Theo Điều 60 Luật BHXH 2014, mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH. Như vậy, khi đã nhận BHXH một lần, nếu muốn được hưởng lương hưu thì thời gian đóng BHXH của người lao động buộc phải tính lại từ đầu, tối thiểu 20 năm.

bao hiem xa hoi thach thao 6.jpg
Luật BHXH 2024 khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH để hướng tới hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần. Ảnh minh hoạ: Chí Hiếu.

Tuy nhiên, theo Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, người lao động khi đủ tuổi hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng.

Như vậy, so với quy định hiện hành, từ 1/7/2025 người đủ tuổi về hưu có thời gian đóng BHXH 15 năm là được hưởng lương hưu, thay vì 20 năm như hiện nay.

Các chuyên gia lao động đánh giá, quy định này tạo cơ hội cho những người đã rút BHXH một lần có thể quay trở lại tham gia muộn (45 - 47 tuổi), hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng để hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.

Khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH

Việc người lao động rút BHXH một lần có nhiều hệ lụy, khiến mạng lưới an sinh khó có thể mở rộng nhanh. Hiện nay một số lao động nữ khi rút BHXH một lần có thể dễ nảy sinh tâm lý “ở nhà nội trợ chăm sóc gia đình”, làm tăng gánh nặng kinh tế. Bản thân người phụ nữ có thể đối mặt với nhiều căng thẳng, gây tác động tiêu cực đến xã hội.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong mọi trường hợp, việc hưởng BHXH một lần đều thiệt hơn so với bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu. Vì vậy, Luật BHXH 2024 đã bổ sung nhiều quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, thay vì nhận BHXH một lần.

Ngoài ra, do Luật BHXH hiện hành và luật mới đều không quy định việc người lao động đã rút BHXH một lần được trả lại, để bảo lưu thời gian đóng BHXH, nên người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định rút BHXH một lần.

Việc người lao động nhận BHXH một lần sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, không được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

Ông Cường nhấn mạnh, mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh mức hưởng sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống của người lao động.

Các chuyên gia lao động cũng đánh giá, việc để người lao động rút BHXH một lần sẽ không đảm bảo chính sách an sinh cho người lao động khi về già. Tuy nhiên, nhiều người do cuộc sống quá khó khăn, không biết trông chờ vào đâu nên nghĩ đến việc rút BHXH một lần.

“Luật BHXH không cấm người lao động rút BHXH một lần, nhưng để giúp người lao động tiếp tục ở lại hệ thống, đảm bảo chính sách an sinh thì Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn. Có như vậy người lao động mới yên tâm tìm việc làm mới, tiếp tục đóng BHXH cho đến khi về hưu", một chuyên gia lao động cho biết.

Theo BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, số người lao động hưởng BHXH một lần tiếp tục có xu hướng gia tăng. Cụ thể, có hơn 686.000 người hưởng các chế độ BHXH một lần, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Trong đó, có 595.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 3,7%; đa số là người lao động ngừng đóng BHXH sau 1 năm, chiếm khoảng 98%.

Theo thống kê, tình trạng hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng qua các năm. Giai đoạn 2016 - 2023, toàn quốc có khoảng 6 triệu lượt người lao động đã hưởng BHXH một lần. Số lượng năm sau cao hơn năm trước với tốc độ trung bình tăng khoảng 10,5%.

Theo đánh giá của cơ quan BHXH, người lao động rút BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước. Những người rút BHXH một lần chủ yếu ở độ tuổi từ 20 đến dưới 40 tuổi (chiếm 78%).