Mặc dù ô tô hiện đại có rất nhiều trang bị hỗ trợ việc xóa bỏ điểm mù, nhưng đây vẫn là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất, có thể gây nên tai nạn kinh hoàng.
Điểm mù ô tô là gì và nằm ở đâu?
Điểm mù là những vị trí xung quanh xe mà tài xế không thể quan sát, kể cả khi đã có sự hỗ trợ của gương chiếu hậu. Điểm mù chính là "gót chân Achilles" của ô tô. Sự phát triển của công nghệ đã giúp hạn chế đáng kể mối nguy từ điểm mù, nhưng không phải là hoàn toàn và không phải xe nào cũng được trang bị đầy đủ.
Trong một chiếc xe ô tô mui kín, tầm nhìn của tài xế bị chắn bởi cột kính chắn gió (cột A), gương cửa, gương chiếu hậu bên trong xe, và nhiều thứ khác.
Gương cửa được thiết kế để hỗ trợ tài xế quan sát hai bên xe, nhưng trớ trêu là nó cũng tạo nên điểm mù cho ô tô. Nhiều người vẫn hiểu nhầm rằng có gương cửa là quan sát được toàn bộ hai bên xe và phía sau. Thực tế không phải vậy. Chính việc không ý thức được rằng gương chiếu hậu cũng có những điểm mù đã dẫn tới tâm lý chủ quan, gây ra nhiều vụ tai nạn chết người.
Khi quay đầu xe hoặc chuyển làn, tài xế phải giảm tốc độ và cẩn thận quan sát hai bên xe, hoặc thậm chí là quay đầu sang để liếc nhanh bên hông xe.
Nhiều mẫu xe đời mới và đắt tiền được trang bị hệ thống phát hiện điểm mù, giúp giảm nguy cơ va chạm do điểm mù bằng cách phát tín hiệu cảnh báo cho tài xế nếu có chướng ngại vật nằm trong vùng tài xế không thể quan sát qua gương hay bằng mắt thường.
Đầu và đuôi xe là các vùng điểm mù lớn nhất của ô tô. Gương lắp ở phía sau cũng chỉ quan sát được một phần đuôi xe.
Bên cạnh sự hỗ trợ của camera và cảm biến, chỉ có sự cẩn trọng mới giúp được tài xế.
Làm thế nào để hạn chế mối nguy từ điểm mù?
Khi bạn lùi xe, ôm cua hay quay đầu xe, mối nguy từ điểm mù cao hơn so với lúc xe đi thẳng bình thường. Xe càng lớn thì điểm mù càng rộng. Do xe tải, xe đầu kéo hay xe container có kích thước rất lớn, nên hệ thống gương chiếu hậu không thể hỗ trợ người lái quan sát được toàn bộ tình trạng giao thông xung quanh xe. Cũng vì thế, lái xe càng to càng cần thận trọng hơn.
Để giảm thiểu rủi ro từ điểm mù, trước tiên cần ý thức được mối nguy hiểm chết người để phải cẩn thận quan sát xung quanh trước khi lên xe, đặc biệt chú ý tới các vùng điểm mù.
Ngoài ra, cần học cách chỉnh gương chiếu hậu sao cho vùng điểm mù ở mức nhỏ nhất có thể. Với các xe siêu trường, siêu trọng, tài xế nên lắp thêm gương ở đầu xe để hỗ trợ quan sát tốt hơn.
Những mối nguy khác
Sau vụ việc mẹ lái xe tông chết con trai 4 tuổi ở Thái Nguyên vừa qua, các bậc phụ huynh còn cần chú ý một số nguyên tắc an toàn khác khi đi cùng con nhỏ.
Thứ nhất là việc sử dụng dây đai an toàn và ghế dành riêng cho trẻ em. Đây là hai trang bị mà rất nhiều người cố tình bỏ qua vì cho rằng chỉ chạy xe trong phố thì không cần thiết. Tuy nhiên, đừng quên rằng ngay cả khi bạn lái xe chậm và cẩn thận thì vẫn có nguy cơ bị xe khác chạy ẩu đâm vào. Trong rất nhiều trường hợp tai nạn, việc được giữ chặt trên ghế ngồi đã cứu mạng người.
Thứ hai là đừng bao giờ để con nhỏ lại một mình trên xe, dù bạn chỉ xuống xe vài giây hay vài phút. Lý do là rất có thể xảy ra tình huống bất ngờ, bạn có thể "quên bẵng" là con vẫn ngồi trên xe. Việc dắt, bế theo con khi xuống xe cũng giúp loại bỏ nguy cơ con bị tai nạn hay bắt cóc lúc bạn không có trên xe.
Theo Dân trí
Mời bạn đọc chia sẻ video, thông tin tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Những tình huống con trẻ gặp nạn do bất cẩn của mẹ
Chỉ một phút bất cẩn của người lớn, nhất là các bà mẹ đã khiến con trẻ phải chịu nguy hiểm, thậm chí tử vong dưới gầm xe.