Dù vậy, từ một tình huống sư phạm còn nhiều trăn trở, thầy giáo này cho rằng, vị thế của một giáo viên quan trọng nhất vẫn là do bản thân người giáo viên đó quyết định.
*************
Mấy năm trước lớp tôi dạy có một học sinh chậm phát triển về trí tuệ do bố bị nhiễm chất độc màu da cam. Em này khác người là luôn viết ngược, muốn chấm bài của em là phải… dùng gương để soi.
Với tôi thì việc em được đến trường vui chơi với bạn bè là điều tốt rồi. Khi chấm bài của em dù biết em chẳng làm được nhiều nhưng tôi luôn cho điểm 10…ngược. Tôi cho rằng đó là cách động viên em.
Cùng dạy em năm đó với tôi có một thày dạy Vật lý rất tâm huyết nhưng khá nghiêm khắc. Trong một bài kiểm tra, thày đã cho em 0 điểm. Sự việc sau đó trở nên phức tạp, khiến cả Ban Giám hiệu phải vào cuộc. Một thời gian sau, em bỏ học...
Dù biết đồng nghiệp không sai, nhưng tôi vẫn trăn trở rất nhiều. Nó cho thấy nếu không yêu thương, thấu hiểu cho học trò, chúng ta sẽ xử lý các tình huống sư phạm một cách cứng nhắc.
"Nếu không yêu thương, thấu hiểu cho học trò, chúng ta sẽ xử lý các tình huống sư phạm một cách cứng nhắc". Ảnh chỉ có tính minh họa |
Vị thế của một giáo viên do nhiều yếu tố tác động nhưng quan trọng nhất vẫn là do bản thân người giáo viên đó quyết định. Để nâng cao vị thế của mình thì người giáo viên cần phải có chuyên môn vững, có nhân cách. Để ý chúng ta sẽ thấy những vụ việc gây bức xúc dư luận của ngành giáo dục thường rơi vào những giáo viên kém về kỹ năng sư phạm. Với những giáo viên có chuyên môn giỏi, tâm huyết thì ít bị tai tiếng.
Vị thế nghề giáo ngày nay có chút thay đổi do nhận thức của xã hội đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt vẫn luôn được đề cao. Chính truyền thống này mà giáo dục luôn được coi trọng, yêu cầu đặt ra luôn ở mức cao nhất. Nhưng được xã hội quan tâm, tôn trọng thì giáo viên phải chịu nhiều áp lực (nếu có) thì cũng đúng thôi.
Hàng ngày đi dạy tôi có may mắn là không cảm thấy áp lực, căng thẳng nhiều. Tôi luôn tôn trọng học sinh và cố gắng làm bạn với các em. Với tôi, các em được quyền đặt mọi câu hỏi, không có câu hỏi nào là bị coi là ngớ ngẩn...
Có lẽ vì thế nên khi phải giải quyết những tình huống sư phạm, tôi chưa gặp điều tiếng xấu gì.
Dù không giàu có, cuộc sống cũng có khó khăn nhưng tôi nghĩ nghề giáo đã cho tôi rất nhiều: công việc, niềm vui, nỗi buồn…. Tôi rất trân trọng những điều đó.
Anh Phạm (Giáo viên THPT ở Bắc Ninh)
'Người Việt còn trân trọng tri thức, vị thế người thầy vẫn được đề cao'
Tôi lại tự nhận rằng nghề của mình là nghề may mắn, khi đối tượng của mình là học sinh – những con người trẻ trung, năng động và đầy sức sống.