Cầm theo một đống giấy tờ với sổ khám bệnh trên tay, bà N.L (50 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chạy ngược xuôi giữa các khoa, phòng trong Bệnh viện Lê Văn Việt để chụp chiếu, xét nghiệm.
“Mỗi lần làm một xét nghiệm hay chụp phim, tôi phải ra quầy đóng tiền, cầm hóa đơn đến mới được làm. Nhận tờ giấy báo kết quả xong, tôi lại quay về bác sĩ khám ban đầu để kiểm tra, kê đơn thuốc. Đi hết phòng này đến phòng kia, tôi chỉ sợ rớt mất tờ giấy nào thì rất mệt”, bà L. chia sẻ.
Đó cũng là thực trạng chung của nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM, dù việc triển khai bệnh án điện tử đã được khởi động từ lâu.
Nơi e dè, chỗ chịu thiệt
BSCK2 Bùi Nguyễn Thành Long - Phó trưởng Phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM cho biết, đã có 44/55 bệnh viện tại thành phố xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử EMR (đạt 80%).
Tuy nhiên, chỉ có 4 đơn vị được Bộ Y tế thẩm định, trong đó 2 cơ sở đã công bố là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Nhi đồng thành phố. Có đến 51 bệnh viện chưa đủ điều kiện thẩm định bệnh án điện tử, chiếm tỷ lệ 92,7%.
Theo ông Long, khó khăn lớn nhất là nhân sự công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế chưa đáp ứng được nhu cầu về xây dựng và quản trị hệ thống, cũng như phát triển ứng dụng cho đơn vị. Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân sự còn nhiều hạn chế.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương triển khai bệnh án điện tử từ ngày 1/1/2024, nhưng chỉ mới thời gian ngắn áp dụng, nơi đây đã liên tục gặp khó khăn trong công tác vận hành và xử lý dữ liệu thông tin với các bên liên quan.
Bác sĩ Võ Đức Chiến - Giám đốc bệnh viện cho hay, khi triển khai đã mắc kẹt ở hệ thống PACS (chẩn đoán hình ảnh và lưu trữ trên hệ thống phần mềm), vì Bộ Y tế chưa có đơn giá thanh toán. Trong khi PACS là cốt lõi của bệnh án điện tử.
Điều này khiến những nơi chưa triển khai bệnh án điện tử thì e dè, còn các bệnh viện tiên phong thì thiệt thòi khi bảo hiểm xã hội không thanh toán các chi phí liên quan đến PACS.
Bên cạnh đó, bệnh án điện tử chưa được cơ quan công an, bảo hiểm xã hội coi là một hồ sơ pháp lý, nên khi cần các thủ tục hồ sơ, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vẫn phải làm bệnh án giấy, ký và đóng dấu.
Chi phí đầu tư lớn
Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó giám đốc Trung tâm thông tin y tế quốc gia, hệ thống bệnh án điện tử cần được triển khai trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp các hệ thống quản lý y tế như hồ sơ bệnh án, quản lý bệnh nhân, kê đơn thuốc, chữ ký số và phần mềm bổ trợ.
Bệnh án điện tử cũng được yêu cầu liên thông với các phần mềm như bảo hiểm y tế và có tính năng chia sẻ dữ liệu.
Trung bình mức đầu tư để một bệnh viện tuyến tỉnh (300-500 giường) triển khai bệnh án điện tử là từ 10 tỷ đồng trở lên. Với các bệnh viện hạng đặc biệt như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, số tiền này lớn hơn rất nhiều.
Do chi phí đầu tư lớn nên nhiều đơn vị đã lập đề án nhưng không có kinh phí, không triển khai đồng bộ mà chỉ làm từng phần.
Trước thực trạng này, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề xuất xây dựng một khung bệnh án điện tử dùng chung cho các bệnh viện. Từ khung này, mỗi đơn vị có thể tùy chỉnh dựa vào một số yếu tố đặc thù như quy mô, số giường bệnh… Điều này cũng đảm bảo sự liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế trong công tác khám chữa bệnh.