Theo hãng tin Fox News, Hải quân Mỹ có thể triển khai nhanh chóng các tài sản nói trên để tiêu diệt lực lượng Iran ở Vịnh Ba Tư nếu các hành động khiêu khích, thù địch hoặc tấn công của nước Cộng hòa Hồi giáo lên đến mức cần phải đáp trả bằng vũ lực.
Tàu Iran thị uy trước tàu quân sự Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran bùng lên hồi tuần trước, khi Hải quân Mỹ thông báo 11 tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã "tiếp cận nguy hiểm và quấy rối" các tàu Mỹ ở Vịnh Ba tư. Sau khi sử dụng nhiều biện pháp phi sát thương để cảnh báo Iran, rốt cuộc phía Mỹ đã buộc các tàu Iran đã phải rời đi.
Tehran khẳng định chính Mỹ gây chuyện.
Iran tung video tố Mỹ bịa chuyện ở Vịnh Ba Tư:
Ngày 22/4, IRGC thực hiện vụ phóng vệ tinh có thể đẩy mạnh chương trình tên lửa tầm xa của nước này. Tổng thống Donald Trump ngay sau đó lên Twitter dọa "bắn hạ và hủy diệt" bất kỳ tàu nào của Iran quấy rối các tàu Hải quân Mỹ.
Trao đổi với các phóng viên mới đây, Tướng John Hyten, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, và Thứ trưởng Quốc phòng David Norquist đều ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump. Họ khẳng định các tư lệnh Mỹ hiện nay hoàn toàn "có quyền" giao chiến và phá hủy các tàu cũng như vũ khí của Iran... nếu cần thiết.
Các hải pháo với cỡ nòng lên tới 127mm, hiện đang được trang bị trên các tàu tuần dương và khu trục của Hải quân Mỹ, có thể được sử dụng đầu tiên vì chúng có thể càn quét khu vực bằng các loại đạn sát thương với tầm bắn lên tới 12km. Các tàu mặt nước của Hải quan Mỹ - chẳng hạn như tàu tấn công đổ bộ, hàng không mẫu hạm, tàu chiến đấu ven biển - được trrang bị các súng và vũ khí đánh chặn có thể tham gia yểm trợ.
Fox News cho biết, hiện các tàu mặt nước của Hải quân Mỹ đều được trang bị vũ khí đánh chặn "khu vực" có tên CIWS (Hệ thống vũ khí phòng thủ tầm cực gần), một loại súng được thiết kế để bắn hàng trăm vật phóng kim loại cỡ nhỏ chỉ trong vài giây. Súng này có thể xả 4.500 viên đạn mỗi phút, đồng nghĩa với việc có thể phá hủy cùng lúc cả dàn tàu tấn công nhỏ di chuyển ở khoảng cách gần.
CIWS có kết nối với radar trên tàu, với các công nghệ kiểm soát và chỉ huy quân sự, kiểm soát hỏa lực nên có thể được kích hoạt nhanh chóng trong trường hợp một tàu nổi bị tấn công. Súng này thường được nhắc đến như giới tuyến phòng thủ cuối cùng trong các hệ thống bảo vệ tàu chiến nhiều lớp của Hải quân Mỹ, vốn bao gồm cả các tên lửa đánh chặn tầm xa hơn như SM3 và tầm gần hơn như SM-6.
Thứ trưởng Norquist dường như đã đưa ra bình luận cụ thể về các vũ khí "phòng thủ" luôn sẵn sàng cho các tư lệnh Mỹ sử dụng. "Tất cả các tàu của chúng tôi có quyền tự vệ, và mọi người cần phải rất thận trọng trong tương tác của mình để hiểu rõ quyền tự vệ vốn có đó", ông nói.
Bên cạnh đó, nhiều tàu của Hải quân Mỹ còn được trang bị biến thể nâng cấp của tên lửa đánh chặn tối tân ESSM (Evolved Sea Sparrow Missile) Block 2, một hệ thống vũ khí mới có khả năng triệt hạ các tên lửa hành trình diệt hạm bay sát mặt nước.
Nhiều vũ khí bảo vệ tàu mới EW (tác chiến điện tử) và thậm chí laser cũng có thể được sử dụng. EW tất nhiên có thể được dùng đến để gây nhiễu hoặc cản trở các thiết bị cảm biến và hệ thống hướng dẫn vũ khí tiếp cận, từ đó vô hiệu hóa năng lực tấn công của kẻ thù.
Laser và EW đặc biệt lợi thế ở những vùng biển có nhiều tàu dân sự và thương mại di chuyển, vì chúng có thể tạo ra ít mảnh vụn tiềm tàng gây hại.
Thanh Hảo