|
Gần đây, một loạt công ty mở dịch vụ quản lý tài sản ảo, cho phép khách hàng chỉ định người thừa kế tài sản đó khi họ qua đời. Ảnh minh họa. |
Tom Stuart là một “nhà buôn” khá tích cực của trang web thương mại điện tử eBay. Khi ông đột ngột qua đời hồi tháng 11/2007, con trai của ông biết chắc chắn rằng cha mình còn hàng ngàn bảng Anh trong tài khoản thanh toán trực tuyến PayPal nhưng không thể làm cách nào lấy được.
Nhu cầu có thực
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều người đã gửi gắm một phần không hề nhỏ cuộc đời của họ vào thế giới ảo trên Internet. Đó có thể là những thứ vô hình như các mối quan hệ trên các mạng xã hội, là những hộp thư điện tử nhưng cũng có thể là những khối tài sản rất hữu hình như trường hợp của Tom Stuart.
“Mọi người vẫn chưa được cảnh báo về cái gọi là tài sản thừa kế trong thế giới ảo trong khi đó là một vấn đề rất nghiêm túc và đáng được quan tâm hơn nữa”, Yorick Wilks, chuyên gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu Internet Oxford nói.
Trở lại câu chuyện của Tom Stuart, con trai của ông, Darren cho biết cha mình không hề để lại di chúc hay bất cứ thứ gì để anh có thể tìm ra manh mối mật khẩu cho tài khoản PayPal của ông. Tháng 3/2008, Darren gửi email đến cho PayPal nhưng trả lời anh chỉ là một bức thư được gửi tự động.
“Sau đó tôi đã gọi điện đến cho phòng dịch vụ và đã nói chuyện được với một người có trách nhiệm giải quyết. Nhưng anh ta yêu cầu tôi phải có một lá thư chứng thực của luật sư rằng mình là người thừa kế số tài sản đó cùng với bản sao di chúc. Tôi làm gì có những thứ đó”, Darren kể lại. “Trong trường hợp này, chúng tôi không thể giúp được gì vì đó là chính sách của công ty”, người phụ trách của PayPal.
David Hardie, luật sư chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến di chúc và thừa kế của hãng luật Pannone ở London (Anh) cho biết, đó là một vấn đề rất mới và phức tạp bởi những thứ như blog, ảnh số, bài viết, tài khoản mạng xã hội… sẽ được pháp luật coi là một dạng “sở hữu trí tuệ” và phải chịu thêm những quy định của Luật bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ.
Nhận “ký gửi” cuộc sống số
Cũng chính từ những câu chuyện có thật như vậy mà hàng loạt công ty dịch vụ trực tuyến đã được ra đời để giúp mọi người tránh lặp lại những sai lầm.
Legacy Locker là một trong số những công ty đó. Ngay sau khi đăng ký một tài khoản trên trang web của công ty, người dùng có thể tải lên đó toàn bộ những “tài sản số, tài sản ảo” của mình, đồng thời chỉ định ai sẽ được kế thừa sau khi chủ tài khoản chết.
Deathswitch- một dịch vụ dành riêng cho những người hay quên mật khẩu, đồng thời là giải pháp cho những trường hợp… “bất đắc kỳ tử”.
Theo định kỳ, Deathswitch sẽ gửi đến chủ tài khoản bảng danh sách mật khẩu của những dịch vụ web mà họ hay truy cập. Nếu sau một vài lần mà người nhận không có phản hồi cho biết họ… vẫn còn sống, Deathswitch sẽ tự động chuyển tất cả những mật khẩu và thông tin đó cho một người nhận được chỉ định từ trước.
Tính đến tháng 4/2009, dịch vụ này đã có hơn 1.500 khách hàng đăng ký sử dụng với mức phí trọn đời là 300 USD. Jeremy Toeman, người sáng lập Legacy Locker tin tưởng rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa, công ty của ông sẽ rất phát đạt bởi lẽ ngày nay, cứ mỗi lần người dùng tham gia một dịch vụ web mới, họ lại phải quản lý thêm một tài khoản và một mật khẩu.
Nhưng “cái kho mật khẩu” Legacy Locker đang trở thành miếng mồi ngon của giới hacker. Đồng thời, nhiều người cho rằng khi tuổi thọ trung bình của người Anh đã lên đến 81 thì Legacy Locker và những công ty khác rất có thể sẽ gặp phải cảnh “lìa trần” trước cả khách hàng của mình.
Theo Guardian
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 119 ra ngày 5/10/2009.