Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cung ứng các dịch vụ truyền hình tuyên truyền về đối ngoại; về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng; về nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2018-2020.
Theo đó, Mục tiêu của Đề án là thực hiện thông tin tuyên truyền thông qua các chương trình truyền hình nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tạo cầu nối thông tin từ trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho người dân trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, nâng cao kiến thức và kỹ năng sống an toàn, giảm thiểu các nguy cơ về hiểm họa cho cộng đồng, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Nâng cao nhận thức của nhân dân ở các vùng nông thôn về chính sách, pháp luật của nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giới thiệu mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình...
Đề án cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể về dịch vụ truyền hình đối ngoại; dịch vụ truyền hình phòng, chống thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng; dịch vụ truyền hình nông nghiệp - nông thôn.
Trong đó, xây dựng dịch vụ truyền hình đối ngoại trên 1 kênh truyền hình chuyên biệt phục vụ kiều bào nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thông điệp từ Việt Nam ra thế giới và gắn kết người Việt trên khắp thế giới.
Xây dựng dịch vụ truyền hình phòng, chống thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng trên 1 kênh truyền hình chuyên biệt nhằm cung cấp kịp thời và chính xác các tin tức thời sự để giúp người dân và cơ quan quản lý phòng, chống có hiệu quả thiên tai, giảm thiểu hậu quả đối với đời sống kinh tế-xã hội.
Đồng thời xây dựng dịch vụ truyền hình nông nghiệp - nông thôn trên 1 kênh truyền hình chuyên biệt nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đóng góp thông tin phản hồi từ thực tiễn, góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các kênh chương trình truyền hình chuyên biệt sẽ được phát sóng đến các địa bàn mục tiêu và đối tượng thụ hướng thông qua các hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình. Đồng thời sẽ tổ chức phân phối nội dung trực tuyến trên mạng Internet, mạng xã hội và các hạ tầng trực tuyến. Đối với việc truyền dẫn, phát sóng ra nước ngoài của dịch vụ truyền hình đối ngoại sẽ thực hiện theo phương thức truyền dẫn qua vệ tinh và Internet.
Tại các địa bàn mục tiêu, căn cứ theo điều kiện thực tế của từng địa bàn để triển khai phương thức phát sóng phù hợp bằng các phương thức: Mặt đất, số vệ tinh, cáp, IPTV, truyền hình Internet và trao đổi chương trình.
Theo Đề án, quy mô dịch vụ truyền hình đối ngoại, hàng năm trung bình sản xuất và phát sóng các chương trình với thời lượng sản xuất mới là 1.364 giờ, cả giai đoạn là 4.092 giờ; dịch vụ truyền hình phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng hàng năm trung bình sản xuất và phát sóng các chương trình với thời lượng sản xuất mới là 1.365 giờ, cả giai đoạn là 4.096 giờ; dịch vụ truyền hình nông nghiệp-nông thôn, hàng năm trung bình sản xuất và phát sóng các chương trình với thời lượng sản xuất mới là 1.268 giờ, cả giai đoạn là 3.804 giờ.
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước, huy động từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị cung ứng dịch vụ và các nguồn kinh phí khác.
Đài Tiếng nói Việt Nam được giao chủ trì Đề án, Bộ TT&TT phối hợp với VOV để kiểm tra, giám sát việc cung cấp các dịch vụ truyền hình thuộc Đề án.