực để học tập tốt hơn trong 3 năm THPT và cả sự chuẩn bị cho kỳ thi tại các bậc học cao hơn.
“Điều quan trọng hơn cả việc đỗ - trượt là việc học sinh được học-tập trong môi trường phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn trường học cho con. Thay vì chỉ quan tâm đến điểm số và thứ hạng, cha mẹ cũng nên tìm hiểu về chương trình đào tạo, phương pháp giáo dục, đội ngũ giáo viên... của các trường để lựa chọn mô hình và môi trường phù hợp nhất cho con phát triển”, ông Lân nói.
Theo ông Lân, các bậc phụ huynh cũng có thể tìm kiếm sự đồng hành cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục qua các buổi tư vấn tại trường. “Trường chúng tôi cũng có những buổi tư vấn như vậy. Từ đó, phụ huynh có thể lựa chọn những môi trường giúp con phát triển toàn diện năng lực, xây dựng đúng định hướng và lộ trình để con có khả năng phát huy cao nhất những năng lực, thế mạnh của bản thân”.
Từng chia sẻ với VietNamNet, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng, trước mỗi kỳ thi, học sinh và phụ huynh đều có những kỳ vọng. Đó đều là những kỳ vọng chính đáng, nhưng không phải lúc nào kết quả cũng được như mong đợi.
“Bản thân đứa trẻ khi thi trượt đã rất đau buồn. Lúc này, cha mẹ cần phải “kìm nén” những kỳ vọng để chia sẻ và đồng hành cùng con. Việc chọn một ngôi trường tư phù hợp cũng là bài toán quan trọng nhất lúc này. Phụ huynh cần động viên, tiếp thêm cho con ý chí, nghị lực để bước tiếp và nỗ lực về sau”.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, mọi sự chỉ trích, mắng mỏ trong thời điểm này đều không có tác dụng, thậm chí sẽ khiến đứa trẻ càng thêm tổn thương, phẫn uất, dẫn tới những hành động dại dột.
Ông cũng chia sẻ có nhiều trường hợp học sinh có sức học tốt, nhưng không đạt được nguyện vọng vào các trường top đầu. Song, “trong cái rủi lại có cái may”, khi học tại những ngôi trường top dưới, học sinh này nhờ lực học tốt, được thầy cô động viên, trở thành luôn dẫn đầu trong các kỳ thi của trường. Nhờ đó mà các em đã thuận lợi đỗ vào những trường đại học tốt trong nước.
Ngược lại, cũng không ít trường hợp học sinh đỗ vào những ngôi trường top đầu, nhưng vì chủ quan mình giỏi, cuối cùng lại không có ý chí phấn đấu và gặp thất bại về sau. “Do đó, điều quan trọng là các em cần phải rút kinh nghiệm. Trước thất bại, cần phải vững vàng để tiếp tục vươn lên”, ông Lâm nói.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng cho rằng sự buồn bã, lo âu và hoang mang khi học sinh trượt trường công lập là điều dễ thấy nhưng lúc này, bố mẹ cần hiểu rằng, trẻ cần nhận được sự động viên, chia sẻ kịp thời hơn là trách móc, dằn vặt.
Bởi chỉ tiêu tuyển sinh vào 10 công lập hàng năm gần như không thay đổi, với khoảng hơn 30.000 học sinh sẽ không được vào công lập. Không học sinh, gia đình nào muốn con em mình nằm trong số đó nhưng trong tình huống này, việc phụ huynh phải “dẹp thất vọng sang một bên” để bảo vệ con, chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối mặt là điều cần thiết, giúp trẻ bớt đi gánh nặng tâm lý, tiếp tục có động lực trong học tập.
“Ở lứa tuổi của các con, tâm sinh lý đang thay đổi, dễ có những lời nói hay hành vi mang tính tiêu cực nhất thời. Thực tế, những đứa trẻ bỏ nhà ra đi hay có ý nghĩ bản thân vô giá trị, muốn tự tử… hoàn toàn do chúng đang đổ lỗi về phía mình".
Thay vì trách mắng các con trong giai đoạn “nhạy cảm” này, bố mẹ nên là chỗ dựa tinh thần để trẻ cảm thấy tự tin mà bước tiếp. Đồng thời, cũng chủ động tìm kiếm các ngôi trường giúp con tự tin trưởng thành và phát huy tiềm năng mỗi ngày.