Alita Silathod là một lưu học sinh Lào, học tập tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT). Khi sang Học viện vào năm 2009, theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, cô mới 18 - 19 tuổi.
Sau nhiều năm trở về nước sống và làm việc, Alita Silathod vẫn nhớ và sử dụng khá thành thạo tiếng Việt. Cô chia sẻ rất nhớ bạn bè ở Học viện và chưa có dịp gặp gỡ trở lại sau thời gian học tập ở Việt Nam.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã tiếp nhận, đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào ở các ngành nghề. Ở lĩnh vực thông tin và truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông là “cái nôi” đào tạo chuyên nghiệp cho không ít lưu học sinh Lào.
Giai đoạn những năm 2016 - 2021, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tiếp nhận và đào tạo dài hạn cho tổng số 63 lưu học sinh Lào ở cả hai bậc Đại học và Cao học. Trong đó, có 36 học sinh ở bậc Cao học. Ở bậc học này, có 15 lưu học sinh thuộc diện ngoài Hiệp định.
Theo TS. Đỗ Trung Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, hầu hết các lưu học sinh Lào đã và đang học tại Học viện đều ở các ngành thuộc khối kỹ thuật như CNTT, điện tử, viễn thông. Một số bạn theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh.
Nói về những khó khăn trong công tác giảng dạy, học tập với lưu học sinh Lào, TS. Đỗ Trung Anh chia sẻ với VietNamNet: Do đặc thù kỹ thuật là ngành khó, đòi hỏi kiến thức chuyên ngành cao, lại học chung và thi chung với sinh viên Việt Nam nên lưu học sinh Lào phải rất cố gắng mới bắt kịp được các bạn cùng lớp. “Để hỗ trợ lưu học sinh Lào khắc phục khó khăn về tiếng Việt, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã phân công một số sinh viên Việt Nam và cán bộ chuyên trách hỗ trợ kèm cặp các em trong quá trình học tập”.
Hầu hết lưu học sinh Lào ở bậc học này đều tốt nghiệp đúng thời gian quy định. Cùng với ý thức vươn lên, khắc phục những khó khăn trong học tập để có thể đạt yêu cầu, chất lượng đào tạo đề ra, các lưu học sinh Lào đều tích cực tham gia phong trào văn hoá, thể thao, những hoạt động sinh viên do Học viện tổ chức; giao lưu giữa các trường bạn có lưu học sinh Lào như Đại học Hà Nội, Học viện An ninh, Đại học Bách khoa Hà Nội… nhân dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, ngày hội cổ truyền của hai nước Lào - Việt Nam.
Những năm qua, mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực CNTT, truyền thông và giữa hai nước Việt Nam – Lào cũng là một trong những điểm sáng với nhiều bản ghi nhớ và các chương trình hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam với Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch cùng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào đã được ký kết.
Ngành ICT của Lào cũng đang được định hướng phát triển cả về cơ sở hạ tầng kỹ thuật mạng lưới, công nghệ, dịch vụ, hành lang pháp lý và con người. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực ngành ICT của Lào được dự báo là rất lớn trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng xây dựng chương trình đào tạo cho sinh viên các nước ASEAN (trong đó có sinh viên Lào) ở cả hai hệ Đại học và Cao học với những tiết giảng dạy bằng tiếng Anh. Qua đó, các học viên xuất sắc sẽ được cấp học bổng của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ nguồn kinh phí của các doanh nghiệp công nghệ và sự hỗ trợ của Học viện.
Thời gian tới, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ tăng cường công tác quản lý hỗ trợ phụ đạo thêm cho lưu học sinh Lào nói riêng và các nước ASEAN nói chung thông qua những buổi sinh hoạt, dã ngoại tập thể nhằm tăng cường khả năng nghe/nói/đọc/viết tiếng Việt, cũng như thắt chặt mối quan hệ giữa các lưu học sinh Lào và sinh viên Việt Nam.
Việc hợp tác về giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Lào không những có ý nghĩa đối với hoạt động của Học viện mà còn mang lại lợi ích lâu dài cũng như góp phần nâng cao tầm ảnh hưởng của ngành CNTT và Truyền thông Việt Nam đối với các nước trong khu vực. Đồng thời, từng bước mở ra cơ hội hợp tác phát triển mới cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và các doanh nghiệp tiếp cận thị trường ICT của nước bạn.
Ảnh tư liệu: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cung cấp