Giếng cổ Gio An 01.jpg

Xã Gio An (huyện Gio Linh) là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn ở tỉnh Quảng Trị. Nơi đây được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến nhờ sở hữu hệ thống giếng cổ có tuổi đời hàng nghìn năm.

giếng cổ   Võ Văn Thanh 1.png
Hệ thống giếng cổ ở Gio An nhìn từ trên cao. Ảnh: Võ Văn Thanh

Hệ thống có 14 giếng, gồm: Giếng Dưới, giếng Búng, giếng Côi, giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn); giếng Trạng, giếng Đào (thôn An Nha); giếng Gái 1, Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng) và giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn).

Hệ thống giếng cổ này được được tạo thành nhờ vào kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi.

Đá được xếp quanh miệng giếng cũng như đường dẫn nước đến những vùng canh tác trũng thấp hơn một cách công phu và có tính mỹ thuật. Dù không có chất kết dính nhưng các công trình giếng cổ, đường dẫn nước ở Gio An vẫn tồn tại hàng nghìn năm qua.

Giếng cổ Gio An 5.jpg

Kết cấu của giếng phụ thuộc vào từng loại mạch nước, cụ thể là mạch nước ngầm hay mạch nước phun nổi. Song, dựa vào sự chênh lệch về độ cao mà người Chăm xưa đã tạo ra dòng chảy tự nhiên cho tất cả các giếng cổ ở đây.

Giếng cổ Gio An có 3 dạng. Dạng đầu tiên là giếng có bể lắng và máng dẫn. Dạng thứ hai là những bể chứa được đào sâu và xếp bằng đá cuội lớn ngay cửa mạch nước trong sườn đồi trực tiếp chảy ra.

Dạng thứ ba giống giếng khơi ở vùng nông thôn, cũng được sắp xếp đá thành vòng tròn để chứa nước.

Theo người dân địa phương, điều thú vị là dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu thì những giếng cổ ở Gio An chưa bao giờ cạn nước. Dòng nước ở đây luôn trong xanh, mát lành.

Cũng từ nguồn nước quý giá này mà bà con nơi đây đã trồng được loại rau đặc sản thơm ngon, nổi tiếng về độ sạch. Đó là rau liệt (hay còn gọi là xà lách xoong, cải xoong).

Điều đặc biệt là rau liệt không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, không cần dùng phân bón hay thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, loại rau này chỉ trồng được ở khu vực có nước sạch. Nếu nước bẩn, rau sẽ vàng úa rồi tàn.

Giếng cổ Gio An 6.jpg
Rau liệt trồng không khó nhưng nó chỉ sống được ở những nơi ruộng đá, không bùn, có nước sạch và mát lành. Loại rau này chỉ bám nhẹ trên đá, lấy chất dinh dưỡng chủ yếu từ nguồn nước chảy tự nhiên

“Loại rau này chỉ cần rải trên ruộng là mọc. Nơi nào nước chảy mạnh quá thì chúng tôi phải lấy hòn đá nhỏ đè lên để chống trôi cây rau. Khoảng 15 ngày là được thu hoạch một lần.

Khi trồng rau này, cần lưu ý chỉ bón chút phân tro. Nếu bón nước bẩn, rau sẽ hỏng hết. Bởi vậy mà bà con hay ví von loại rau này là rau siêu sạch, rau ‘sợ bẩn’”, bà Võ Thị Xuân (59 tuổi, trú thôn Hảo Sơn) cho hay.

Giếng cổ Gio An 0.jpg

Mùa rau liệt thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch và kết thúc vào tháng 3, 4 năm sau, có thể ngắn hoặc kéo dài hơn tùy điều kiện thời tiết.

Vào thời điểm này, người dân địa phương lại ra ruộng, thu hoạch rau liệt về bán cho các thương lái hoặc cung cấp tới các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài địa bàn huyện, tỉnh.

Giếng cổ Gio An 8.jpg

Không chỉ đảm bảo về độ sạch, an toàn cho sức khỏe, rau liệt còn là nguyên liệu chế biến món ăn.

Người dân Gio An đã khéo léo tận dụng loại rau này để chế biến thành các món ngon hấp dẫn như rau liệt trộn trứng, rau liệt kẹp bánh bột lọc, rau liệt xào thịt bò…

Ngoài ra, rau liệt cũng có thể nấu canh hoặc dùng để nhúng lẩu như các loại rau xanh quen thuộc khác.

Giếng cổ Gio An 2.jpg

Chia sẻ với PV VietNamNet, anh Phan Hoài An (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị) cho biết, hệ thống giếng cổ Gio An nằm trong chuỗi du lịch của huyện Gio Linh.

Tới đây, ngoài tham quan hệ thống giếng cổ, du khách cũng đừng quên thưởng thức rau liệt đặc sản và một số món ngon nổi tiếng do người dân chế biến từ các nguyên liệu có sẵn tại địa phương như gà đồi, thịt thỏ, thịt dê, rau liệt trộn bánh bột lọc,…

Ảnh: Hoài An