Thời kỳ internet còn chưa phổ biến, thì cách tiếp cận gần như duy nhất với những tin tức game mới, những bài đánh giá game chất lượng nhất chỉ có thể là những cuốn tạp chí game phát hành hàng tháng, nơi thông tin đa chiều được cung cấp tới giới hâm mộ game tuy không thể nhanh bằng những trang tin trên internet hiện tại, nhưng lại được biết bao thế hệ game thủ mến mộ và sưu tầm từng số, năm này qua năm khác.
Ở Việt Nam, chúng ta đã quá quen với những tờ tạp chí như Thế Giới Game, Việt Game với những bài đánh giá chi tiết game cùng hình ảnh được biên tập kỹ càng, chất lượng. Đã từng có thời kỳ, những cậu bé còn học cấp ba như chúng tôi, cứ mỗi tháng lại dành ra vài nghìn lẻ mua tờ tạp chí Thế Giới Game, hồi đó vẫn còn là ấn bản hàng tháng của tạp chí công nghệ máy tính nổi danh tại Việt Nam, Thế Giới Vi Tính (PCWorld).
Xuất hiện từ cuối tháng 11/2003, Thế Giới Game trở thành tạp chí trò chơi điện tử bài bản đầu tiên của người Việt. Gần như ngay lập tức nó nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ phía game thủ (thực ra trước đó Game đã là một chuyên mục trong PCWorld nhưng chưa phong phú và tách biệt). Bất chấp giá cả không phải là rẻ so với lúc bấy giờ (7.000 VNĐ) nhưng cứ đến ngày 25 hàng tháng là dân mê game lại tấp nập tới sạp báo "săn hàng".
Ở nước ngoài cũng không phải là ngoại lệ. Khi internet chưa phủ sóng tất cả các hộ gia đình, những đứa trẻ mê game còn mang băng đĩa cùng thẻ nhớ sang nhà bạn bè chơi cùng với đó là cả một tờ giấy rất dài những cheat code game, thì tạp chí vẫn là một công cụ chuẩn mực để cập nhật những tin tức mới nhất diễn ra của làng game thế giới.
Và trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi điểm lại 10 tờ tạp chí được đánh giá là chất lượng nhất dành riêng cho cộng đồng game thủ toàn cầu.
Game Developer
Ngày phát hành số đầu tiên: 03/1994
Ngày phát hành số cuối cùng: 07/2013
Cái tên của tờ tạp chí này có vẻ hơi hướng đến những nhà phát triển game hơn là cộng đồng game thủ hâm mộ. Thế nhưng xét về mặt thông tin, nó sở hữu đầy đủ những gì một người dám tự nhận bản thân yêu game cần có. Không chỉ dành cho tay mơ mà ngay cả những người chuyên nghiệp làm trong ngành game cũng phải đọc Game Developer nhờ vào những bài viết có quy mô với mọi chủ đề, từ lập trình, thiết kế, âm nhạc, sản xuất game...
Edge
Ngày phát hành số đầu tiên: 10/1993
Phải khẳng định rằng, Edge có bộ cánh vô cùng mỹ miều để thu hút game thủ. Bản thân cách đặt vấn đề cũng như nội dung các bài viết cũng không thể lẫn vào đâu được. Trong đó, mục mang tên "Making-of", với những bài viết có nội dung sâu mô tả quá trình phát triển một tựa game cũng hút hồn biết bao thế hệ game thủ.
PC Gamer
Ngày phát hành số đầu tiên: 12/1993
Giờ đây tuy rằng đã có trang tin riêng trên mạng internet để cập nhật nhanh nhất những thông tin về game trên máy tính cho cộng đồng game thủ, nhưng PC Gamer vẫn giữ truyền thống phát hành các số tạp chí giấy để phục vụ độc giả. Thời điểm những game sát phần cứng nhất ra mắt như Crysis hay Bioshock 2, chính PC Gamer là "sách gối đầu giường" của rất nhiều người mê game cũng như quan tâm tới phần cứng PC.
Official Xbox Magazine
Ngày phát hành số đầu tiên: 11/2011
Với những người có cơ hội được có mặt tại kỳ E3 năm 2001, thời điểm cỗ máy Xbox đầu tiên ra mắt, game thủ đã được tận tay trải nghiệm số đầu tiên của tạp chí Official Xbox Magazine dù phải đến tháng 11 năm đó tờ này mới được xuất bản rộng rãi. Giờ đây tạp chí hàng tháng này vẫn tiếp tục được phát hành, đem lại cho game thủ Xbox những cái nhìn cận cảnh về những tựa game độc quyền hay những dịch vụ chỉ có game thủ sở hữu Xbox 360 hay Xbox One mới có được.
PlayStation: The Official Magazine
Ngày xuất bản số đầu tiên: 09/1997
Ngày xuất bản số cuối cùng: 25/12/2012
Nói đến tạp chí riêng của Xbox mà bỏ qua PlayStation thì sẽ vừa là thiếu sót lẫn bất công, vì bản thân tờ PS: The Official Magazine còn có lịch sử lâu đời hơn cả của Xbox với cộng đồng game thủ hâm mộ ba thế hệ máy chơi game PS1, PS2 và PS3 quan tâm theo dõi. Cũng trong khoảng thời gian 15 năm tồn tại, PlayStation: The Official Magazine đã giới thiệu hàng trăm tựa game mà giờ đây chúng đều là những huyền thoại của làng game. Số cuối cùng của tờ tạp chí này đã được phát hành vào ngày 25/12/2012.
Nintendo Power
Ngày ra mắt số đầu tiên: 08/1988
Ngày ra mắt số cuối cùng: 11/12/2012
Cái tên thứ ba trong thế chân vạc của các ông lớn làng game thế giới chính là Nintendo. Thậm chí tờ tạp chí này còn xuất hiện sớm hơn cả hai cái tên kể trên khi số đầu tiên được phát hành vào tháng 08/1988, 3 năm sau khi cỗ máy NES chính thức đặt chân tới thị trường Bắc Mỹ. Ban đầu nó được biết đến với cái tên Nintendo Fun Club News, một dạng tờ rơi cập nhật tin tức cho những khách hàng của Nintendo.
Thế nhưng đến giữa năm 1988, Nintendo, vốn đang ngự trị trên ngôi vương của thị trường máy chơi game lúc bấy giờ quyết định phát hành cả một tờ tạp chí. Khi ấy, tập đoàn này cũng như tờ tạp chí mạnh tới mức họ tặng miễn phí cả một băng game Dragon Quest trên NES cho tất cả những độc giả đăng ký mua báo dài hạn.
Famitsu
Ngày ra mắt số đầu tiên: 06/1986
Nintendo là của Nhật, nhưng Nintendo Power là một tờ tạp chí do người Mỹ điều hành và xuất bản. Còn Famitsu mới đích thị là trang tạp chí chất lượng bậc nhất của xứ sở Hoa Anh Đào. Đội ngũ đánh giá game và biên tập bài viết của trang tạp chí này khó tính tới mức, những tựa game giành được số điểm 39 hoặc tối đa là 40 mặc định sẽ trở thành huyền thoại của làng game, chẳng kém gì so với việc một diễn viên giành được Oscar cả.
Tính đến năm 2016, mới chỉ có vỏn vẹn 23 tựa game giành được điểm số hoàn hảo 40/40 của Famitsu, trong đó phải kể tới The Legend of Zelda: Ocarina of Time, Nintendogs, FF XII, MGS 4, Yakuza 5, GTA V và gần đây nhất là Metal Gear Solid V. Trong khi đó cũng mới chỉ có 43 tựa game giành được số điểm 39/40 mà thôi. Bản thân Famitsu cũng xứng đáng được gọi là tạp chí game lâu đời nhất với số đầu tiên ra mắt từ năm 1986.
GamePro
Ngày phát hành số đầu tiên: 04/1989
Ngày phát hành số cuối cùng: 2011
Với những game thủ 8x nước ngoài, Game Pro ghi điểm trong mắt họ với những cái tên biên tập viên được chế lại chẳng khác gì các rocker thực thụ: Abby Normal. Vicious Sid. Major Mike. Air Hendrix... Cùng với đó, trang tạp chí dành riêng cho game của tờ Times này cũng gây ấn tượng bởi trang bìa cực kỳ hoành tráng với nhân vật game tràn lên cả logo của tờ tạp chí. Đáng tiếc rằng, GamePro đã ngừng xuất bản vào năm 2011 và đóng cửa cả trang web vì những khó khăn tài chính.
Electronic Gaming Monthly
Ngày phát hành số đầu tiên: 31/03/1989
Vào năm 2009, sau 20 năm hoạt động, EGM bất ngờ tuyên bố ngừng phát hành. Thế nhưng tờ tạp chí tuyệt vời dành cho cộng đồng game thủ có trụ sở tại Illinois, Mỹ này may mắn hơn GamePro khi được cứu sống và đến năm 2010 lại tiếp tục xuất bản cho đến thời điểm hiện tại.
Game Informer
Ngày ra mắt số đầu tiên: 08/1991
Nếu như Game Developer có một cộng đồng độc giả chuyên nghiệp, là những người làm việc trong ngành game lâu năm quan tâm theo dõi, thì Game Informer giống như một tờ tạp chí dành cho mọi người quan tâm tới game. Từ việc phát triển, những bài viết về kỹ thuật, lập trình, hay thậm chí là cả những dự báo và phỏng vấn những người trong ngành, làm ở các vị trí lãnh đạo cấp cao liên quan đến kinh doanh đều góp mặt trong Game Informer. Nếu xét riêng về mảng báo chí liên quan tới game, thì Game Informer luôn là cái tên đáng nể bậc nhất, bất kể bạn làm việc ở vị trí nào trong ngành, hay đơn giản chỉ là một game thủ quan tâm tới tin tức.
Kết
Nhìn lại 10 đầu tạp chí về game được cộng đồng game thủ nước ngoài, mà cụ thể hơn là Anh, Mỹ và Nhật Bản ưa chuộng nhất, bản thân chúng ta có thể thấy chính internet đã thay đổi thói quen đọc tin tức của game thủ. Giờ đây họ chỉ cần vài cú click chuột là đã có thể nắm được thông tin mới nhất của làng game, cập nhật từng giây từng phút chứ chẳng cần phải mong ngóng từng ngày đến cuối tháng mua một cuốn tạp chí để đọc như xưa.
Đó cũng chính là lý do rất nhiều tạp chí đã đến và đi, phải ngừng hoạt động vì nhiều lý do, mà trong số đó quan trọng nhất vẫn là độc giả đã chẳng còn ủng hộ. Những trang tạp chí khác thì chọn cách tồn tại song song, ví dụ như Game Informer vẫn sống khỏe bằng cả trang tạp chí giấy lẫn trang web cập nhật tin tức hàng ngày.
Dù cho lý do những tạp chí này phải ngừng xuất bản là gì đi chăng nữa, thì chúng vẫn đã và sẽ ngự trị trong con tim của biết bao thế hệ game thủ như một khoảng ký ức không thể xóa nhòa.