Điểm chuẩn 2024 - những con số gây bất ngờ
Các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn 2024. So với năm ngoái, điểm chuẩn của nhiều ngành, nhiều trường năm nay cao và tăng mạnh.
Ở phía Nam, điểm chuẩn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, khối C00 trung bình tăng 2-3 điểm so với điểm chuẩn năm 2023. Đặc biệt, ngành Tôn giáo học tăng 5 điểm (điểm chuẩn khối C00 năm 2023 là 21 điểm, năm 2024 là 26 điểm).
Trong số các ngành của trường này, điểm chuẩn khối C00, ngành Báo chí cao nhất với 28,88 điểm, tiếp đến là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với 28,33 điểm, ngành Văn hóa học 28,2 điểm, ngành Nghệ thuật học 28,15 điểm và ngành Lịch sử với 28,1 điểm. 22 ngành có điểm chuẩn từ 27 trở lên, chiếm 16,17%.
Điểm chuẩn nhiều ngành của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM cũng cao, trong đó cao nhất 28,5 điểm thuộc ngành Khoa học máy tính chương trình tiên tiến. Các ngành cao tiếp theo là ngành Trí tuệ nhân tạo 27,7 điểm, Khoa học dữ liệu 26,85 điểm… Đặc biệt, một số ngành có điểm trúng tuyển 17-18 điểm ở năm 2023 tăng điểm chuẩn mạnh trong năm nay như: Ngành Kỹ thuật hạt nhân tăng 6,6 điểm; ngành Khoa học vật liệu tăng 5,3 điểm; Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường tăng 3,5 điểm.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Trường Đại học Văn hoá TPHCM. Tại trường này, ngành Du lịch có điểm chuẩn 26,75; Quản trị du lịch và dịch vụ lữ hành chuyên ngành Quản trị lữ hành 27 điểm; Quản trị du lịch và dịch vụ lữ hành chuyên ngành Hướng dẫn du lịch 26,5 điểm; Quản trị văn hoá chuyên ngành Tổ chức sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch 27,25 điểm; Chuyên ngành Công nghiệp văn hoá 26,3 điểm…
So với năm 2023, mức tăng điểm chuẩn của nhiều ngành gây bất ngờ, như ngành Thông tin thư viện tăng 8 điểm; ngành Bảo tàng học tăng 8,5 điểm. Các ngành còn lại tăng 2-5 điểm. Có khoảng cách lớn về điểm chuẩn giữa năm 2023 và 2024.
Nhiều ngành của Trường Đại học Bách khoa TPHCM có điểm chuẩn cao, tăng mạnh so với năm 2023. Ở chương trình tiêu chuẩn, điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính cao nhất là 84,16 tăng 4,32 điểm; Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật máy tính xếp thứ 2 với 82,87 điểm tăng 4,61 điểm so với năm 2023.
Nhiều ngành có điểm chuẩn tăng vọt so với năm 2023, trong đó nhóm ngành Điện, Điện tử viễn thông tự động hoá có điểm chuẩn 80,03 tăng 13,44 điểm; Ngành Kỹ thuật cơ khí tăng 15,4 điểm; Tàu thuỷ hàng không tăng 15,44; Kỹ thuật cơ điện tử tăng 9,52; Kỹ thuật nhiệt tăng 11,55; Kiến trúc tăng 11,49; Kỹ thuật vật liệu tăng 13,4; Vật lý kỹ thuật tăng 13,05; Cơ kỹ thuật tăng 14,05; Quản lý công nghiệp tăng 12,11...
Tăng nhiều nhất là ngành Kỹ thuật máy tính chương trình tiếng Anh, tăng 19,02 điểm so với năm 2023. Ngoài ra, ở chương trình dạy học bằng tiếng Anh cũng có nhiều ngành có điểm chuẩn tăng cao như ngành Kỹ thuật điện - điện tử tăng 15,05; Kỹ thuật cơ điện tử tăng 15,72; Kỹ thuật robot tăng 10,82; Logistics và hệ thống công nghiệp tăng 13,69; Kỹ thuật hàng không tăng 13,56. Ở chương trình định hướng Nhật Bản ngành Khoa học máy tính tăng 12,87.
Để trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế Luật, thí sinh phải có điểm trung bình 3 môn tối thiểu từ loại giỏi (8,13 điểm/môn) trở lên. Cụ thể, điểm chuẩn trúng tuyển thấp nhất là 24,39 điểm đối với ngành Quản lý công. Ngành Thương mại điện tử có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất: 27,44 điểm. Các ngành khác của Trường có điểm chuẩn trên 27 là: Hệ thống thông tin quản lý (chương trình Co-operative Education, bắt đầu tuyển sinh năm 2024): 27,25 điểm, Digital Marketing: 27,10 điểm.
Điểm chuẩn năm 2024 của trường tăng trung bình 0,39 điểm so với năm 2023, cụ thể trong đó có 22 ngành/chương trình có điểm trúng tuyển tăng so với năm 2023. Nếu tính theo lĩnh vực đào tạo, điểm trúng tuyển trung bình ngành Kinh tế là 25,89 điểm, Kinh doanh là 26,04 điểm, Luật là 25,32 điểm.
Ghi nhận tại Trường Đại học Luật TPHCM, điểm chuẩn dành cho khối C00 xét vào ngành Luật là 27,27, nghĩa là, thí sinh phải đạt trên 9 điểm/môn nếu không có ưu tiên mới có thể trúng tuyển. Nhiều ngành khác cũng có điểm chuẩn cao như Luật thương mại quốc tế 26,1 điểm khối A01, D01, D02, D06, D84; Ngôn ngữ Anh 25,46 khối D66, D84.
Ở phía Bắc, nhiều ngành của Trường Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn rất cao: Giáo dục tiểu học - Sư phạm tiếng Anh 27,26; Giáo dục tiểu học 27,2; Giáo dục đặc biệt 28,37; Giáo dục công dân 28,60; Giáo dục chính trị 28,83; Giáo dục quốc phòng và an ninh 28,26; Sư phạm Toán học 27,68; Sư phạm Vật lý 27,71; Sư phạm Hoá học 27,2. Đặc biệt, ngành Sư phạm Ngữ văn có điểm chuẩn 29,3; Sư phạm Lịch sử 29,3; Sư phạm Địa lý 29,05.
Tại Học viện Ngoại giao, ngành Trung Quốc học có điểm chuẩn cao nhất với 29,2 điểm khối C00. Xếp sau đó là ngành Truyền thông quốc tế khối C00 với 29,05 điểm, hay các ngành như Quan hệ quốc tế khối C00 với 28,76 điểm, ngành Nhật Bản học 28,73 với khối C00; Hoa Kỳ học, Luật quốc tế 28,55 khối C00; Hàn Quốc học 28,83 khối C00… Không có ngành nào của Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn dưới 25. Điều đó có nghĩa thí sinh được hơn 8 điểm/môn vẫn chưa thể vào trường.
Ở Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, điểm chuẩn cao nhất là 28,9 thuộc ngành Báo chí tổ hợp C00. Đa số các ngành còn lại có điểm chuẩn trên 27.
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Quan hệ công chúng khối C00 với 29,1, sau đó là ngành Hàn Quốc khối C00 với 29,05; ngành Báo chí khối C00 với 29,03. Hầu hết các ngành của trường ở khối C00 đều lấy trên 27 điểm, tức trên 9 điểm/môn mới trúng tuyển.
Điểm chuẩn cao đã được dự báo từ trước
Điểm chuẩn năm nay tăng và cao đã được nhiều chuyên gia tuyển sinh cảnh báo. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công Thương TPHCM cho rằng, điểm chuẩn năm nay cao vì điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn năm ngoái nhưng lượng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cũng cao hơn năm ngoái. Đặc biệt là khối C00 do các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý có điểm thi tốt nghiệp rất cao.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nhìn nhận phổ điểm các khối năm nay cao hơn năm 2023, ngoại trừ khối B00 có giảm nhẹ. Mặt khác dựa vào chỉ tiêu phân bổ các trường xét tuyển điểm thi tốt nghiệp, điểm chuẩn của các lĩnh vực khoa học xã hội, kinh doanh quản lý cao.
Riêng khối ngành sức khoẻ (thường xét tuyển khối B00), dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp điểm chuẩn không biến động. Khối ngành xét tuyển khối A00, A01 điểm chuẩn có thể tăng nhưng không đáng kể.
PGS.TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Nha Trang cho rằng, điểm chuẩn cao là vì phổ điểm tổ hợp xét tuyển truyền thống năm 2024 của 5 tổ hợp truyền thống đều tăng so với năm 2023. Ví dụ, tổ hợp của 3 môn thi bắt buộc là D00 tăng 0,63 điểm so với năm 2023, trong khi đó tổ hợp C00 tăng gần 2 điểm, tổ hợp A00 và B00 tăng không đáng kể.
ThS Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM phân tích điểm thi tốt nghiệp và điểm thi các tổ hợp xét tuyển đại học. Kết quả điểm thi của thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT của cả nước năm 2024 cho thấy, điểm trung bình các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Vật lý, Lịch sử, Địa lý đều tăng, trong đó môn Địa lý tăng nhiều nhất 1.04 điểm.
Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của nhiều trường tăng cao, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, các trường có chất lượng đào tạo tốt, nhu cầu nhân lực cao sẽ được nhiều thí sinh quan tâm.
“Một số ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng cả vùng lớn tập trung cũng có thể đẩy điểm chuẩn lên cao. Ngoài ra, điều này còn phụ thuộc vào việc đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.
Nếu các phương thức tuyển sinh đảm bảo công bằng, đề thi phân hóa rõ, việc điểm chuẩn cao không có gì bất thường. Nhưng nếu không đảm bảo công bằng, thí sinh vào bằng phương thức nào đó dễ dàng hơn, về điều này Bộ cần phải có sự phân tích kỹ”, Thứ trưởng Sơn nói.
Về điểm chuẩn khối C00 cao, thí sinh đạt 9,5 điểm nhưng không trúng tuyển vào nhiều ngành, ông Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT cũng đã có đánh giá và dự báo từ đầu khi so sánh phổ điểm 2 năm qua và thấy có sự nhích lên. Với các trường uy tín, chất lượng, sự cạnh tranh càng thấy rõ.
Đặc biệt, theo ông Sơn, điểm chuẩn vào các trường Sư phạm tăng cao là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhu cầu xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, giáo viên phổ thông rất rõ, nhất là ở một số môn như Lịch sử, Địa lý.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho hay, trong những năm vừa qua, với việc tự chủ đại học, các trường được tự chủ về phương thức tuyển sinh và có trách nhiệm làm rõ việc sử dụng các phương thức xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng.
“Tuy nhiên những năm vừa qua, việc xét tuyển sớm được dành số lượng chỉ tiêu tương đối lớn, do đó cũng ảnh hưởng đến số lượng chỉ tiêu theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho điểm chuẩn tăng cao trong một số năm qua”, bà Thủy cho hay.
Với xu hướng như vậy, theo bà Thủy, cần có sự điều chỉnh để các trường tạo sự công bằng cho thí sinh khi tham gia vào các phương thức xét tuyển khác nhau. Đây cũng là điểm quan trọng trong việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh sắp tới.