Điểm hẹn định kỳ
Hôm 8/7, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tại Chương trình “Cà phê doanh nhân - Đồng hành và chia sẻ” do Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức tại thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.
Chương trình “Cà phê doanh nhân - Đồng hành và chia sẻ” lần thứ 2 là một trong những điểm hẹn định kỳ của chính quyền tỉnh Hậu Giang, với mong muốn giúp doanh nghiệp gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và lắng nghe phản ánh vướng mắc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
Tham dự Chương trình, các doanh nghiệp phấn khởi và đánh giá cao những cơ chế, chính sách của tỉnh, việc hỗ trợ phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chia sẻ tại Chương trình chị Cao Thị Cẩm Nhung cho biết sau hơn 01 năm khởi nghiệp, các sản phẩm chế biến từ mít của Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Sáng Tạo được thị trường ưa chuộng, với mức giá 102 USD 1 kg thịt thực vật từ mít trên thị trường thế giới và số lượng lớn nguồn mít non của Hậu Giang, chị Cao Thị Cẩm Nhung mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng hoàn thiện dây chuyền sản xuất tự động, quảng bá thương hiệu thịt thực vật từ mít, bước đầu đồng hành với thị trường nội địa và định hướng xuất khẩu sang các quốc gia trên thế giới, hiện thực hóa sản phẩm đạt giải nhất tại Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của chính người dân Hậu Giang.
Chương trình lần 2 cũng đã ghi nhận được những khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ thể sản phẩm OCOP trong vấn đề mở rộng vi mô sản xuất, khả năng cạnh tranh với các sản phẩm tương đồng; các đơn vị mong muốn chính quyền giới thiệu liên kết với các doanh nghiệp lớn, hỗ trợ chuyển đổi số trong giao dịch quảng bá sản phẩm…
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo các sở, ngành giải đáp ngay trong buổi cà phê. Đại diện Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, ngành công thương đã thông qua nhiều kênh xúc tiến thương mại như: tham gia hơn 10 hoạt động hội chợ giao thương, hội nghị kết nối cung cầu ở các tỉnh, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, hiện nay ngành công thương đã đưa hơn 112 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử “voso” và “postmart”, siêu thị, hàng tháng hơn 150 tấn sản phẩm vào các siêu thị co.opmart, VinMart, mega max, tới đây sẽ đưa lên những sàn lazada, tiki, shopee, sendo… Đồng thời sẽ đưa vào các siêu thị lớn hiện nay như Lotte và sẽ mời để trao đổi thông tin, ký kết đưa các sản phẩm vào siêu thị, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đối với vấn đề khó tiếp cận vốn, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang cho biết, ngân hàng đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14% nhưng đến thời điểm cuối tháng 6 năm mới chỉ đạt 6%, do đó dư địa để tiếp tục cho vay rất lớn khoảng 8%. Đối với chuyển đổi số, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh cam kết đồng hành và hỗ trợ tối đa cho các cơ sở, doanh nghiệp…
3 mục tiêu lớn
Trao đổi với các doanh nghiệp, ông Nghiêm Xuân Thành Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh cà phê doanh nhân có 3 mục tiêu lớn là chia sẻ thông tin chính sách về sự phát triển của tỉnh đến quý doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh nắm bắt tâm tư và những vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, đây cũng là nơi để các doanh nghiệp giao lưu hợp tác mở rộng thị trường.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chia sẻ, nữa nhiệm kỳ qua, kinh tế xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ đạo đồng bộ bám sát chủ trương, Nghị quyết của Trung ương, gắn với hình thực tiễn của tỉnh cả hệ thống chính trị quyết tâm đồng hành với doanh nghiệp để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025, tỉnh đã khởi công hai tuyến cao tốc là Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau - Châu Đốc và tuyến Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng hiện các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp vùng sản xuất khai thác ưu thế này, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng.
Chương trình hành động của tỉnh đưa tăng trưởng kinh tế mỗi năm tăng 1.000 tỷ, gấp 10 lần so với Nghị quyết của Đại hội, sau 3 năm gần như hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, thu ngân sách vượt, tiến tới đầu tư hạ tầng giao thông, hỗ trợ các hợp tác xã, các doanh nghiệp, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, y tế, giáo dục; PCI năm 2022 Hậu Giang vươn lên 26 bậc, đứng thứ 12 cả nước.
Tỉnh rất chú trọng 3 mục tiêu đề ra với tinh thần “đột phá, quyết tâm và khát vọng” chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ doanh nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang mong muốn các doanh nghiệp nỗ lực, tin tưởng và đồng hành với tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.
Được biết, toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 3.500 doanh nghiệp kê khai thuế, sau đại dịch Covid-19 các doanh nghiệp rất cần những chính sách, cơ chế hỗ trợ phục hồi sản xuất từ nay đến cuối năm.