Khách hàng gọi đồ ăn từ khoảng cách 3 km nhưng chỉ tính phí vận chuyển 15.000 đồng, thậm chí là miễn phí trong các chương trình khuyến mại, nghe có vẻ là một ý tưởng kinh doanh tồi. Tuy nhiên đây là mô hình mà Grab, Go-Viet, Now và nhiều ứng dụng khác vẫn đang theo đuổi.

Không phải ngẫu nhiên Euromonitor cùng nhiều đơn vị bên thứ ba khác định giá thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam sẽ có giá trị khoảng 38 triệu USD vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm. Giao đồ ăn là một ngành có nhiều cách để sinh lời.

Thu hoa hồng từ tài xế, nhà hàng

Trong phí vận chuyển mà khách hàng thanh toán cho mỗi đơn hàng gọi đồ ăn, các ứng dụng như Grab hay Go-Viet sẽ giữ lại một phần hoa hồng và chuyển phần còn lại cho tài xế.

{keywords}
Nguồn thu của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến là chiết khấu từ tài xế đối tác. Ảnh: Ngô Minh.

Hiện mức hoa hồng (hay còn gọi là chiết khấu) đang được Grab và Go-Viet áp dụng là 20% phí vận chuyển. Điều này đồng nghĩa mỗi đơn hàng có phí vận chuyển khoảng 15.000 đồng, các ứng dụng thu về 3.000 đồng. Khi quãng đường vận chuyển xa hơn dẫn đến cước phí cao hơn, các ứng dụng càng thu được nhiều chiết khấu hơn.

Để tối đa hóa nguồn thu này, các ứng dụng phải đảm bảo các tài xế đối tác giao đồ ăn càng "bận rộn" càng tốt. Do đó, để kích cầu, các hãng sẵn sàng tung ra nhiều chương trình khuyến mại "mạnh tay", vừa tạo thói quen sử dụng cho khách hàng, vừa giúp giành thị phần từ đối thủ.

Việc có nhiều khách hàng hơn sẽ thu hút tài xế đối tác gắn bó ứng dụng hơn, từ đó giúp tăng doanh thu từ chiết khấu.

Bên cạnh đó, các ứng dụng giao đồ ăn hoàn toàn có thể thu chiết khấu từ các nhà hàng đối tác. Việc hợp tác với ứng dụng giao đồ ăn sẽ giúp nhà hàng tăng doanh số và lợi nhuận. Tại các thị trường nước ngoài, nhà hàng sẵn sàng trả chiết khấu cho ứng dụng giao đồ ăn để đổi lại lượng khách hàng trực tuyến dồi dào.

Con số chiết khấu với hàng quán tại các thị trường nước ngoài thường ở mức 10-15% giá trị đơn hàng. Tuy nhiên, tại Việt Nam các ứng dụng vẫn chưa áp dụng khoản thu này để thu hút các nhà hàng tham gia hợp tác, mở rộng mạng lưới.

Khi thị trường định hình, với mỗi đơn hàng đồ ăn uống trị giá 100.000 đồng, các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến có thể thu thêm chiết khấu 10.000-15.000 đồng từ các nhà hàng, cao hơn nhiều lần so với khoản thu từ tài xế đối tác.

Thu từ quảng cáo, chương trình hợp tác

Không khó để thấy chương trình khuyến mại của các nhà hàng trên nền tảng giao đồ ăn trực tuyến. Nhiều chương trình khuyến mại đang được các ứng dụng thực hiện miễn phí cho nhà hàng đối tác. Tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể thay đổi trong tương lai.

Khi GrabFood, Go-Food hay Now có thị phần ổn định, nhà hàng đối tác có thể sẵn sàng chi trả để được quảng bá trên những nền tảng này thông qua các chương trình khuyến mại giảm giá.

{keywords}
Các ứng dụng như Grab hoàn toàn có thể thu phí nếu các nhà hàng đối tác muốn quảng bá qua các chương trình khuyến mại.

Theo Marketing Mind, do nắm trong tay cơ sở dữ liệu người dùng khổng lồ bao gồm độ tuổi, giới tính, mức chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến, khẩu vị, các nền tảng "siêu ứng dụng" có thể đưa ra các chương trình quảng cáo khuyến mại hiệu quả cao và thu được doanh thu từ các hàng quán có nhu cầu.

Một khoản thu khác có thể đến từ quảng cáo trực tiếp của các nhà hàng. Nhiều nhà hàng chia sẻ đã chi tiền cho hãng để có được những vị trí đẹp, giúp thu hút người dùng trên giao diện ứng dụng. Từ đó, họ có cơ hội nhận nhiều đơn đặt hàng hơn, giúp gia tăng doanh số và lợi nhuận.

Tại nhiều nước Đông Nam Á, các ứng dụng sau khi có lượng người dùng đủ lớn còn sẵn lòng bán quyền khai thác quảng cáo cho bên thứ ba, nếu không muốn tự làm.

Bên cạnh những nguồn thu trên, các "siêu ứng dụng" thường đi kèm một ví điện tử. Ứng dụng giao đồ ăn giúp phát triển hệ sinh thái dịch vụ tiện lợi, khuyến khích khách hàng thanh toán bằng ví điện tử. Các nền tảng này sẽ thu lợi như một doanh nghiệp ví điện tử nhờ lượng tiền lớn luân chuyển trong hệ sinh thái.

(Theo Zing)