Vào cuối thể kỷ XIV, sự gian nan  phải vượt qua các ngọn núi cao, hiểm trở, sa mạc nóng bỏng, lại luôn phải đối mặt với nạn cướp bóc, trong khi kỹ thuật hàng hải đã phát triển khiến cho các thương nhân có xu hướng chuyển hàng hóa theo đường biển. Thế nên, “Con đường tơ lụa” trên đất liền dần lùi vào lịch sử.

Hơn nữa, hàng hóa vận tải bằng đường biển thuận lợi hơn nhiều so với đường bộ: khối lượng nhiều hơn, đặc biệt đối với các loại hàng hóa nặng như gốm sứ, kim loại... trong khi đó, sức người lại tốn ít hơn nên “Con đường  tơ lụa” trên biển nhanh chóng phát triển.

Với hải trình xuất phát từ  Roma qua các hải cảng vùng Trung Cận Đông như: Al Tur, Fustat, Cairo... men theo bờ biển phía nam Ấn Độ qua Thái Lan vòng xuống eo Malacca để vào vùng biển Thái Bình Dương. Sau khi vượt qua eo Malacca, con đường chia làm hai ngả. Một ngả men theo vùng biển Việt Nam qua các cảng: Côn Đảo - Cù Lao Chàm - Hội An - vào vùng biển Nam Trung Hoa rồi qua nam Nhật Bản.Ngả thứ hai đi vào quần đảo Indonexia, Philippines rồi ngược vào vùng phía nam Trung Quốc để tới nam Nhật Bản - Cảng Hakata trên đảo Kyushu được coi là điểm tận cùng phía Đông của con đường này.

{keywords}
Festival văn hóa tơ lụa thổ cẩm Việt Nam-Thế giới năm 2017 diễn ra tại Làng lụa Hội An, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: VOV)

Do vậy, Hội An là thương cảng quan trọng, nối vào “Con đường tơ lụa trên biển”, đưa lụa của xứ Đàng Trong đi Trung Hoa, Nhật Bản và các nước châu Âu. Gần Hội An có vùng Gò Nổi vốn là cái nôi của nghề trồng dâu nuôi tằm bên sông Thu Bồn. Nguồn tơ sống của Xứ Quảng khi dưới thời Chúa Nguyễn hết sức dồi dào. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã đến Hội An vào cuối năm 1624 đã  nhận xét: “Ở Đàng Trong nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền”.Tận mắt nhìn thấy những cánh đồng trồng dâu mênh mông để nuôi tằm lấy tơ sống trên Xứ Quảng mà Giáo sĩ Christoforo Borri đến Cửa Hàn năm 1618 đã viết: “Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung ứng cho Nhật Bản và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng, bởi lẽ loại tơ này tuy không nhỏ mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc hơn nhiều. Hằng năm, tàu thuyền của Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan... đã đến đây để mua tơ sống và các loại lụa, riêng các tàu thuyền của Trung Hoa thường chỉ mua tơ sống. Người Nhật đến Đàng Trong trước tiên là vì tơ lụa. Họ có thể mua tơ lụa ở đây dễ dàng hơn nơi khác vì tại cảng thị Hội An có một số người Nhật sinh sống và những người Nhật này có thể thu gom tơ sống trước khi tàu của họ tới”.

Tơ lụa đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của thương cảng Hội An, biến nơi đây thành điểm kết nối chính vào  “Con đường tơ lụa trên biển”, kéo dài từ  Trung Hoa, Nhật Bản, tới tận châu Âu. Bên cạnh đó, nhờ vị trí địa lý thuận lợi nên hàng hoá từ bốn phương trong nước tụ về Thương cảng Hội An. Những sản phẩm nổi tiếng như gốm, sứ, trầm hương, yến sào... được thuyền buôn các nước chuyển tải đến nhiều nước Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và một số nước phương Tây.  Tầu thuyền của Nhật Bản, Trung Quốc, các nước vùng biển Nam Á như Thái Lan Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn độ... và một số nước Châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp...hàng năm cập bến mở hội chợ từ 4 đến 6 tháng liền. 

Một thương khách người Quảng Đông đã thuật lại “... Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một món là củ nâu, thuyền ở Thuận Hóa về chỉ mua được một món là hạt tiêu, còn thuyền từ Quảng Nam về thì trăm hóa vật không món gì không có... Do đường thủy bộ, đi thuyền, đi ngựa đều tập hợp ở phố Hội An, cho nên rất đông thương khách phương Bắc tới đó để mua...”.

Do đó, Hội An ngày càng là một thương cảng đóng vai trò rất quan trọng trong hải trình Tây Nam Thái Bình Dương. Là cảng trung chuyển giữa vùng biển Đông Nam Á và Trung Hoa, cũng như giữa Nhật Bản và Trung Hoa của thương nhân Nhật, Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan,... các hoạt động đó đã góp phần phá vỡ nền kinh tế tự cung tự cấp của Đàng Trong, thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa của Đàng Trong phát triển mạnh mẽ cũng như tạo điều kiện để Đàng Trong tham gia vào quá trình hội nhập thương mại quốc tế. 

Thế kỷ 19, cửa sông Cửa Đại ngày càng bị thu hẹp, sông Cổ Cò cũng bị phù sa bồi lấp, khiến các thuyền lớn không còn ghé được cảng Hội An. Bên cạnh đó, triều đình nhà Nguyễn cũng thực hiện chính sách đóng cửa, hạn chế quan hệ với nước ngoài, đặc biệt các quốc gia phương Tây. Từ đó, Hội An dần suy thoái, mất đi vị thế cảng thị quốc tế quan trọng. Tuy nhiên, với vị trí của mình Hội An vẫn xứng danh là hải cảnh quốc tế quan trọng của người Việt trong lịch sử hàng hải quốc tế, là điểm kết nối quan trọng vào “con đường tơ lụa” trên biển.

Thanh Lê