Bù Đăng là huyện miền núi phía bắc của tỉnh Bình Phước. Do đặc thù là thuần nông, những diễn biến phức tạp của thời tiết thời cùng việc các xã trên địa bàn huyện khá rộng và dân cư phân bố rải rác, việc phát triển KT-XH vùng nông thôn và đời sống nhân dân trong huyện vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), việc xây dựng xóm làng, quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng xác định việc thực hiện Chương trình là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Lần lượt các xã Minh Hưng, Đức Liễu, Phú Sơn của huyện đã về đích NTM. Không dừng lại ở đó, xã Minh Hưng và xã Đức Liễu hiện đang triển khai việc nâng cao chất lượng các tiêu chí của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí của Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trong việc thực hiện các tiêu chí, một điểm sáng dễ nhận thấy chính là sự chuyển biến tích cực của kết cấu hạ tầng nông thôn. Giao thông trong huyện khi xưa vốn chủ yếu là đường đất, dần được thay thế bằng đường nhựa, đường bê-tông sạch sẽ. 10 năm qua, huyện đã xây dựng được 447km đường giao thông nông thôn, trong đó, nhựa hóa 90km, sỏi phún 150km và bê-tông hóa 207km, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hằng năm, các xã trong huyện đều bố trí sửa chữa và nâng cấp các đập thủy lợi hiện có và tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng. Các phòng học, phòng chức năng, hội trường xã, nhà văn hóa thôn và nhiều điểm vui chơi, giải trí được đầu tư xây dựng. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn trên địa bàn 15 xã trung bình đạt 96,7%...
Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất được huyện hết sức quan tâm thực hiện. Đến nay, từ nguồn vốn xây dựng NTM, huyện hỗ trợ nhân dân phát triển nhiều mô hình sản xuất, như chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ sinh học, xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn bằng hầm bi-ô-ga, tưới tiết kiệm cho cây tiêu, sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác, nuôi dê thương phẩm và nuôi bò sinh sản... Huyện còn tổ chức 301 lớp tập huấn, với 9.800 lượt nông dân tham gia; 25 buổi hội thảo, với 700 nông dân tham gia về các nội dung: kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sử dụng phân bón trên các loại cây trồng; ngoài ra còn thực hiện các mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo đầu bờ để cho nông dân học tập, áp dụng…
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với 67 trường, 1.070 lớp học, cơ sở vật chất trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tiếp tục được duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, các chương trình y tế quốc gia được triển khai sâu rộng; hoạt động xã hội hóa y tế được người dân tham gia hưởng ứng tích cực.
Đến nay, toàn huyện có 15/15 trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn về tiêu chí y tế; tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân đạt 3,6. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đặc biệt quan tâm, số trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí đạt 100%. Công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm, triển khai đồng bộ. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều của huyện hiện chỉ còn 1.488 hộ, chiếm tỷ lệ 4,33%, giảm 1.489 hộ, tương ứng với giảm 4,91% hộ nghèo so với năm 2015…