Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của Quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh. Những năm chiến tranh, nơi đây được xem là huyết mạch giao thông quan trọng để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.

Nhà bia tưởng niệm trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc. 

Những năm 1964 - 1972, khu vực này bị đánh phá liên tục và ác liệt nhất là năm 1968. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom. Mặt đất bị biến dạng, đất đá cày đi xới lại.

Để giữ vững huyết mạch giao thông, mọi nguồn lực được huy động bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc với nhiều lực lượng tham gia như bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích… Thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người. 

Trưa 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 2, Tổng đội 55 ra đường làm nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường. Đến chiều cùng ngày, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng cửa hầm nơi các cô trú ẩn. Hầm sập, 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người trẻ nhất mới 17 tuổi, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi. 

Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 2013, nơi đây được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.

Năm 2020, Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã ba Đồng Lộc được công nhận thành điểm du lịch văn hóa tâm linh cấp tỉnh. Đây là cơ sở để Ngã ba Đồng Lộc phấn đấu trở thành điểm du lịch cấp quốc gia.

Hiện nay, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong ngã xuống đã trở thành "địa chỉ đỏ", đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến dâng hương, tưởng niệm. Nhiều công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng, như: Khu mộ 10 cô gái thanh niên xung phong, sa bàn chiến đấu, nhà bảo tàng, tháp chuông Đồng Lộc, cụm tượng đài...

Sáng 26/7, đoàn đại biểu 120 thanh, thiếu niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2023 đã về dâng hương, tưởng niệm các liệt sĩ tại Khu di tích này nhân dịp kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sĩ 27/7.

Đoàn thanh, thiếu niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2023 đến dâng hương ở Khu di tích.

Bạn Lưu Nguyên Anh trở về từ Mỹ chia sẻ: "Trước khi về Việt Nam, em cũng tìm hiểu nhiều thông tin về các nữ thanh niên xung phong đã hy sinh ở đây nhưng hôm nay mới có cơ hội đến thắp hương. Câu chuyện về các cô thực sự xúc động". 

Thanh, thiếu niên kiều bào thành kính dâng hương tại mộ phần 10 liệt sĩ thanh niên xung phong. 

Để góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử, đồng thời số hóa di tích trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đã trao tặng hệ thống thiết bị chuyển đổi số được ứng dụng tại không gian Nhà truyền thống thuộc Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. 

Màn hình led giúp du khách tương tác đa chiều khi tìm hiểu lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. 

Hệ thống bao gồm 4 hạng mục: 1 màn hình cảm ứng 32 inch và thiết kế lập trình giới thiệu về Ngã ba Đồng Lộc; 1 hệ thống trình chiếu thông tin bằng nút bấm và lập trình nội dung giới thiệu tiểu sử, cuộc đời của 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc; hệ thống mapping tương tác trình chiếu thông điệp vì hòa bình đến khách tham quan; lập trình tham quan Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc qua công nghệ VR 360 từ mã QR.

Khi đặt chân đến Ngã ba Đồng Lộc, du khách còn có thể chia sẻ cảm xúc của mình qua một ứng dụng hiện đại và tìm hiểu kiến thức thông qua trò chơi trả lời câu hỏi trắc nghiệm.

Nền tảng số mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách đến tham quan. 

Du khách tra cứu, tìm hiểu về Khu Di tích trên màn hình led. 

Chỉ với những nút bấm trên màn hình cảm ứng, tất cả thông tin về 10 nữ thanh niên xung phong, lịch sử về khu di tích hay truyền thống lực lượng thanh niên xung phong, thông tin về từng công trình, hạng mục của khu di tích hay những bài hát, bài thơ… liên quan đến Ngã ba Đồng Lộc đều được hiện lên rõ ràng, ngắn gọn.

Đặc biệt, tại đây có mô hình mô phỏng lúc các nữ thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ, cảm biến hệ thống sẽ tương tác trình chiếu thông điệp vì hòa bình đến khách tham quan. Những chiếc máy bay xuất hiện trên bầu trời mang đến thông điệp hòa bình của đại thi hào Victor Hugo: "Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác”.

Mô hình mô phỏng các nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc tích hợp cảm biến trình chiếu thông điệp vì hòa bình. 

Bên cạnh đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị cũng triển khai đặt các bảng gắn mã QR qua công nghệ VR360 sẽ giúp du khách tìm hiểu đầy đủ thông tin về Ngã ba Đồng Lộc. Bên trong là dữ liệu, hình ảnh, video giới thiệu về lịch sử và câu chuyện của "địa chỉ đỏ".

Bảng gắn mã QR qua công nghệ VR360.

Bạn Trần Hiển Long, kiều bào Hungary cho biết: "Nhờ công nghệ số, em tìm hiểu thông tin về Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã Ba Đồng Lộc nhanh chóng, dễ dàng hơn. Qua mã QR của Zalo, em xem được toàn bộ nội dung, hình ảnh về địa điểm mình tham quan, trong đó có cả tiếng Việt và tiếng Anh, thuận tiện cho du khách nước ngoài".

Trần Hiển Long và các bạn hứng thú tham quan Khu Di tích trên nền tảng số. 

Ông Trần Đình Ước, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt cho biết: “Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc là khu di tích đầu tiên trong toàn tỉnh ứng dụng chuyển đổi số với hệ thống thiết bị và giải pháp công nghệ hiện đại. Tôi nghĩ đây là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. 

Chúng tôi được nhiều đơn vị quan tâm, hỗ trợ để triển khai công tác này. Hệ thống thiết bị ứng dụng công nghệ số có tổng giá trị khoảng 552 triệu đồng. 

Mặc dù hệ thống nền tảng số đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng thu hút đông đảo du khách trải nghiệm và nhận về những phản hồi tích cực. Đặc biệt, mô hình mô phỏng, gắn cảm biến tạo được hứng thú cho du khách khi vào tham quan Nhà truyền thống.

Chúng tôi đang tiếp tục bổ sung tư liệu, thông tin, hình ảnh đề làm dày thêm kho lưu trữ, phục vụ tốt nhất nhu cầu tìm hiểu, tra cứu của du khách trong và ngoài nước".

Huy Phúc và nhóm PV, BTV