Hôm 23/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, đặc biệt là giúp phát triển năng lực trên biển.
Theo cách hiểu thông thường, những vũ khí như súng hơi cay, lựu đạn choáng, đạn cao su... được xếp vào dạng vũ khí phi sát thương, còn tất cả loại vũ khí khác như súng đạn, xe tăng, máy bay chiến đấu, tên lửa, tàu chiến... sẽ được xếp vào dạng vũ khí sát thương.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. (Ảnh: RT) |
Trong vũ khí sát thương, người ta lại chia thành 2 loại, bao gồm vũ khí tấn công và vũ khí phòng thủ. Các loại vũ khí phòng thủ biển của Mỹ thường được đánh giá cao, như máy bay trinh sát săn ngầm P-3 Orion (không mang vũ khí), các hệ thống radar Raytheon...
Máy bay trinh sát săn ngầm P-3 Orion
Theo ông Jon Grevatt, chuyên gia của tờ IHS Jane’sGrevatt, P-3 Orion và hệ thống radar Raytheon đều là “những vũ khí phòng thủ tốt nhất trên thế giới”. P-3 Orion là loại máy bay 4 động cơ cánh quạt được hãng Lockheed Martin chế tạo cho hải quân Mỹ từ những năm 1960, với chức năng chính là trinh sát biển và săn ngầm hiệu quả.
P-3 Orion có chiều dài 35,6m, cao 10,3m với sải cánh 30,4m, khối lượng cất cánh tối đa 63,45 tấn, sử dụng 4 động cơ cánh quạt T56-A-14 công suất 4.600 mã lực. Tốc độ tối đa của máy bay là 760 km/giờ, tầm hoạt động tới 4.400km khi tuần tiễu ở tốc độ 600 km/giờ và có thể hoạt động liên tục trên không 16 tiếng.
P-3 Orion được mệnh danh là sát thủ săn ngầm, có trang bị thiết bị dò tìm biến dị từ trường (MAD) gắn ở sau đuôi (để tìm kiếm tàu ngầm). Máy bay này còn có hệ thống cảm biến âm thanh hiện đại, có thể bắt được âm thanh tàu ngầm phát ra từ độ sâu hơn 300m dưới mực nước biển.
Mạng Phượng Hoàng nhận xét, nếu có P-3 Orion, hải quân sẽ phát huy tiềm lực của tàu ngầm Kilo và những loại tên lửa khác của các tàu mặt nước bị giới hạn. P-3 Orion có thể giúp tăng "đường ngắm" và bán kính chiến đấu của hải quân lên hơn 2.500km.
Tùy theo các nhiệm vụ (trên bộ hay trên biển) mà P-3 Orion có thể mang theo các loại vũ khí khác nhau, chẳng hạn như tên lửa chống hạm AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, tên lửa đối đất AGM-65F Maverick, ngư lôi Mk-46, Mk-50, Mk-54, hoặc bom hạt nhân B57.
Một số chuyên gia quân sự nước ngoài cho rằng, ngoài P-3 Orion, loại máy bay P-8 Poseidon của hãng Boeing cũng được xem là một chọn lựa tốt cho việc phòng thủ biển.
Hệ thống radar của Raytheon
Hệ thống radar tối tân là điểm cốt yếu cho các lá chắn tên lửa uy lực của Mỹ. Trong lĩnh vực này, hãng Raytheon là một tên tuổi lớn, sản xuất những hệ thống radar hiệu quả nhất công nghiệp quốc phòng thế giới.
Chẳng hạn, radar di động AN/TPY-2 do Raytheon chế tạo, có kích thước chỉ bằng một xe buýt, nhưng có thể bao quát các khu vực rộng bằng toàn bộ diện tích nhiều quốc gia.
Theo Tạp chí Jane's Defence Weekly, hãng Raytheon đang trong quá trình thử nghiệm radar thế hệ mới dành cho hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 MSE. Phiên bản hệ thống radar trên sẽ khắc phục một số thiếu sót về mặt thiết kế của radar thế hệ cũ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Raytheon sẽ áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào mẫu radar trên, nhằm cạnh tranh lại các đối thủ khác cùng tham gia gói đầu thầu của quân đội Mỹ.
Máy bay vận tải C-130 Hercules
Lockheed C-130 Hercules là một máy bay vận tải bốn động cơ tuốc bin cánh quạt Allison T56-A- 15 với công suất 4.591 mã lực, dài 29,3m, cao 11,9m, sải cánh 39,7m, tốc độ bay 366 km/giờ.
Máy bay đáp ứng được nhiều vai trò, gồm máy bay vũ trang hạng nặng, tấn công trên không, tìm kiếm và cứu hộ, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thời tiết, tiếp dầu trên không và máy bay cứu hoả... do thân máy bay có thể thay đổi.
Máy bay C-130 Hercules có thể chứa nhiều loại hàng hóa quá khổ, bao gồm cả hàng có giá kê và ban nhân sự quân đội. Đây là loại máy bay không vận chiến lược của nhiều lực lượng quân sự trên thế giới, có thể bay trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả trong gió bão các cấp.
Tàu tuần tra cao tốc
Hãng Metal Shark ở bang Louisiana nổi tiếng với việc chế tạo những loại tàu tuần tra cao tốc dùng cho cảnh sát biển. Trang web của công ty này cho biết, hãng hiện đang có sản phẩm tàu tuần tra lớp Defian gồm 3 phiên bản.
Tất cả các biến thể của tàu tuần tra Defiant đều làm bằng hợp kim nhôm, tích hợp nhiều trang thiết bị hiện đại như radar băng X, hệ thống lái tự động, hệ thống định vị toàn cầu, hệ thống nhận diện tự động, la bàn từ tính, la bàn hồi chuyển...
Mới đây, tờ Workboat cho biết, Metal Shark đang khẩn trương chế tạo 30 chiếc tàu tuần tra cao tốc loại 45 feet (13,7 m) cho Cảnh sát biển Việt Nam. Tàu Metal Shark này có chiều dài 45 feet (13,7m), chiều ngang 15 feet (4,6m).
Tốc độ của tàu đạt 40 knot - tức 74 km/giờ. Loại tàu này có thể dùng cho mục đích tuần tra bảo vệ cảng, sông nước, chữa cháy, bảo vệ bờ biển, thực thi pháp luật trên biển.
Loại 45 feet đóng cho Việt Nam được dùng vào mục đích tuần tra quân sự, có giá để gắn súng phía trước mũi. Tàu có thiết bị thông tin liên lạc hiện đại. Hầm tàu bố trí chỗ ăn ở, bếp (lò viba, bồn rửa, máy nước nóng), toilet, phục vụ khoảng 6 người.
Lê Thu
Obama sắp tiết lộ bí mật quan trọng?
Nhà vận động hành lang có tiếng ở Mỹ Steve Bassett cho hay, trước khi kết thúc nhiệm kỳ cuối, ông Obama sẽ có một tiết lộ chấn động.
5 'đại gia' Mỹ đắc lợi từ chuyến công du của Obama
Chuyến công du của ông Obama bật tín hiệu tới các nhà đầu tư Mỹ rằng, Việt Nam đang mở cửa để kinh doanh mà dòng vốn sẽ tăng cường từ các nhà đầu tư tư nhân.
Báo Mỹ khuyên Obama thăm những nơi nào ở VN?
Tổng thống Barack Obama đang ở thăm Việt Nam, chặng đầu trong chuyến công du kéo dài một tuần của ông tới châu Á. Báo NY Times gợi ý 5 địa điểm mà Obama nên đi thăm.