Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025, phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện giai đoạn 2025-2030 là giữ ổn định thi trên giấy đồng thời từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện.
Giai đoạn sau 2030, phấn đấu khi tất cả các địa phương trên toàn quốc đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính, sẽ chuyển sang tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng một Sở GD-ĐT ở phía Nam cho hay, phương án tiếp cận công nghệ thông tin để số hóa là cần thiết, tuy nhiên, vẫn còn tương đối sớm với những địa phương làm thí điểm.
Có hai dạng thức, thứ nhất là thi trực tiếp trên máy tính, thứ hai là thi truyền thống trên giấy. Nhưng tới thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa đề cập đến việc kết quả kỳ thi này có thể sử dụng để tuyển sinh đại học hay không. Như vậy, đề thi sẽ có nhiều dạng thức và không thể tương đương nhau.
“Mặt khác, muốn năm 2025 thí điểm thi trên máy tính, chúng ta phải số hóa toàn bộ dữ liệu. Hệ thống dữ liệu của học sinh phải được đưa vào dữ liệu quốc gia chuẩn xác. Thế nhưng, hiện nay dữ liệu dân cư vẫn chưa làm xong, ứng dụng công nghệ thông tin về hồ sơ đăng ký của các em học sinh vẫn còn chệch choạc” - ông nói.
Cũng theo trưởng phòng khảo thí của Sở GD-ĐT này, đối với các yếu tố về hệ tầng như đường truyền internet, máy móc thiết bị, sẽ có những hạn chế. Bởi lẽ, chỉ đơn giản là thi IELTS hay lý thuyết lái xe vẫn có những tin đồn tiêu cực. Như vậy, câu hỏi đặt ra là người tổ chức làm cách nào để ngăn ngừa tiêu cực, tính hết các kẽ hở và thời gian để chuẩn bị có kịp hay không.
“Do đó, chúng ta cần có quy trình bước một làm gì, bước hai làm gì. Vấn đề quan trọng nhất là dữ liệu của ngành giáo dục hòa nhập với hệ thống quốc gia, sau đó mới thực hiện thí điểm và chọn nơi thí điểm để đánh giá rút kinh nghiệm, thực hiện cho các năm sau” - ông nói.
Theo ông, tâm lý của các địa phương là muốn chạy theo thành tích. Cho nên khi “nghe” thí điểm là các địa phương đăng ký dù nguồn lực không đủ. Vì vậy, Bộ GD-ĐT có thể công bố thí điểm thi trên máy tính ở Hà Nội và TP.HCM chứ không phải “các địa phương có đủ điều kiện”.
Việc thi trên máy phải được thi nhiều lần, như 3 tháng hay 5 tháng thi 1 lần để không lãng phí. Người này cũng đặt câu hỏi chỉ còn 2 năm nữa, liệu Bộ GD-ĐT có đủ sức để làm nguồn đề thi?
Từ thực tế địa phương, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng quy mô học sinh của tỉnh không nhỏ nhưng cũng không lớn. Về điều kiện kinh tế, tỉnh không khó khăn.
Nếu xác định thi trên máy tính, chỉ cần có lộ trình cụ thể, chắc chắn. Bà Rịa-Vũng Tàu có thể chuẩn bị tốt hạ tầng, vấn đề hiện hữu là rà soát lại đường truyền internet.
“Kỳ thi tốt nghiệp chắc chắn phải đồng nhất trên toàn quốc, phụ thuộc vào đường truyền rất nhiều. Do đó, cần tập trung vào đường truyền internet. Điều này địa phương không thể kham nổi mà phải có sự đồng bộ từ phía trên. Địa phương và Bộ GD-ĐT cũng làm không xuể bởi còn liên quan đến ngành thông tin truyền thông, đồng bộ triển khai từ trên xuống, mang tính quốc gia" - bà Châu nói.
Theo bà Châu, hiện tỷ lệ học sinh/máy tính tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã đáp ứng yêu cầu. Địa phương cũng không khó khi đầu tư thêm máy tính cấu hình mạnh. Một thử nghiệm vừa qua là việc học trực tuyến do dịch Covid-19, dù tỉnh đã chuẩn bị máy móc để học sinh đảm bảo thiết bị học trực tuyến nhưng khi bắt tay vào vẫn gặp khó về đường truyền.
Do vậy, nếu xấp xỉ 1 triệu thí sinh thi trên máy tính cùng lúc, ngành thông tin-truyền thông phải tính giúp ngành giáo dục.
Bà Châu đồng ý giai đoạn 2025-2030 thực hiện thí điểm thi tốt nghiệp trên máy tính. Tuy nhiên chúng ta phải tính đến những rủi ro, đồng thời có những quy định cụ thể, rõ ràng, lường trước khả năng xảy ra sự cố để đội ngũ thực thi nhiệm vụ có hướng xử lý, tránh trình trạng náo loạn.
Mời quý phụ huynh, học sinh tra cứu điểm thi THPT năm 2023 theo tên nhanh trên VietNamNet