Vượt đại dịch, kiếm tỷ USD

Báo cáo tài chính hợp nhất 2021 của CTCP Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với năm trước đó lên gần 48,5 nghìn tỷ đồng (2,1 tỷ USD). Trong năm 2021, Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 85,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Tổng tài sản đạt hơn 230 nghìn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt gần 132 nghìn tỷ đồng, đều tăng so với năm trước đó.

Với mức lợi nhuận nói trên, Vinhomes là quán quân trên thị trường chứng khoán.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long trong năm 2021 ghi nhận nhuận đạt hơn 34,5 nghìn tỷ đồng (1,5 tỷ USD), vượt 92% kế hoạch năm và tăng gần 1,6 lần so với năm trước.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) của tỷ phú Hồ Hùng Anh công bố lợi nhuận trước thuế cả năm đạt gần 23,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), tăng 47% so với năm 2020. Đây cũng là ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam cán mốc lợi nhuận trước thuế 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, VPBank cũng đã ghi nhận lợi nhuận tỷ USD lần đầu trong năm 2021 và lập kỷ lục mới của ngành ngân hàng, vượt qua cả Vietcombank và Techcombank. Theo đó, VPBank ghi báo cáo lợi nhuận trước thuế riêng lẻ cả năm 2021 đạt tới gần 38 nghìn tỷ đồng, cao gấp 4 lần năm trước đó nhờ thương vụ bán 50% vốn tại FE Credit.

{keywords}
Một năm khó khăn, đại gia Việt vững tâm kiếm tiền khủng

Trước đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên đạt ngưỡng lợi nhuận tỷ USD. Trong 2 năm 2019 và 2020, Vietcombank đều đã thu lời trên ngưỡng này. Năm 2019 và năm 2020, Vinhomes lãi trước thuế lần lượt 29,7 nghìn tỷ đồng và hơn 36,5 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, trong năm khó khăn 2021, TTCK Việt Nam ghi nhận 5 doanh nghiệp đạt mốc lợi nhuận tỷ USD, trong đó có 3 gương mặt mới.

Nhiều doanh nghiệp lớn một thời khó khăn cũng hồi phục khá ấn tượng. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2021 sau một thời gian dài tái cấu trúc. HAGL gặt hái được những thành quả ngọt ngào sau 10 năm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trong khoảng 3 tháng cuối năm, cổ phiếu HAG tăng gấp 3 lần, qua đó giúp khối tài sản của Bầu Đức quy ra từ cổ phiếu HAG tăng thêm khoảng 3 nghìn tỷ đồng lên 4,6 nghìn tỷ đồng, lọt trở lại top 35 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Cũng trong năm vừa qua, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh và Masan của tỷ phú này hồi sinh được hệ thống bán lẻ Vinmart mua lại từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Doanh nhân Đặng Thành Tâm bứt phá trở lại trong năm 2021 với mảng thế mạnh bất động sản công nghiệp sau 10 năm chìm nổi. KBC của ông Tâm ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng gấp 7,6 lần.

Chuyên sâu và đứng vững

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên chủ tịch VCCI cho biết, khó khăn trong năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, tâm thế của cả hệ thống cũng như của mỗi doanh nghiệp là không chờ đợi bão qua.

Cũng giống như Masan hay KBC, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long là một hiện tượng vượt bão thành công ấn tượng trong năm vừa qua. Hòa Phát là một doanh nghiệp điển hình kinh doanh các sản phẩm “thô, to”, nhưng rất chuyên sâu và bền vững, “không làm thì thôi, đã làm thì tới nơi tới chốn”.

Sau khi trở thành số 1 trên thị trường thép, Hòa Phát tiếp tục đầu tư nhà máy Dung Quất với công suất thêm nhiều triệu tấn thép, qua đó mở rộng thêm thị phần và giữ vững chắc vị trí số 1. Trong 2 năm qua, ngành thép của tỷ phú Trần Đình Long trải qua một giai đoạn ngọt ngào với lợi nhuận tăng lên đỉnh cao kỷ lục, lên ngưỡng tỷ USD nhờ chu kỳ siêu hàng hóa. Cổ phiếu HPG đỉnh cao tăng tới khoảng 4,8 lần. Túi tiền của ông Long tăng tương ứng.

{keywords}
Tỷ phú Việt tiếp tục bứt phá trong năm 2021

Hòa Phát của ông Trần Đình Long cũng đầu tư sâu vào lĩnh vực nông nghiệp, bứt phá trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này, đặc biệt mảng trứng gà và thịt lợn.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nằm trong top những doanh nhân vượt qua khó khăn của đại dịch và ghi nhận túi tiền tăng thêm khoảng 1 tỷ USD (lên khoảng 2 tỷ USD), nhờ vào việc cổ phiếu Masan (MSN) tăng gấp đôi.

Định hướng rõ ràng và tâm thế vững vàng của lãnh đạo doanh nghiệp đã giúp Masan đạt doanh thu đạt gần 4 tỷ USD trong năm 2021, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng gần 7 lần lên mức 8,6 nghìn tỷ đồng. Masan tiếp tục chiến lược đầu tư chuyên sâu, hướng tới mục tiêu doanh nghiệp hàng tiêu dùng số 1 Việt Nam.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong khi đó tiếp tục thành công rực rỡ với mảng bất động sản nhưng dồn lực vào tham vọng gầy dựng thương hiệu xe điện tầm cỡ quốc tế, đồng thời chia sẻ khó của cộng đồng vì đại dịch Covid-19. Theo kế hoạch, VinFast sẽ chuyển hoàn toàn sang xe điện vào cuối năm 2022 và chuyển mình thành hãng xe thuần điện toàn cầu. Các sản phẩm xe điện của VinFast được cho là không thua kém Tesla.

Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) trong khi đó vừa bắt tay với đối tác Hàn Quốc Hanwha, KOSPO và KOGAS khởi công dự án điện khí 2,3 tỷ USD LNG Hải Lăng tại Quảng Trị, giai đoạn 1 - 1.500MW. T&T cũng đang triển khai dự án điện khí LNG Cái Mép Hạ trị giá 6 tỷ USD tại Bà Rịa Vũng Tàu...

Những kết quả ấn tượng trong 2021 được xem là tiền đề cho một năm mới 2022 thuận lợi hơn và năm 2023 nền kinh tế được dự báo trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao. Dòng tiền tỷ USD đổ về các tập đoàn tư nhân Việt là cơ sở giúp các doanh nghiệp này có tiếp tục bứt phá và có thể vươn ra thế giới như trường hợp của VinFast.

M. Hà

Các tỷ phú Việt kiếm thêm gần 3 tỷ USD trong năm 2021

Các tỷ phú Việt kiếm thêm gần 3 tỷ USD trong năm 2021

Bất chấp đại dịch, 2021 vẫn là năm đột phá của nhiều tỷ phú USD tại Việt Nam với tài sản phình to cùng chiến lược đầu tư mạnh mẽ.