Sau khi nhận tội vi phạm luật chống rửa tiền của Mỹ, Triệu Trường Bằng (Changpeng Zhao hay còn được biết tới là CZ) chính thức gia nhập danh sách những ‘vị vua không ngai’ của thế giới tiền điện tử đã bị ‘ngã ngựa’ trong hai năm vừa qua.
Cùng tìm hiểu về những nhân vật nổi tiếng này.
Triệu Trường Bằng
Theo hồ sơ trên Bloomberg Billionaires Index, Triệu Trường Bằng sinh ra ở Trung Quốc vào năm 1977, sau đó cùng gia đình chuyển đến Canada vào những năm 1980 và lấy bằng khoa học máy tính tại Đại học McGill.
Triệu Trường Bằng thành lập Binance vào năm 2017 tại Thượng Hải (Trung Quốc) và dẫn dắt sự phát triển bùng nổ của công ty trở thành sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới.
Là một nhân vật nổi tiếng với quan điểm thẳng thắn trong thế giới tiền điện tử, với 8,7 triệu người theo dõi trên mạng xã hội X, Triệu Trường Bằng trở thành nhân vật giàu có nhất từng được biết đến trong ngành công nghiệp này.
Theo chỉ số của Forbes, giá trị tài sản ròng của Triệu Trường Bằng vào lúc đạt đỉnh điểm khoảng 65 tỷ USD (năm 2022).
Cùng với uy tín và sự giàu có, cũng giống như các công ty tiền điện tử nổi tiếng khác trên thế giới, hoạt động của Binance tất nhiên ngày càng bị giám sát chặt chẽ, bắt đầu phải đối mặt với làn sóng điều tra tội phạm.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Triệu Trường Bằng và Binance đã có nhiều hành vi vi phạm, bao gồm cả việc cố ý cho phép giao dịch với các nhóm chiến binh như Nhà nước Hồi giáo và tại các khu vực pháp lý bị cấm như Triều Tiên và Iran.
Ngày 21/11, Triệu Trường Bằng đã chấp nhận các cáo buộc. Theo tài liệu của tòa án, Binance đã đồng ý trả tổng số tiền phạt gần 4,4 tỷ USD, trong khi bản thân Triệu Trường Bằng sẽ phải trả 50 triệu USD.
Hiện nay, Triệu Trường Bằng đã chính thức từ chức Giám đốc điều hành của Binance. Mặc dù được phép giữ lại cổ phần của mình trong công ty, Triệu Trường Bằng bị cấm tham gia vào hoạt động kinh doanh của Binance.
Tính đến ngày 22/11, giá trị tài sản ròng của Triệu Trường Bằng là 10,2 tỷ USD theo số liệu ước tính của Forbes.
Sam Bankman-Fried
Nếu Triệu Trường Bằng là người giàu nhất và quyền lực nhất trong lĩnh vực tiền điện tử, thì Sam Bankman-Fried lại là người nổi tiếng nhất.
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ là các giáo sư của Đại học Stanford, Sam tốt nghiệp Đại học MIT với bằng vật lý. Năm 2019, Sam thành lập FTX - công ty đã tăng trưởng thần tốc, trở thành sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới.
Trong quá trình đó, Sam đã xây dựng hình ảnh của mình với tư cách là đại sứ không chính thức cho ngành công nghiệp tiền điện tử, thường xuất hiện nổi bật trên các phương tiện truyền thông và thậm chí cả trước Quốc hội Mỹ.
Theo Forbes, vào năm 2022, tài sản ròng của Sam có thời điểm trị giá tới 24 tỷ USD.
Tuy nhiên, Sam đã đi trên một lộ trình nguy hiểm - FTX sử dụng tiền của khách hàng để kinh doanh mọi thứ, từ mua bất động sản sang trọng cho đến che đậy những hoạt động rủi ro của quỹ phòng hộ tiền điện tử Alameda Research.
Mọi chuyện sụp đổ khi những thông tin này bị tiết lộ trên các phương tiện truyền thông vào tháng 11/2022. Trong vòng vài giờ, Binance tuyên bố sẽ bán tất cả các token FTX mà mình nắm giữ.
Điều đó đã gây ra sự sụp đổ mang tính thảm họa cho đế chế tiền điện tử FTX và bản thân Sam Bankman-Fried, khiến danh tiếng giờ đây chuyển thành tai tiếng.
Sam bị bắt ở Bahamas vào tháng 01/2023, sau đó vừa bị kết tội vì đã thực hiện ‘một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ’.
Sam phải đối mặt với án tù lên tới 110 năm. Trong phiên tòa xét xử, Sam thừa nhận đã phạm ‘sai lầm’, nhưng luôn phủ nhận việc cố gắng lừa gạt bất kỳ ai.
Do Kwon
Là công dân Hàn Quốc, Do Kwon đồng sáng lập Terraform Labs vào năm 2018, phát triển các mã tiền điện tử TerraUSD và Luna. Báo chí Hàn Quốc từng mô tả Do Kwon là một ‘thiên tài’.
Tốt nghiệp đại học Stanford (Mỹ), Do Kwon đã tiếp thị thành công các mã tiền điện tử của mình như một sản phẩm lớn tiếp theo trong lĩnh vực này, thu hút hàng tỷ USD đầu tư và được cường điệu trên phạm vi toàn cầu.
Vào tháng 5/2022, giá trị của những mã tiền điện tử này – được tiếp thị dưới dạng ‘stablecoin’ – đã đột ngột giảm mạnh, xóa sạch khoảng 40 tỷ USD vốn đầu tư và gây ra một làn sóng chấn động đối với giới kinh doanh tiền điện tử.
Dữ liệu ngành cho thấy vụ việc đã gây ra tổn thất hơn 500 tỷ USD trên thị trường tiền điện tử toàn cầu. Các chuyên gia cho biết Do Kwon đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh theo mô hình Ponzi nổi tiếng.
Sau những phát ngôn phản cảm công khai trên mạng xã hội, Do Kwon rời Hàn Quốc trước khi ‘cơn sóng thần’ ập đến và cố gắng bỏ trốn suốt nhiều tháng trời.
Cuối cùng, Do Kwon bị bắt giữ ở Montenegro sau khi bị phát hiện đang cố sử dụng giấy thông hành giả của Costa Rica để di chuyển bằng máy bay. Do Kwon dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự ở cả Mỹ và Hàn Quốc.
(theo Digitaljournal)