Tội phạm mạng có thể được định nghĩa là bất kỳ hoạt động tội phạm nào liên quan đến những thiết bị nối mạng (máy tính, điện thoại thông minh...) hoặc chính hệ thống mạng. Trong khái niệm tội phạm mạng, một thiết bị điện toán vừa có thể là mục tiêu của tội phạm, vừa có thể được sử dụng làm công cụ để thực hiện hành vi phạm tội. Còn theo quy định tại Bộ luật Hình sự Việt Nam thì tội phạm mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện hành vi phạm tội.

{keywords}
Tội phạm mạng thường sử dụng mã độc (phần mềm độc hại) và các mánh khóe cùng nhiều phương thức khác nhau nhằm khai thác lỗ hổng bảo mật và gây thiệt hại cho chủ thể. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo đó, bằng cách lợi dụng hoặc sử dụng công nghệ máy tính theo hướng sai trái, tội phạm mạng sẽ truy cập dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người dùng (dữ liệu thẻ thanh toán, thông tin đăng nhập...), bí mật thương mại của các công ty, cơ quan nhà nước, thông tin có giá trị… hoặc sử dụng Internet cho bất kỳ mục đích độc hại nào khác. Những tên tội phạm mạng thường sử dụng mã độc (phần mềm độc hại) và các mánh khóe cùng nhiều phương thức khác nhau nhằm khai thác lỗ hổng bảo mật và gây thiệt hại cho chủ thể. Các hành vi cấu thành nên định nghĩa tội phạm mạng có thể kể đến như tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Trong năm 2020, Bộ Công an đã phát hiện 2.600 cổng thông tin, tên miền “.vn” bị tấn công. Hoạt động giả mạo các cổng thông tin của Nhà nước, Bộ Công an để đánh cắp dữ liệu, lừa đảo tài sản diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của công an. Nhiều trang mạng, blog, fanpage, tài khoản Facebook đã liên tục đăng tải các thông tin, bài viết có nội dung xấu độc, xuyên tạc liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19. Riêng quý 3/2020, có hơn 1.900 bài viết, thông tin, video có nội dung xấu độc, xuyên tạc về số người nhiễm bệnh, tử vong gây hoang mang dư luận. Kẻ xấu đã tạo ứng dụng kêu gọi sự tham gia, giúp đỡ, ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn để lấy cắp thông tin cá nhân vào mục đích rút tiền, chuyển khoản.

Đối với loại hình tội phạm trên không gian mạng, Bộ Công an ghi nhận sự xuất hiện của các đường dây mua bán vũ khí, vât liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ma tuý, chất gây nghiện, giấy tờ, bằng cấp giả. Ngoài ra, còn có việc truyền bá, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy qua phương thức lập hội nhóm kín trên Zalo, Facebook, Twitter,…

Số lượng tội phạm mạng trong lĩnh vực thanh toán điện tử, tài chính, ngân hàng tiếp tục gia tăng. Phương thức chủ yếu là sử dụng lợi ích từ các chương trình tri ân, khuyến mãi để gửi tin nhắn chứa link giả mạo. Ngoài ra, chúng còn dùng SIM rác giả mạo nhân viên ngân hàng, báo lỗi và yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu, mã OTP...

Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đưa ra khuyến cáo cho khách hàng trước các thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin. Theo đó, một số vụ lừa đảo đã xảy ra thông qua các website, trang điện tử giả mạo lợi dụng uy tín, thương hiệu của Agribank để chiếm đoạt thông tin về tài khoản cá nhân tại ngân hàng, ứng dụng ngân hàng điện tử, mã mật khẩu xác thực một lần (OTP)… Trước đó, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng cảnh báo về tình trạng tội phạm trong giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến hoạt động ngày càng tinh vi như: Giả danh cán bộ ngân hàng thông báo với khách hàng về các khoản tiền chuyển đến tài khoản khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin số thẻ, cùng mã OTP để vào tài khoản, lợi dụng thông tin được cung cấp mua sắm hàng hóa, dịch vụ qua mạng Internet, chuyển đổi thành tiền mặt như thẻ games trực tuyến…

Ngoài ra, đã xuất hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật về buôn lậu, trốn thuế, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, gian lận hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. Sau khi rà soát 750.000 gian hàng và gần 3 triệu sản phẩm trên 8 sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Sendo, Tiki, Chodientu, Lazada… Bộ Công an đã xử lý, gỡ bỏ gần 8.900 gian hàng cùng khoảng 23.000 sản phẩm vi phạm.

Hoạt động thanh toán xuyên biên giới chưa được kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ về loại hình tội phạm trốn thuế, rửa tiền. Cần lưu ý về sự biến tướng của hoạt động kinh doanh đa cấp qua mạng dưới dạng các mặt hàng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc hay kêu gọi đầu tư, kinh doanh tiền ảo.

Cũng theo số liệu của Trung tâm giám sát và phản ứng trên không gian mạng (Công ty An ninh mạng Viettel - VCS), tính đến hết tháng 8/2020, đơn vị này đã phát hiện hơn 3 triệu cảnh báo tấn công mạng vào các hệ thống tài chính, ngân hàng, mạng CNTT một số tỉnh thành trên cả nước. Đáng lưu ý là những hệ thống tài chính, ngân hàng chiếm 90% số lượng cảnh báo. Trong khi đó cảnh báo đến từ hệ thống CNTT các tỉnh thành chỉ chiếm tỷ lệ 10%.

Theo đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ, các cuộc tấn công mạng diễn ra liên tục, hình thức tinh vi và quy mô đa dạng gây thiệt hại khoảng 400 tỷ USD mỗi năm. Đối với tình hình an ninh mạng trong nước, số lượng cuộc tấn công mạng vào các cơ quan Chính phủ, Nhà nước liên tục tăng với nhiều hình thức như tấn công APT, tấn công khai thác lỗ hổng; tấn công từ chối dịch vụ. Dẫn chứng số liệu thống kê của Kasspersky, Việt Nam nằm trong số các quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong các năm gần đây 2018, 2019, 2020. Việt Nam là quốc gia đứng số 4/10 những nước có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc qua mạng và 1/10 các quốc gia bị lây nhiễm mã độc từ sử dụng các thiết bị Flash Disk, thiết bị lưu trữ rời.

Đ.P

 

Gần 4.200 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam được hỗ trợ xử lý trong 10 tháng

Gần 4.200 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam được hỗ trợ xử lý trong 10 tháng

Trong 10 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 4.161 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.