- Trước hiện tượng đầu vào ngành sư phạm mất hấp dẫn, các ý kiến đều thống nhất rằng cần những giải pháp mạnh mẽ, kể cả tức thời lẫn lâu dài như đặt điểm sàn riêng, chế độ thu nhập thoả đáng cho người thầy. Bên cạnh đó là môi trường làm việc dân chủ... Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, không chỉ Bộ GD-ĐT mà các bên liên quan cũng cần phải “hành động thực sự”.

Cô Vũ Thị G., một giáo viên tiểu học ở Hải Phòng: "Lương thấp, trường tôi đã có 3 giáo viên trẻ bỏ vào làm ở các khu công nghiệp"

Giờ đây miễn giảm học phí không phải là điều quá hấp dẫn với người học. Khi chưa có chính sách giữ được người giỏi thì khó thu hút được người giỏi vào ngành.

Nếu đáp ứng ra trường có việc làm với mức lương tốt cho giáo viên, thì điểm chuẩn ngành sư phạm sẽ không thấp, chứ chưa cần đến điểm sàn riêng. Nếu lương thấp thì kể cả có giảm chỉ tiêu hay có điểm sàn riêng, thì ngành sư phạm cũng vẫn khó thu hút được người giỏi hay những thí sinh có điểm thi cao.

Ngay như trường tôi, đã có tới 3 giáo viên trẻ bỏ vào làm ở các khu công nghiệp sau một thời gian đi dạy vì cảm thấy lương thấp, áp lực công việc nhiều.

Ông Lê Xuân Sơn, Hiệu phó Trường THPT Chuyên ĐH Vinh: "Chỉ nên cắt giảm chỉ tiêu ở những trường không đạt chuẩn"

Đặt điểm sàn riêng cho các trường sư phạm, cắt giảm chỉ tiêu có thể xem là “những việc cần làm ngay”. Tuy nhiên, những giải pháp này mới chỉ dừng lại ở đầu vào đào tạo, chưa đủ để giúp sức hút của ngành sư phạm tăng lên.

Cần phải giải quyết được đầu ra là tỷ lệ có việc làm/thất nghiệp, song song với đó cần tính chế độ đãi ngộ, thu nhập hợp lý cho giáo viên.

TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam): "Bổ sung tiêu chí đầu vào để chọn sinh viên có khát vọng nghề nghiệp"

Cần bổ sung thêm tiêu chí đầu vào ngành sư phạm để tuyển được những sinh viên có khát vọng nghề nghiệp, có những năng lực đặc thù phù hợp như diễn đạt, tổ chức, điều khiển hoạt động,...

Cùng với đó, có cơ chế thu hút những người xuất sắc như chế độ riêng, đảm bảo việc làm để tạo nguồn nhân tài, dẫn dắt sự phát triển của ngành và cần ưu đãi cho vùng khó,…

Điều quan trọng là đảm bảo chuẩn đầu ra và khả năng thích nghi của giáo viên với điều kiện, nhu cầu thực tế xã hội.

TS Nguyễn Cam, Giảng viên môn Toán, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Cải thiện vị thế nghề giáo là việc mà ngành giáo dục phải làm

Trong một thời gian dài, Bộ GD-ĐT đã để mở tràn lan những ngành sư phạm tại các trường đa lĩnh vực, tạo ra một lượng giáo sinh kém chất lượng đang nằm luẩn quẩn trong xã hội.

Gốc rễ của vấn đề có tuyển được người giỏi vào sư phạm hay không là phải có thông tin dự báo và cơ sở dữ liệu nghiên cứu để đảm bảo đào tạo giáo sinh ra trường có việc làm.

Tiếp đó là vấn đề lương bổng và vị trí của nghề giáo trong xã hội.

Ngành giáo dục không tự giải quyết được vấn đề lương giáo viên mà những tổ chức xã hội có trách nhiệm cùng phải suy nghĩ.

Nhưng cải thiện vị thế của người thầy giáo trong xã hội thì chỉ có ngành giáo dục làm được.

Nghề giáo đòi hỏi sự sáng tạo, không bị gò bó bởi những chuyện như sổ sách, hội họp, thi đua hình thức. Giáo viên cũng phải có khoảng không để sáng tạo và được quyền quyết định.

Việc điều hành theo kiểu “bốc thuốc Bắc”, cầm tay chỉ việc bằng các quy định văn bản làm cho giáo viên không thể sáng tạo, và thậm chí đang lấy quyền dân chủ của họ…

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Quận 1 (TP.HCM): Vị thế và môi trường làm việc rất quan trọng

Thực tế ở trường tôi cho thấy, dù chất lượng tuyển sinh đầu vào sư phạm thấp thì chúng tôi vẫn tuyển được giáo viên giỏi về công tác. Điều này có nghĩa việc tuyển giáo viên giỏi đứng lớp không hoàn toàn phụ thuộc vào điểm số, chất lượng đầu vào ở các trường sư phạm nếu có một cách tuyển dụng khoa học và giải quyết vấn đề việc làm sau khi ra trường.

Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ chính sách giữ chân người giỏi như thế nào. Nếu chưa có chính sách giữ được người giỏi thì không nên có chính sách thu hút người giỏi.

Không có lý gì khi muốn một sinh viên vào trường phải giỏi, ra trường phải giỏi đi dạy phải giỏi mà không lo nổi cơm áo cho mình hay ra đến khi ra trường thì thất nghiệp.

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú Đống Đa (Hà Nội): “Giáo viên công lập xin ra ngoài là do khoảng cách quá xa về thu nhập”

Chính sách tiền lương là vấn đề chung của cả đội ngũ viên chức, cần có sự vào cuộc của Chính phủ và toàn thể xã hội.

Tôi hiểu ngân sách Nhà nước ngày càng hạn hẹp, khó khăn và phải đầu tư nhiều hạng mục khác, nhưng nên có những giải pháp tổng thể. Chẳng hạn tăng cường xã hội hóa giáo dục, tăng cường tự chủ trong nhà trường để giảm ngân sách nhà nước vừa tạo điều kiện cho các trường tích cực, năng động hơn trong việc cải thiện thu nhập.

Hiện nay xuất hiện tình trạng một số giáo viên đang là viên chức vẫn xin chuyển ra ngoài làm việc tại một trường ngoài công lập hoặc trường tự chủ tài chính. Nguyên nhân chủ yếu là do giữa 2 khu vực có khoảng cách quá xa về thu nhập.

Cần phải nghiên cứu cơ chế để các trường tích cực theo hướng tự chủ. Khi đó, ngân sách dư ra do các trường tự chủ sẽ đầu tư lại cho các trường vẫn được cấp ngân sách Nhà nước để giảm khoảng cách giữa 2 khu vực, tạo ra sự phát triển đồng đều trên diện rộng.

Bên cạnh tiền lương, môi trường làm việc của giáo viên cũng là vấn đề cần được cải thiện. Môi trường làm việc thuận lợi thì thầy cô mới tâm huyết và cống hiến, môi trường không tốt sẽ ảnh hưởng lớn tới thầy cô.

Để tạo ra môi trường tốt thì quan trọng nhất vẫn là ở những người lãnh đạo nhà trường. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng nên rà soát lại các chuẩn nghề nghiệp, tiêu chí đánh giá giáo viên sao cho đúng thực chất. Đây sẽ là động lực quan trọng để các thầy cô phấn đấu.

Nên giảm các tiêu chí mang tính định tính, tăng cường các tiêu chí mang tính định lượng để việc đánh giá trở nên minh bạch và khách quan hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hãy hành động thực sự

Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra xin việc rất khó. Chưa kể, ở nhiều trường phổ thong có nhiều người vào hợp đồng để “mai phục”, đợi nhiều năm vẫn chưa có biên chế để vào. Có thể nói, nguyên nhân cơ bản của hiện tượng tuyển sinh sư phạm mất hấp dẫn là do khó tìm việc.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi họp sáng 17/8 với Bộ GD-ĐT thống nhất về những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. Ảnh: Hạ Anh

Do chưa đánh giá được thật sát nhu cầu nhân lực trong ngành sư phạm nên có hiện tượng thừa thiếu cục bộ. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT phải đánh giá rất sát nhu cầu của từng cấp, từng môn; khảo sát lại số giáo viên nào có thể chuyển đổi trong hoặc ngoài hệ thống nhằm có cách đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi.

Điều đặc biệt quan trọng nữa là xác định mặt bằng sư phạm ở các trường địa phương, từ đó định hướng quy hoạch lại theo hướng cấp trường, phân bố các trường, đảm bảo không được thiếu.

Bộ GD-ĐT dứt khoát phải triển khai cơ chế "đặt hàng" đào tạo với các trường sư phạm trước. Tôi tin là sẽ được xã hội hiểu và gắn với chương trình giáo dục phổ thông sắp chuẩn bị ban hành đây. Nếu mình làm tốt việc đánh giá chất lượng từng trường, từng địa phương gắn với chỉ tiêu và cơ chế đặt hàng thì những bất cập như "điểm chuẩn đầu vào chạm đáy" và những thứ khác sẽ tự nhiên được giải quyết.

Thanh Hùng - Lê Huyền - Lê Văn