1a.jpg
Người dân tìm hiểu thông tin tại bộ phận hành chính một cửa quận Thanh Khê.

UBND quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng:

Đưa dịch vụ công trực tuyến mức 3 đến cấp phường

Trao đổi với chúng tôi về việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý hành chính, ông Đỗ Nguyên Ngọc, Phó Chánh văn phòng quận Thanh Khê cho biết: Năm 2003, tận dụng cơ sở hạ tầng của Đề án 112, UBND quận Thanh Khê đã triển khai xây dựng website để quản lý hồ sơ, công việc trong cơ quan, kết nối đến 10 phường bằng mạng riêng ảo (VPN). Việc cập nhật, lưu giữ văn bản đã thật sự phát huy hiệu quả, giúp cán bộ công chức có thể truy cập hồ sơ, tìm kiếm văn bản một cách thuận tiện.

Nhận thấy sự hiệu quả trong việc ứng dụng CNTT, năm 2005, UBND quận Thanh Khê đã đầu tư, nâng cấp website. Bên cạnh cung cấp thông tin về hoạt động của chính quyền, website còn là kênh hỏi-đáp, giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn cơ chế, chính sách cho người dân. Ông Ngọc cho rằng: Do không có tổ chức HĐND cấp quận, nên việc sử dụng kênh hỏi đáp qua website đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân. Nhiều nội dung thiết thực và hữu ích cho người dân được tích hợp trên website như: công khai các thủ tục hành chính, công khai hoạt động tổ chức đấu thầu…, đặc biệt là việc triển khai 2 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 gồm: quy hoạch trực tuyến và đăng ký kinh doanh trực tuyến. Đến nay, đã có 153 người dân và doanh nghiệp tham gia đăng ký trực tuyến qua website này.

Từ giữa năm 2009, UBND TP. Đà Nẵng đã ký quyết định phê duyệt dự án “Thí điểm tin học hoá hệ thống một của hiện đại” với tổng số vốn 1,097 tỷ đồng tại cơ quan hành chính quận Thanh Khê. Sau 7 tháng triển khai, tháng 6/2010, mô hình “hành chính công một cửa” UBND quận Thanh Khê đã chính thức khánh thành. Qua gần một năm đi vào sử dụng, dự án đã có nhiều hiệu quả, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn cho nhân dân được nâng cao: 85% trong lĩnh vực đất đai, 100% trong các lĩnh vực khác như đăng ký kinh doanh, chứng thực, hộ tịch... Nhờ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ hành chính công của UBND quận (kết quả khảo sát tại UBND quận đạt 100% ý kiến hài lòng). Hiện nay, bộ phận “một cửa” hiện đại đã tiếp nhận hồ sơ của người dân bao gồm các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh; Lao động - Thương binh và Xã hội; Chứng thực - Hộ tịch; Giáo dục - Đào tạo; Quản lý Hội; Đất đai và Quản lý xây dựng với trên 140 dịch vụ. Mới đây nhất, bộ phận hành chính một cửa quận Thanh Khê đã đưa thêm dịch vụ đăng ký hộ khẩu, tạo sự giản tiện cho người dân và cán bộ công chức (CBCC).

Ứng dụng CNTT cũng được quận triển khai hiệu quả xuống các phường như: xây dựng trang thông tin điện tử tích hợp nội dung khai sinh trực tuyến mức độ 3 tại phường Xuân Hà; triển khai văn phòng điện tử không giấy tại phường Vĩnh Trung… Hiện nay, 10/10 phường thuộc quận Thanh Khê được nối mạng riêng ảo phục vụ tốt cho công tác truy cập, khai thác hiệu quả thông tin.

Bài học thành công

Chia sẻ bài học thành công, ông Ngọc cho rằng: “Để phát huy hiệu quả việc ứng dụng CNTT, bên cạnh những yếu tố như kinh phí đầu tư, cơ sở vật chất còn đòi hỏi quyết tâm chính trị và sự đồng thuận của toàn thể bộ máy chính quyền và đội ngũ CBCC. Đó chính là cơ sở quan trọng để hình thành một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiện đại và phục vụ tốt cho nhân dân”.

Đội ngũ CBCC trước đây có thói quen làm việc trên bàn giấy, thời gian đầu ứng dụng CNTT, CBCC tỏ ra lúng túng và thờ ơ. Song, với quyết tâm của lãnh đạo quận với sự theo dõi sát và chỉ đạo kịp thời nên việc triển khai ứng dụng CNTT thuận lợi hơn. Để tạo “cú huých” cho CBCC, lãnh đạo quận đã quan tâm trong việc trích kinh phí cho các hoạt động CNTT… đồng thời động viên, đốc thúc việc ứng dụng CNTT trong quá trình làm việc. Khi thật sự đã “thấm” được hiệu quả của việc tin học hoá trong công tác hành chính, CBCC đã “ép ngược” lãnh đạo trong việc tin học hoá các quy trình làm việc. “Tuỳ theo kế hoạch, hằng năm, UBND quận đều trích chi phí đầu tư, mở rộng, nâng cấp các hoạt động CNTT từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Hệ thống trang thiết bị CNTT đều đảm bảo công nghệ hiện đại theo định hướng của thành phố để thuận lợi cho việc kết nối, liên thông sau này giữa các đơn vị trên toàn địa bàn”, ông Ngọc cho biết thêm.

Đến nay quận đã có 8 sever, 180 máy vi tính với tỷ lệ 1 CBCC/1 máy vi tính, CBCC tại quận còn được tham gia các khoá đào tạo nâng cao trình độ về CNTT theo các chương trình đào tạo của UBND TP. Đà Nẵng. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, năm 2011, quận Thanh Khê sẽ triển khai thành lập website tại phường Thanh Khê Đông và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hộ nghèo tại phường Vĩnh Trung; kết nối liên thông hệ thống một cửa của quận tới phường; triển khai văn phòng không giấy tại quận; quy hoạch toàn bộ hệ thống mạng lưới cũng như tăng cường bảo mật thông tin cho hệ thống dữ liệu của quận…

Hiệu quả từ mô hình hành chính một cửa hiện đại tại quận Thanh Khê đang được TP. Đà Nẵng tiếp tục nhân rộng tại các quận huyện khác. Đây là bước tạo đà để Đà Nẵng xây dựng chính quyền điện tử trong thời gian tới.

Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 50 ra ngày 27/4/2011