4.jpg
Ảnh minh họa.

Nhiều tiềm năng…

Tại Security World 2010, trao đổi với phóng viên Báo BĐVN về thị trường chứng thực chữ ký số công cộng tại Việt Nam, ông Ngô Tuấn Anh – Giám đốc BKIS Telecom (đơn vị thành viên của BKAV) nhận định đây là thị trường tiềm năng với các đối tượng khách hàng đa dạng như cá nhân, đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính công, các doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước… Bên cạnh đó, với các giao dịch trực tuyến, đặc biệt giao dịch trong ngân hàng, cần đảm bảo tính bí mật, toàn vẹn, xác thực thì sử dụng chữ ký số sẽ trở thành giải pháp đảm bảo an ninh cao nhất.

Còn tại Việt Nam, trong những năm qua các hoạt động như khai thuế qua mạng, hải quan điện tử, giao dịch ngân hàng ngày càng phổ biến…, và năm 2005 Việt Nam cũng đã ban hành Luật giao dịch điện tử… “Một trong những yêu cầu đặt ra cho những giao dịch nêu trên là tính an ninh. Các nước tiên tiến trên thế giới đã thừa nhận chứng thực chữ ký số là giải pháp đảm bảo nhất của giao dịch điện tử, chính vì vậy nhu cầu thị trường chứng thực số sẽ rất lớn”, ông Tuấn nói.

… nhưng chưa khởi động

Như vậy, thị trường chứng thực chữ ký điện tử rất tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù đã sẵn sàng nhưng đến nay có thể nói thị trường này lại chưa hình thành. Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN mới đây, ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc công ty công nghệ thẻ NacencommSCT - thành viên của Công ty điện tử Hà Nội (Hanel) cho biết: “Mặc dù đã sẵn sàng nhưng do thị trường cho dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng tại Việt Nam chưa hình thành nên chúng tôi chưa công bố khung giá dịch vụ”.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Tôn Thất Minh Quân – Giám đốc kinh doanh của công ty công nghệ Secure Metric Việt Nam, đơn vị đang cung cấp dịch vụ bảo mật cho nhiều tổ chức, ngân hàng tại Việt Nam cũng nhận định: “Để các cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số, thì vẫn còn rất nan giải. Vấn đề quan trọng trước mắt nằm ở khâu tuyên truyền để các đối tượng hiểu rõ lợi ích của chứng thực số”.

Bên cạnh đó, trong khi thị trường trong nước chưa hình thành thì cũng tại hội nghị Security World 2010 diễn ra tại Hà Nội ngày 23/3, vấn đề liên quan đến chứng thực số cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng trở thành một vấn đề “nóng” được đặt ra. Bà Nguyễn Hương Giang, Giám đốc công ty Chứng nhận DAS Việt Nam đưa ra dẫn chứng cụ thể để khẳng định đây là rào cản đang gây khó khăn cho hoạt động của DAS.

Bà Giang cho biết: “Các giấy chứng nhận của DAS Việt Nam được Tổng Giám đốc bên Anh phê duyệt và ban hành chủ yếu qua mạng điện tử, phê duyệt trên giấy chứng nhận qua chữ ký số và hiệu lực của chữ ký này là hiệu lực cao nhất cuối cùng, không cần phải thêm việc đóng dấu. Bà Giang cũng khẳng định giấy chứng nhận của DAS đã được tổ chức chứng nhận UKAS công nhận uy tín nhất trên toàn cầu, tuy nhiên khi mang giấy chứng nhận đó đến Việt Nam lại không được công nhận”.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết hiện nay toàn cầu chưa có một hiệp ước chung về giá trị của chữ ký số, mà các quốc gia thường tự hiệp thương với nhau. Pháp luật Việt Nam đã công nhận chữ ký số tương đương với chữ ký và dấu, nhưng giữa 2 nước Việt Nam và Anh lại chưa có một hiệp ước nào về chữ ký số, vì thế trong trường hợp này phải người dùng phải dùng chữ ký số ở Việt Nam.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 37 ra ngày 26/3/2010.