|
Khó có sự đột phá về số lượng dịch vụ công mức 4 trong năm 2011. Ảnh: N.Đ |
Từ “3” lên “4”: Còn nan giải!
Theo thông tin từ Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT), tính đến hết năm 2010, cả nước đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng cũng như số địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Cụ thể, có 38 địa phương cung cấp tới 748 dịch vụ (trong khi đó năm 2009 mới có 18 tỉnh, thành phố cung cấp 254 dịch vụ). Dù dịch vụ công mức độ 3 đã tăng mạnh như vậy nhưng đáng chú ý, mức 4 (mức độ cao nhất của Chính phủ điện tử) mới chỉ có TP.HCM và Bộ Công thương là hai cái tên đại diện cho khối địa phương và Bộ ngành cung cấp.
Việc ứng dụng dịch vụ công mức độ 4 với toàn bộ quy trình thủ tục hành chính, cấp phép và thanh toán chi phí được thực hiện qua mạng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí trong việc đề nghị cấp giấy xác nhận khai báo, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước có số liệu, báo cáo chính xác. Vậy, tiếp nối “đà” của năm 2010, liệu trong năm 2011 dịch vụ công mức độ 4 trong nước có được cung cấp nhiều hơn?
Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN về vấn đề này, ông Lê Quốc Hưng – Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế, Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) khẳng định, dù dịch vụ mức 3 đã được cung cấp khá nhiều, nhưng chuyện “nâng” từ mức 3 lên mức độ 4 không đơn giản. “Khi cung cấp dịch vụ công mức 4, yếu tố khó khăn nhất vẫn là hạ tầng giao dịch với vấn đề xác thực điện tử (nhằm xác nhận tính chính xác của hồ sơ điện tử, của người gửi hồ sơ) và giao dịch, thanh toán trực tuyến qua mạng. Trong khi đó, tại hầu hết các địa phương, các cơ quan trong nước hiện nay vấn đề này còn nhiều hạn chế. Như với giao dịch thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải trả phí thì đến nay đa số cơ quan nhà nước chưa sẵn sàng cho việc thanh toán qua mạng. Còn việc ứng dụng chữ ký số để xác thực điện tử vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi - tỷ lệ đơn vị ứng dụng chữ ký số là dưới 10% ở các địa phương và dưới 40% ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ”, ông Lê Quốc Hưng nhấn mạnh.
Khó có sự “đột phá” trong năm 2011
Từ tháng 2/2010, TP.HCM đã trở thành địa phương tiên phong trong cả nước khi lần lượt tuyên bố cung cấp ba dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 là đăng ký chấp thuận họp báo, đăng ký chấp thuận tổ chức hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài và đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm (chưa thẩm định). Đánh giá về ba dịch vụ công mức 4 đang được cung cấp, ông Lê Mạnh Hà – Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM khẳng định, việc ứng dụng không gặp trở ngại đáng kể về kỹ thuật hạ tầng cũng như việc sử dụng của doanh nghiệp. Trao đổi thêm với phóng viên Báo BĐVN, chưa tiết lộ cụ thể nhưng ông Lê Mạnh Hà cũng khẳng định, hiện nay Sở TT&TT TP.HCM đang nghiên cứu để có thể tiếp tục tung ra một số dịch vụ công mức độ 4 ngay trong năm 2011.
Có thể nói, với ba dịch vụ công mức 4 mà TP.HCM đang cung cấp, theo đánh giá của một số chuyên gia, là các dịch vụ cơ bản, các tỉnh, thành phố lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng… hoàn toàn cũng có thể cung cấp. Thế nhưng, một vấn đề được đặt ra là tại sao cho đến thời điểm hiện nay, tức là đã hơn một năm sau khi TP.HCM tung ra dịch vụ công mức độ 4, vẫn chỉ có TP.HCM “đơn thương độc mã”?
Lý giải điều này, ông Lê Quốc Hưng cho rằng, để có thể tung ra được dịch vụ công mức độ 4, ngoài việc phải sẵn sàng cho vấn đề hạ tầng như đã nêu trên, thì câu chuyện còn phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm, ý chí của người đứng đầu các địa phương, Bộ ngành. Tức là có chú trọng cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp hay không, để từ đó mạnh dạn đầu tư về nguồn lực hạ tầng hay không...
Theo lộ trình Nhà nước đặt ra trong Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2015, các cơ quan Nhà nước cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó có các dịch vụ được ưu tiên cung cấp như đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; cấp giấy phép xây dựng; giấy phép đầu tư; giấy đăng ký hành nghề y, dược; cấp, đổi giấy phép lái xe; giải quyết khiếu nại, tố cáo; đăng ký tạm trú, tạm vắng… Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, ông Lê Quốc Hưng cho rằng khó có thể nói đến một sự đột phá ngay trong năm 2011, tuy nhiên tuỳ theo năng lực và ý chí quyết tâm, theo lộ trình này các địa phương, Bộ ngành có thể sẽ sớm chú trọng, chuẩn bị đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ công mức độ 4.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của một số chuyên gia, việc trong nước hiện đã xuất hiện 5 doanh nghiệp được Bộ TT&TT cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (VNPT-CA, Nacencomm, Bkav-CA, Viettel CA và FPT-CA) chính là một trong những “chất xúc tác” quan trọng để dịch vụ công mức độ 4 được tung ra nhiều hơn tại Việt Nam.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu Điện Việt Nam số 40 ra ngày 4/4/2011